Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần chính sách hỗ trợ hiệu quả

Mai - Trang| 16/08/2021 08:51

(HNNN) - Phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ là hướng đi vừa bảo đảm sức khỏe cho người sản xuất và người tiêu dùng, vừa nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, việc sản xuất, tiêu thụ nông sản hữu cơ vẫn gặp những khó khăn nhất định cần tháo gỡ. Phóng viên Hà Nội Ngày nay đã ghi lại một số ý kiến của đại diện cơ quan quản lý, hợp tác xã, doanh nghiệp về vấn đề này.

Thực phẩm của Sói Biển là sản phẩm không hóa chất, tươi ngon và đảm bảo vệ sinh ATTP. Ảnh: Đặng Tú

Ông Tạ Văn Tường, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội:
Thực hiện đồng bộ các giải pháp

Theo tôi, ngoài thực hiện các chính sách đã ban hành về khuyến khích phát triển sản xuất, phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất nông nghiệp, cũng cần nghiên cứu ban hành một số chính sách riêng cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo nhóm như: Ưu tiên kinh phí khoa học, khuyến nông để thực hiện đề tài nghiên cứu, dự án khuyến nông, đặc biệt là về giống kháng sâu bệnh, phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, thuốc thú y thảo mộc. Bên cạnh đó, cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, hợp tác xã, trang trại, hộ gia đình, nhóm hộ sản xuất sản phẩm hữu cơ xác định các vùng, khu vực đủ điều kiện sản xuất hữu cơ; cấp Giấy chứng nhận sản phẩm phù hợp về nông nghiệp hữu cơ; hỗ trợ xây dựng, nhân rộng mô hình sản xuất hữu cơ... Cùng với đó là chính sách giảm thuế, miễn thuế có thời hạn đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.

Bà Nguyễn Thanh Tuyền, Giám đốc Hợp tác xã Bảo tồn và phát triển dược liệu Sóc Sơn:
Xây dựng thương hiệu cho sản phẩm hữu cơ

Sóc Sơn có lợi thế khí hậu mát mẻ, lại nằm cách biệt với các khu vực sản xuất công nghiệp nên chúng tôi dễ dàng lựa chọn được các vị trí thích hợp, đáp ứng đủ các tiêu chí về nguồn đất, nước để sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Từ 5ha ban đầu (năm 2015), đến nay, Hợp tác xã Bảo tồn và phát triển dược liệu Sóc Sơn đã mở rộng quy mô sản xuất lên tới 30ha tại xã Bắc Sơn và Xuân Giang để trồng bảo tồn và phát triển những loại dược liệu quý như trà hoa vàng, khôi tía, kim ngân hoa, thìa canh...

Nông nghiệp hữu cơ mang lại lợi ích cho cả người sản xuất, người tiêu dùng và cả xã hội. Tuy vậy, các loại thuốc trừ sâu và phân bón hữu cơ cho cây trồng thường có giá cao hơn nhiều lần so với phân bón vô cơ và thuốc trừ sâu hóa học. Hơn nữa, quá trình canh tác không được dùng thuốc diệt cỏ nên chi phí nhân công làm cỏ bằng tay cũng khá tốn kém. Do đó, nếu được hỗ trợ, người dân rất cần các cơ quan chức năng đẩy mạnh nghiên cứu đưa ra thị trường nhiều loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hữu cơ với giá “phải chăng” để người dân giảm chi phí đầu tư, hạ giá thành sản phẩm. Bên cạnh đó, cần hỗ trợ các hợp tác xã xây dựng thương hiệu cho sản phẩm hữu cơ. Chỉ khi có thương hiệu, người tiêu dùng mới tin tưởng chi tiền nhiều hơn để mua sản phẩm hữu cơ. Khi đã có hiệu quả, chắc chắn người dân sẽ chủ động nhân rộng được mô hình.

Ông Bùi Văn Hậu, Giám đốc điều hành chuỗi thực phẩm sạch Sói Biển:
Kết nối, xây dựng các chuỗi cung ứng bảo đảm chất lượng

Hiện nay, nhiều địa phương trên cả nước đang rất chú trọng đến việc xây dựng và phát triển các mô hình sản xuất nông sản hữu cơ. Tuy nhiên, cho dù việc kết nối các kênh tiêu thụ nông sản hữu cơ ngày càng được mở rộng nhưng đầu ra của các sản phẩm vẫn chưa thực sự ổn định, việc quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc để kiểm chứng xem quy trình sản xuất có thực sự đạt tiêu chuẩn hữu cơ hay không cũng chưa được thực hiện triệt để. Thêm vào đó, do nông sản hữu cơ mất nhiều thời gian sản xuất và năng suất cũng thấp hơn các sản phẩm thông thường nên giá thành cao hơn, trong khi trên thị trường tràn lan các sản phẩm không rõ nguồn gốc cũng được “gắn mác” hữu cơ và được bán với mức giá thấp hơn, điều đó đã ảnh hưởng rất nhiều đến các doanh nghiệp sản xuất và bán lẻ nông sản hữu cơ rõ nguồn gốc. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19 đang có diễn biến vô cùng phức tạp, việc vận chuyển, cung ứng hàng hóa cũng gặp nhiều trở ngại. Trên thực tế, một số loại nông sản đến kỳ thu hoạch nhưng lại rơi vào các đợt dịch Covid-19 bùng phát, điều đó đã tạo nên áp lực lớn về tiêu thụ cho người nông dân và các doanh nghiệp cung ứng... Đó là những khó khăn có thể đong đếm được với mô hình sản xuất nông sản hữu cơ.

Để giải quyết những khó khăn này, các doanh nghiệp có vai trò phân phối và bán lẻ nông sản hữu cơ đã phải kiểm soát rất chặt chẽ chất lượng sản phẩm đầu vào, lựa chọn các nhà cung cấp uy tín, có đầy đủ giấy tờ chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, giấy tờ chứng nhận hữu cơ. Không chỉ kiểm chứng chất lượng sản phẩm thông qua việc truy xuất nguồn gốc, chúng tôi còn kiểm chứng thực tế qua việc đến thăm trực tiếp nơi nuôi trồng để đảm bảo độ tin cậy của những sản phẩm đạt chuẩn hữu cơ trước khi cung cấp cho người tiêu dùng, tạo động lực cho người nông dân sản xuất nông sản hữu cơ yên tâm sản xuất. Bên cạnh đó, chúng tôi còn kết nối các nhà cung cấp, các hợp tác xã với đơn vị cung cấp giải pháp để triển khai truy xuất nguồn gốc hàng nông sản theo tiêu chuẩn quốc gia, giúp minh bạch thông tin về sản phẩm đối với người tiêu dùng, qua đó góp phần nâng cao uy tín cho nông sản Việt Nam.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cần chính sách hỗ trợ hiệu quả

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.