Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nên hay không nên áp dụng Luật Đấu thầu với công ty con của doanh nghiệp nhà nước?

Mai Hữu| 24/05/2023 12:30

(HNMO) - Có nên mở rộng phạm vi áp dụng Luật Đấu thầu đối với công ty con của doanh nghiệp nhà nước là vấn đề được các đại biểu Quốc hội quan tâm, bày tỏ ý kiến tại phiên thảo luận ở hội trường về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi).

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp.

Chính phủ trình 2 phương án

Sáng 24-5, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi).

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết, dự thảo luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 10 chương và 99 điều (giữ nguyên số chương, tăng 1 điều). Trong đó, bỏ 5 điều và thêm 6 điều, giữ nguyên 21 điều, sửa đổi nội dung 48 điều, chỉnh sửa câu chữ, kỹ thuật văn bản 20 điều so với dự thảo luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ tư.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, qua quá trình nghiên cứu, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo luật, hầu hết các ý kiến khác nhau đã được trao đổi thống nhất, có một nội dung còn ý kiến khác nhau liên quan đến phạm vi áp dụng Luật Đấu thầu đối với doanh nghiệp nhà nước và dự án sử dụng vốn nhà nước.

Tại dự thảo luật trình Quốc hội, Chính phủ đã đề xuất chỉ áp dụng Luật Đấu thầu đối với hoạt động lựa chọn nhà thầu của doanh nghiệp nhà nước, đồng thời không áp dụng luật này đối với hoạt động lựa chọn nhà thầu thuộc các dự án có sử dụng vốn nhà nước, vốn của doanh nghiệp nhà nước từ 30% trở lên hoặc dưới 30% nhưng trên 500 tỷ đồng trong tổng mức đầu tư của dự án.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày báo cáo.

Ý kiến thứ nhất nhất trí việc bãi bỏ quy định áp dụng Luật Đấu thầu đối với các dự án đầu tư có sử dụng vốn nhà nước, vốn của doanh nghiệp nhà nước. Chính phủ đề nghị giữ phương án này vì cho rằng quy định như dự thảo Luật trình Quốc hội không thu hẹp phạm vi áp dụng của Luật đối với các gói thầu sử dụng vốn nhà nước và vốn của doanh nghiệp nhà nước, đồng thời cũng không tạo ra khoảng trống pháp luật trong quản lý vốn nhà nước tại các doanh nghiệp khác. Việc tiếp tục mở rộng hơn nữa đối tượng doanh nghiệp phải tuân thủ Luật Đấu thầu sẽ dẫn đến mâu thuẫn, chồng chéo trong quản lý phần vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp, làm giảm quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp nhà nước trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Ý kiến thứ hai cho rằng, nếu quy định như dự thảo Chính phủ trình sẽ thu hẹp đáng kể đối tượng dự án sử dụng vốn nhà nước phải đấu thầu, tạo “khoảng trống” pháp luật trong quản lý vốn nhà nước dẫn tới toàn bộ các dự án đầu tư của công ty con của các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước khác… sẽ không phải đấu thầu theo quy định của luật này.

Do vậy, nhóm ý kiến này đề nghị quy định đối tượng áp dụng đối với dự án đầu tư của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có trên 50% vốn thuộc sở hữu của doanh nghiệp nhà nước, nhằm quản lý chặt chẽ nguồn vốn đầu tư của nhà nước vào doanh nghiệp nhà nước và nguồn vốn của doanh nghiệp nhà nước đầu tư, góp vốn vào các doanh nghiệp khác mà doanh nghiệp nhà nước nắm quyền chi phối.

Ngoài ra, một số ý kiến đề nghị tương tự như loại ý kiến thứ hai, nhưng chỉ bổ sung đối tượng là doanh nghiệp có vốn của doanh nghiệp nhà nước 100% vốn điều lệ.

“Về nội dung này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin đề nghị các vị đại biểu Quốc hội cho ý kiến cụ thể lựa chọn hai phương án nêu trên”, ông Lê Quang Mạnh nói.

Đại biểu Phan Đức Hiếu (Đoàn Thái Bình).

Nhiều ý kiến trái chiều

Phát biểu thảo luận tại hội trường, đại biểu Phan Đức Hiếu (Đoàn Thái Bình) đề nghị không mở rộng phạm vi áp dụng Luật Đấu thầu đối với công ty con của doanh nghiệp nhà nước. Theo đại biểu, nếu mở rộng phạm vi áp dụng Luật Đấu thầu đối với công ty con của doanh nghiệp nhà nước thì đồng nghĩa với việc mở rộng thêm 4 nhóm đối tượng áp dụng Luật Đấu thầu, đây là phạm vi rất rộng. Đồng thời, đại biểu Phan Đức Hiếu cho rằng, Luật Đấu thầu không phải là công cụ duy nhất quản lý doanh nghiệp nhà nước, bên cạnh đó còn có các cơ chế giám sát khác, do đó không nên mở rộng phạm vi áp dụng Luật Đấu thầu đối với công ty con của doanh nghiệp nhà nước.

“Nếu áp dụng cứng nhắc việc mở rộng phạm vi áp dụng Luật Đấu thầu đối với công ty con của doanh nghiệp nhà nước thì có thể làm hoạt động sản xuất của doanh nghiệp bị ảnh hưởng, ảnh hưởng lợi ích của nhà đầu tư, lợi ích của Nhà nước”, đại biểu bày tỏ và lo ngại sự tác động việc áp dụng Luật Đấu thầu cho công ty con của doanh nghiệp nhà nước đến cả thị trường chứng khoán, quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp.

Đại biểu Lê Thị Song An (Đoàn Long An).

Tuy nhiên, đại biểu Đỗ Thị Việt Hà (Đoàn Bắc Giang) cho rằng, trong thực tế, nhiều doanh nghiệp nhà nước đã sử dụng vốn của mình để thành lập các công ty con để phục vụ cho mục đích sản xuất, kinh doanh. Do vậy, đại biểu nêu quan điểm với những doanh nghiệp mà ở đó có quyền chi phối thuộc về doanh nghiệp nhà nước thì vẫn phải áp dụng cơ chế đấu thầu như dự án sử dụng vốn nhà nước để bảo đảm tính công khai, minh bạch, phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực. Đây cũng là ý kiến của đại biểu Lê Thị Song An (Đoàn Long An) đồng tình với lý do tránh việc lạm dụng các cơ chế khác để né tránh các quy định của Luật Đấu thầu, bảo toàn các nguồn vốn đầu tư của nhà nước, giúp quá trình lựa chọn nhà thầu công khai, minh bạch.

Tranh luận về vấn đề này, đồng tình với ý kiến thứ nhất, đại biểu Tạ Văn Hạ (Đoàn Quảng Nam) đề nghị cần khuyến khích việc tham gia các hoạt động đấu thầu, nhưng không có nghĩa là các hình thức lựa chọn nhà cung cấp khác là không ưu việt. Cần quy định để bảo đảm không thất thoát tiền bạc của nhà nước, công khai, minh bạch, nhưng cũng bảo đảm quyền định đoạt tài sản, tính linh hoạt, khuyến khích xã hội hóa.

Đại biểu Lê Hoàng Anh (Đoàn Gia Lai).

Tiếp tục tranh luận với đại biểu Tạ Văn Hạ và đại biểu Phan Đức Hiếu, đại biểu Lê Hoàng Anh (Đoàn Gia Lai) cho rằng, đấu thầu là biện pháp để bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch, hiệu quả kinh tế. Đại biểu nhận định, các doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư phải dẫn đầu các doanh nghiệp khác trong cả nước cùng thực hiện. Cùng với đó, các doanh nghiệp tư nhân, các doanh nghiệp có vốn đầu tư của Nhà nước dưới 51% vẫn đang thực hiện theo quy định của pháp luật. Vì vậy, đại biểu đề nghị không loại trừ doanh nghiệp có vốn trên 51% do Nhà nước đầu tư trong việc thực hiện đấu thầu.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) nêu quan điểm, quy định trong luật không thể là “vòng kim cô” để quản lý, mà yếu tố cuối cùng vẫn là con người. Khi doanh nghiệp nhà nước đầu tư vào một doanh nghiệp khác có thể chỉ ký 5-10% vốn của doanh nghiệp nên phải chịu sự chi phối của Luật Đấu thầu là không cần thiết. Hơn nữa, các doanh nghiệp chịu trách nhiệm về kết quả cuối cùng và khi đấu thầu không chỉ có tiền mà có rất nhiều yếu tố khác như thời cơ, thời gian, thậm chí quen biết cũng là một yếu tố có lợi. Vì vậy, đại biểu thống nhất như ý kiến thứ nhất. “Nếu xảy ra tham nhũng, tiêu cực đã có cơ quan thanh tra, cơ quan kiểm tra, cơ quan điều tra, không chỉ quản lý bằng Luật Đấu thầu”, đại biểu nói.

Sẽ không làm thu hẹp phạm vi áp dụng của luật và vẫn bảo đảm quản lý chặt chẽ

Phát biểu làm rõ phương án của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, phương án của Chính phủ sẽ không làm thu hẹp phạm vi áp dụng của Luật và vẫn bảo đảm quản lý chặt chẽ việc sử dụng vốn nhà nước. Dự thảo Luật đã quy định tất cả các hoạt động lựa chọn nhà thầu mà có sử dụng vốn ngân sách nhà nước đều thuộc phạm vi điều chỉnh của luật này. Khi đã sử dụng vốn của nhà nước thì doanh nghiệp nhà nước hay không phải doanh nghiệp nhà nước mà đã sử dụng vốn của nhà nước đều phải thực hiện đấu thầu theo vi phạm điều chỉnh của luật này.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại phiên họp.

Mặt khác, doanh nghiệp nhà nước phải có trách nhiệm bảo toàn sử dụng có hiệu quả nguồn vốn của nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp. Nhà nước không can thiệp vào các hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước tại các doanh nghiệp khác và phải bảo đảm doanh nghiệp nhà nước hoạt động theo cơ chế thị trường và lấy hiệu quả kinh tế làm tiêu chí để đánh giá chủ yếu làm sao để đảm bảo tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm và cạnh tranh bình đẳng theo luật pháp.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng phương án Chính phủ trình đã phù hợp với Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, vừa đảm bảo thông thoáng, thuận lợi cho hoạt động đấu thầu của các doanh nghiệp nhà nước, vừa bảo đảm hiệu quả quản lý của nhà nước tại các doanh nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nên hay không nên áp dụng Luật Đấu thầu với công ty con của doanh nghiệp nhà nước?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.