Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần ''cây gậy'' gỡ vướng mắc trong hoạt động đấu thầu

Hà Phong| 04/10/2022 06:51

(HNM) - Sau gần 10 năm đi vào cuộc sống, Luật Đấu thầu đã có tác động tích cực đến hoạt động mua sắm sử dụng nguồn vốn nhà nước, vốn của doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên, từ thực tiễn triển khai cho thấy vẫn còn một số nội dung cần sửa đổi, bổ sung kịp thời để gỡ vướng mắc trong hoạt động đấu thầu, giảm tiêu cực trong đấu thầu, sử dụng hiệu quả nguồn vốn nhà nước, nguồn lực từ đất đai...

Các đại biểu tham dự phiên họp thẩm tra sơ bộ dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi), tháng 9-2022. Ảnh: Bảo Yến

Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) gồm 10 chương, 92 điều. So với Luật Đấu thầu năm 2013, dự thảo luật đã sửa đổi 85 điều, bổ sung mới 5 điều, giữ nguyên 2 điều, bãi bỏ 11 điều. Ban soạn thảo cũng đã chia rõ các nhóm chính sách chính để lấy ý kiến nhằm sửa đổi luật.

Đáng lưu ý, đối với nhóm các quy định sửa đổi, bổ sung nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về đấu thầu; phòng, chống tiêu cực tham nhũng, lãng phí trong hoạt động đấu thầu, dự thảo đề cao trách nhiệm của người có thẩm quyền trong việc kiểm tra, giám sát hoạt động đấu thầu thuộc phạm vi quản lý của mình. Hoàn thiện quy định về các hành vi bị cấm để xác định đầy đủ các hành vi vi phạm trong đấu thầu đã xảy ra trong thực tế nhằm hạn chế, tiến tới giải quyết căn cơ, triệt để các hành vi thông đồng, gian lận, tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động đấu thầu. Dự thảo cũng nêu tiêu chí bảo đảm cạnh tranh trong nội dung hồ sơ mời thầu nhằm hạn chế tình trạng “cài cắm” gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng…

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) sẽ tiếp tục đẩy mạnh phân cấp trong việc quyết định các nội dung về đấu thầu, cải cách thủ tục đấu thầu. Cụ thể, phân cấp, ủy quyền thực hiện một số trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ, bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, chủ tịch UBND cấp tỉnh cho người có thẩm quyền, chủ đầu tư để tạo sự chủ động, tự chịu trách nhiệm cho các đối tượng được phân cấp, ủy quyền. Song vẫn bảo đảm thực hiện có hiệu quả công tác quản lý nhà nước, tăng cường chế độ kiểm tra, giám sát, hậu kiểm và phối hợp giữa cơ quan quản lý các cấp.

Xung quanh vấn đề này, luật gia Lê Quang Vững cho rằng, bất cập lớn nhất đối với công tác mua sắm, đấu thầu, đặc biệt là cung cấp thuốc, vật tư y tế là pháp luật hiện hành chưa bao quát hết các trường hợp cần thiết áp dụng chỉ định thầu dẫn tới lúng túng khi thực thi, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 kéo dài trong 2 năm (2020-2021) vừa qua. Nội dung của dự thảo luật đã bổ sung, hoàn thiện các quy định về hình thức chỉ định thầu, các quy định liên quan đến việc chọn nhà thầu cần thực hiện để khắc phục ngay hoặc xử lý kịp thời hậu quả gây ra do sự cố bất khả kháng, gỡ đúng chỗ vướng, giải tỏa tâm lý cho đội ngũ cán bộ đấu thầu trong lĩnh vực y tế. Ở chiều ngược lại, dự thảo có quy định về giám sát, theo dõi hoạt động đấu thầu, tuy nhiên hoạt động này do người có thẩm quyền, cơ quan quản lý nhà nước về đấu thầu thực hiện mà không có sự tham gia của tổ chức giám sát xã hội là chưa đầy đủ.

Trong lĩnh vực y tế, dịch vụ y tế đòi hỏi chất lượng và tính kịp thời về thuốc và trang thiết bị y tế, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho rằng cần có quy định phù hợp, cân bằng giữa mua sắm, việc sử dụng hàng hóa có chất lượng cao, hàng hóa có chất lượng đáp ứng yêu cầu chuyên môn và giá cả hợp lý để người dân, cơ sở y tế có quyền được lựa chọn, chỉ định dịch vụ và được chi trả theo quy định là rất cần thiết. Điều này cũng cần phải được dự tính trong dự thảo luật.

Ở góc nhìn khác, luật gia Lê Quang Vững cho rằng, dự thảo giao Chính phủ quy định chi tiết quá nhiều nội dung quan trọng, như phương pháp, tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu, lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư, danh mục dự án đầu tư, quy trình lựa chọn nhà đầu tư… Trong khi đó, xu hướng là phải luật hóa để bảo đảm tính công khai, minh bạch trong đấu thầu, tuân thủ pháp luật trong triển khai thực hiện và kiểm tra, thanh tra, giám sát. Nếu giao Chính phủ quy định chi tiết quá nhiều, có thể gây chậm trễ ngay trong quá trình hướng dẫn thi hành luật và tạo thêm nhiều tầng nấc trung gian từ nghị định, thông tư hướng dẫn, thậm chí quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần ''cây gậy'' gỡ vướng mắc trong hoạt động đấu thầu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.