(HNM) - Bất động sản (BĐS) là thị trường quan trọng, có ảnh hưởng rất lớn tới tiến trình vận động và phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là trong bối cảnh phát triển hiện nay. Thế nhưng thị trường BĐS Việt Nam đã và đang có rất nhiều vấn đề.
(HNM) - Bất động sản (BĐS) là thị trường quan trọng, có ảnh hưởng rất lớn tới tiến trình vận động và phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là trong bối cảnh phát triển hiện nay. Thế nhưng thị trường BĐS Việt Nam đã và đang có rất nhiều vấn đề. Nếu nói thị trường bị "thả nổi" - có thể là thiếu khách quan, nhưng rõ ràng hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với thị trường này còn nhiều hạn chế, yếu kém... Hệ quả là hàng loạt dự án BĐS bị đình đốn, bị bỏ hoang, "chôn" theo một lượng vốn lớn cùng tình trạng nợ khó đòi... Xã hội đang phải "gánh" những hệ lụy rất lớn từ một thị trường phát triển tự phát với nhiều khuyết tật.
Hệ thống pháp luật về BĐS nói chung và kinh doanh BĐS nói riêng đã và đang bộc lộ không ít bất cập. Nhiều quy định tại Luật Kinh doanh BĐS (có hiệu lực từ năm 2007) không phù hợp với thực tế, không "đủ sức" điều chỉnh hoạt động kinh doanh BĐS và thị trường BĐS. Chưa kể thủ tục giao dịch BĐS quá phức tạp lại phải qua nhiều khâu trung gian. Trong khi đó, những yếu tố có tính chất quyết định cho việc hình thành và vận hành thị trường như dịch vụ môi giới, tư vấn, định giá, quản lý BĐS chưa được quy định đầy đủ, rõ ràng trong các văn bản luật... Chính việc thiếu hành lang pháp lý và những yếu kém trong quản lý đã tạo ra một thị trường thiếu minh bạch với những lỗ hổng để không ít doanh nghiệp lợi dụng "lách" luật thu lợi bất chính, hoặc "chặt chém", lừa đảo gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội.
Có thể nói một thời gian dài, thị trường BĐS rơi vào tình trạng nhiễu loạn bởi lối kinh doanh "phong trào". Nhà nhà, người người "làm" BĐS dẫn đến những kiểu kinh doanh "nước bọt", giao dịch "ngầm"... không thể kiểm soát. Cung - cầu mất cân đối, người dân bình thường không dễ tìm kiếm thông tin về thị trường... nên cánh đầu cơ thoải mái tung đủ chiêu thức như kích cầu ảo, nâng giá tạo những cơn nóng lạnh bất thường trên thị trường, chưa kể nạn lừa đảo trong kinh doanh và dịch vụ môi giới BĐS... Tóm lại, trong một thời gian dài, thị trường BĐS đã phát triển "nóng" với không ít dấu hiệu lệch lạc. Hậu quả là tình trạng lãng phí đất đai, tiền bạc, nạn tham nhũng và không ít vấn đề gây bức xúc cho xã hội.
Rất nhiều yếu tố cần được điều chỉnh, hoặc quy định mới nhằm đưa thị trường BĐS vào phát triển ổn định, trong đó có việc "nâng chuẩn" năng lực các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực này bằng những quy định về vốn pháp định và việc kiểm soát đăng ký vốn. Điều này hết sức cần thiết bởi nhiều lý do. Thứ nhất, thời gian qua đã có không ít doanh nghiệp BĐS hoạt động theo kiểu "tay không bắt giặc", chính những doanh nghiệp này đã góp phần gây nhiễu thị trường, do vậy phải có quy định để sàng lọc những nhà đầu tư thiếu năng lực. Thứ hai, đầu tư, kinh doanh các lĩnh vực liên quan đến BĐS đòi hỏi tính chuyên nghiệp cao nên doanh nghiệp phải "nâng chuẩn". Thứ ba, xã hội cần một thị trường BĐS phát triển ổn định nên nhà đầu tư phải chuyên nghiệp, phải có năng lực để tạo ra sự lành mạnh, tích cực cho thị trường...
Từ những vấn đề của thị trường BĐS những năm gần đây, có thể nhận định việc tạo hành lang pháp lý để căn chỉnh hoạt động kinh doanh BĐS là hết sức cần thiết và phù hợp với yêu cầu thực tế.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.