Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần cách nhìn khác!

Nữ Quỳnh| 10/04/2016 06:13

(HNM) - Những năm gần đây, do nhu cầu lớn nên các trường mầm non tư thục đang ngày càng phát triển. Thực tế này cũng chính là "lối mở" cho ngành Giáo dục, đáp ứng nhu cầu của xã hội khi mà hệ thống đào tạo công lập chưa đáp ứng được. Sự tăng trưởng của mô hình trường tư chính là kết quả nỗ lực của Nhà nước trong đánh giá tầm quan trọng của giáo dục và xu hướng xã hội hóa giáo dục, đồng thời cũng cho thấy rõ xu thế của các bậc cha mẹ mong muốn đầu tư tốt nhất cho con cái.

Nhưng, cùng với những lợi ích mà trường mầm non tư thục mang lại thì cũng đã nảy sinh không ít những vấn đề đáng tiếc. Tình trạng bạo hành, thậm chí cả những hậu quả nặng nề khiến trẻ thiệt mạng chỉ vì những nguyên nhân "trời ơi" đã xảy ra khá nhiều, gây bức xúc dư luận. Có điều, cứ mỗi khi xảy ra sự cố, dư luận ồn ào, cơ quan quản lý mới rốt ráo vào cuộc, kỷ luật cán bộ, giáo viên, rút giấy phép của cơ sở giáo dục, thậm chí có trường hợp bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Dễ thấy, áp lực nghề nghiệp đối với giáo viên mầm non đang được coi là vấn đề đáng lưu tâm hiện nay. Thực tế, phải thừa nhận rằng, chúng ta vẫn bị cuốn theo quan niệm: Trường công lập là "hàng xịn". Vậy nên, mỗi khi có sự cố ở trường tư là mặc nhiên cả xã hội lên án, dường như mọi "tội lỗi" đều thuộc về chủ cơ sở, là sai lầm của giáo viên trường tư, mà chẳng mấy ai đủ bình tĩnh lắng nghe tâm tư của "người trong cuộc". Những giải pháp cấp bách được đưa ra sau đó xét cho cùng vẫn chỉ giải quyết "phần ngọn", gỡ bí cho những vấn đề đã phát sinh. Chẳng ai dám quả quyết, sau xử lý sẽ không còn sai phạm.

Việt Nam đang trong quá trình phát triển. Những đô thị lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cư dân ngày một đông, kéo theo nhu cầu về trường học ngày càng lớn. Và khi hệ thống trường công lập chưa đủ đáp ứng yêu cầu thì việc khuyến khích loại hình trường, lớp dân lập, tư thục là điều phải làm. Vấn đề là, làm sao để trong quá trình quản lý, cùng với siết chặt cấp phép, giám sát, hậu kiểm… cũng cần xem xét tạo điều kiện tốt nhất để trường tư "đi đúng đường". Việt Nam đã triển khai xã hội hóa giáo dục rất sớm, kết quả đến nay khả quan, nhưng khâu quản lý thì xem ra vẫn vô cùng lỏng lẻo. Do đó, nếu không có sự phối hợp đồng bộ, trách nhiệm từ nhiều phía, với những giải pháp thiết thực, đúng người, sát việc, ngay từ bây giờ đối với mạng lưới các nhóm, lớp mầm non tư thục, thì những sự việc đáng tiếc liên quan đến sự an toàn của trẻ sẽ chưa chấm dứt. Một khi chính quyền còn lơi lỏng, cơ quan quản lý còn lúng túng, chưa nhận thức đúng, rõ ràng về vai trò "hỗ trợ chiến lược" của giáo dục mầm non tư thục thì hiệu quả sẽ khó như mong muốn.

Xã hội hóa để huy động nguồn lực xã hội cho mục tiêu chung là cần thiết. Tuy nhiên, "xã hội hóa" giáo dục mầm non không phải là chuyển chức năng giáo dục cho xã hội và càng không thể là phó mặc trách nhiệm cho trường tư thục. Thực tế, việc thiếu cơ chế giám sát, thiếu sự quan tâm đến chất lượng giáo viên mầm non ngoài công lập như thời gian qua đã để lại những hệ quả đáng tiếc. Do đó phải thay đổi cách nhìn, từ đó điều chỉnh chính sách, tăng cường quản lý chất lượng giáo dục mầm non tư thục là điều cần sớm đặt ra…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần cách nhìn khác!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.