Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kịp thời khắc phục hạn chế của Luật Đấu thầu, Luật Giá hiện hành

Đình Hiệp| 07/11/2022 17:19

(HNMO) - Chiều 7-11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tư, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Giá (sửa đổi); dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) và việc thực hiện Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam liên quan đến thông tin “nơi sinh” trên hộ chiếu.

Trong đó, các đại biểu tập trung thảo luận nhiều về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi), Luật Giá (sửa đổi) và nhấn mạnh việc sửa đổi hai luật là cần thiết nhằm kịp thời khắc phục những hạn chế hiện nay; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội thảo luận tại tổ.

Xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung trong đấu thầu

Thảo luận tại tổ, các đại biểu cho rằng, thực tiễn thi hành Luật Đấu thầu hơn 8 năm qua đã bộc lộ nhiều hạn chế, khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, một số quy định chưa phù hợp với thực tiễn hoặc quy định chưa đầy đủ dẫn đến khó khăn trong lựa chọn nhà thầu. Quy trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu còn phức tạp, thời gian lựa chọn nhà thầu kéo dài, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện đầu tư, mua sắm công. Bên cạnh đó, quy định về kiểm tra, giám sát, chế tài xử lý vi phạm chưa đầy đủ, chưa ngăn chặn được tình trạng gian lận, tiêu cực, tham nhũng trong đấu thầu diễn biến phức tạp.

Đại biểu Phạm Đức Ấn (Đoàn Hà Nội) phát biểu.

Đại biểu Phạm Đức Ấn (Đoàn Hà Nội) quan tâm Luật Đấu thầu (sửa đổi) khi cho rằng, thực tế thời gian qua, mức giá đưa ra đấu thầu và giá trúng thầu còn chênh lệch rất lớn. Thậm chí nhiều dự án chỉ định thầu lại tiết kiệm hơn so với những dự án đưa ra đấu thầu; rồi tình trạng xây dựng giá đấu thầu không sát với thực tế giá cả thị trường dẫn đến nhiều bất cập khi triển khai thực hiện. Đại biểu cũng nêu thực trạng hiện nay các địa phương cùng xây dựng quy trình từ hồ sơ mời thầu đến thẩm định thầu một loại hàng hóa giống nhau.

“Vậy tại sao chúng ta không xây dựng hồ sơ mang tính tham chiếu để các địa phương tham khảo, không mất công xây dựng lại từ đầu. Việc xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung cho các địa phương dùng chung, làm giá cơ sở đấu thầu để tiết kiệm là vấn đề mà Ban soạn thảo cần nghiên cứu”, đại biểu Phạm Đức Ấn kiến nghị.

Đại biểu Nguyễn Hữu Chính (Đoàn Hà Nội) phân tích 5 nhóm nguyên nhân chính dẫn đến những bất cập, vướng mắc trong Luật Đấu thầu hiện hành, đặc biệt là các hồ sơ đấu thầu chưa chặt chẽ dẫn đến sự tùy tiện trong hồ sơ mời thầu; việc thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng còn mang tính hình thức nên có tình trạng “quân xanh”; rồi xảy ra tình trạng “thông thầu”. Đồng thời, chưa đặt ra tiêu chí cụ thể, rõ ràng trong việc mời thầu nên vẫn xảy ra tình trạng một số nhà thầu không đủ tiêu chí, không đủ năng lực cũng tham gia thầu, gây ra tình trạng tiêu cực trong đấu thầu thời gian qua.

Dẫn ví dụ một số vụ việc xảy ra tại các bệnh viện gần đây khi nhiều người đứng đầu vướng vòng lao lý, đại biểu Nguyễn Hữu Chính cho rằng, nguyên nhân chính của tình trạng này là do nhiều chủ đầu tư chưa hiểu rõ các quy định liên quan đến thủ tục đấu thầu. Vì thế, đại biểu kiến nghị Ban soạn thảo cần rà soát lại những bất cập dẫn đến tiêu cực phát sinh trong thực tế, đặc biệt là trong mua sắm tài sản công tại các cơ quan nhà nước, giúp các cơ quan thực hiện đấu thầu hiệu quả, khách quan.

Giá hàng hóa, dịch vụ y tế chưa được tính đúng, tính đủ

Thảo luận tại tổ, các đại biểu cho rằng, việc sửa đổi Luật Giá là cần thiết nhằm hoàn thiện thể chế pháp luật về giá, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới. Đồng thời, khắc phục những tồn tại hạn chế sau 9 năm thi hành luật, nhất là sự chồng chéo, mâu thuẫn giữa Luật Giá với các luật chuyên ngành; hạn chế sự phân tán, thiếu tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật về giá; đáp ứng các yêu cầu về tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) quan tâm đến giá hàng hóa, dịch vụ y tế được quy định rõ trong Luật Giá (sửa đổi) lần này. Đại biểu cho rằng, lâu nay giá hàng hóa, dịch vụ y tế chưa được tính đúng, tính đủ; việc phân cấp, phân công chưa rõ ràng, đặc biệt là đối với các cơ sở khám, chữa bệnh tự chủ hoạt động. Trong khi đó, các cơ quan thẩm định và bảo hiểm y tế không có đủ kiến thức chuyên sâu về y tế nên vẫn còn những khác biệt trong việc định giá các hàng hóa, dịch vụ y tế. Vì thế, cần sớm ban hành Luật Giá (sửa đổi) để giải quyết những bất cập, hạn chế trong công tác khám, chữa bệnh hiện nay.

Góp ý về Luật Giá sửa đổi, đại biểu Hoàng Hữu Chiến (Đoàn An Giang) đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu thêm về chế định quyền định giá thông đồng giá. Trong luật có quy định là nếu quy định định giá thông đồng giá mà có tính chất vụ lợi mới xử lý. “Theo tôi, quy định như thế là rất hẹp. Việc thông đồng giá trong quá trình định giá không chỉ là vụ lợi mà có thể gây thiệt hại, gây thất thoát ngân sách nhà nước”, đại biểu Hoàng Hữu Chiến nêu và lưu ý cần nghiên cứu thêm vấn đề này để bổ sung cho chặt chẽ hơn.

Đối với Điều 19 hàng hóa, dịch vụ thuộc diện bình ổn giá, trong Luật quy định có 3 trường hợp bình ổn giá với hàng hóa, dịch vụ mà không thuộc danh mục, một là trong trường hợp khẩn cấp, hai là công bố dịch, ba là do thiên tai. Theo đại biểu, việc quy định như trên rất cứng, bó hẹp và rất khó linh hoạt trong xử lý các vấn đề phát sinh sau này. Đại biểu nêu ví dụ, nhiều khi có biến động giá lớn về mặt hàng nào đó của quốc tế cũng như khu vực mà chúng ta chưa lường hết được. Căn cứ theo luật như vậy để mà chỉ quy định có 3 trường hợp, sau này nếu có trường hợp tương tự thì rất khó xử lý.

“Đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu cần có quy định mở ra về biến động lớn về hàng hóa, giá cả trong nước cũng như quốc tế, khu vực, tác động sâu rộng đến sản xuất kinh doanh và đời sống người dân trong nước thì lúc này mở rộng phạm vi sẽ dễ áp dụng, dễ xử lý”, đại biểu Hoàng Hữu Chiến lý giải.

Bày tỏ sự quan tâm về Luật Giá (sửa đổi), đại biểu Hoàng Đức Chính (Đoàn Hòa Bình) đề nghị bổ sung dự thảo Luật về cơ chế kiểm tra, giám sát hoạt động của các quỹ bình ổn để bảo đảm tính công khai, minh bạch của quỹ. Đại biểu cũng đề nghị làm rõ cụm từ hàng hóa, dịch vụ có tính địa bàn như thế nào, đồng thời quy định rõ thẩm quyền, trách nhiệm trong nội dung trên là thuộc HĐND hay UBND.

Đại biểu Trần Thị Nhị Hà (Đoàn Hà Nội) phát biểu.

Đại biểu Trần Thị Nhị Hà (Đoàn Hà Nội) quan tâm đến dự án Luật Giá (sửa đổi) khi cho rằng thời gian qua bộc lộ nhiều bất cập liên quan đến giá các mặt hàng xăng dầu, giá sách giáo khoa, giá viện phí. Đại biểu lấy dẫn chứng trong thời gian dịch Covid-19 vừa qua, nhiều mặt hàng, trang thiết bị, vật tư tiêu hao y tế tăng rất nhanh, thậm chí tăng 5-7 lần do nguồn cung bị đứt gãy. Sau đó nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra cảnh báo dấu hiệu vi phạm khi giá hàng hóa nhập khẩu cao gấp vài chục phần trăm, tạo ra sự lo lắng rất lớn đối với các cơ sở nhà nước phải mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống dịch.

“Chúng ta cần có quy định trong Luật Giá (sửa đổi), đặc biệt là cách hiểu khác nhau khi giá cả thị trường tăng mạnh vào thời điểm chống dịch. Tôi đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc quy định cụ thể mức trần lợi nhuận trên giá vốn hoặc giá thành toàn bộ đối với một số mặt hàng trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế, thiên tai, dịch bệnh… Đồng thời, Chính phủ cần cân nhắc các hoạt động mua sắm, các hoạt động xác định giá mua sắm các loại mặt hàng, trang thiết bị y tế, thuốc cần đưa lên một sàn giao dịch điện tử để mua bán, cập nhật theo thời gian thực, giao dịch công khai, minh bạch; lựa chọn được hàng hóa theo tiêu chuẩn quy định với giá cả hợp lý nhất, không phải đấu thầu theo tiêu chí hàng hóa rẻ nhất nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị mua sắm, tránh những sai phạm có thể xảy ra”, đại biểu Trần Thị Nhị Hà kiến nghị.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Kịp thời khắc phục hạn chế của Luật Đấu thầu, Luật Giá hiện hành

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.