Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần cách làm sát thực tế

Minh Ngọc| 14/12/2011 07:37

(HNM) - Sau hai năm thực hiện Kế hoạch số 167/KH-UBND ngày 15-12-2009 của UBND TP Hà Nội quảng cáo rao vặt trên địa bàn thành phố, vẫn xuất hiện nhan nhản với các hình thức tinh vi hơn...

Những chiêu thức mới

Theo thống kê mới nhất của Sở VH,TT&DL Hà Nội, các lực lượng chức năng đã ra quân bóc xóa hơn 1 triệu tờ QCRV sai quy định, làm sạch gần 27.000m2 tường nhà, đề nghị cắt thuê bao hàng nghìn số điện thoại vi phạm, lắp dựng được 691 bảng QCRV miễn phí…

Bảng thông tin rao vặt miễn phí trên phố Đội Cấn bị hàng xe máy chắn ngang. Ảnh: Bảo Lâm


Không thể phủ nhận sự cố gắng của chính quyền các cấp với quyết tâm làm cho bộ mặt Thủ đô khang trang hơn, tươi mới hơn, song những kết quả đạt được kể trên còn khiêm tốn, chưa tạo hiệu quả lâu dài. QCRV vẫn xuất hiện ở khắp các ngõ ngách với những hình thức tinh vi hơn. Thay bằng những tờ QC khổ lớn, kẻ vẽ nội dung rao vặt trên tường, các đơn vị có nhu cầu QC sử dụng "chiêu" in số điện thoại vào những mẩu giấy nhỏ chỉ bằng bao diêm rồi dán ở tường, ổ khóa, nút bấm chuông, nút thang máy, thả vào sân nhà hoặc cài lên dây điện từng gia đình. Do được dùng keo dán chắc nên rất khó loại bỏ loại tem QCRV này. Theo đánh giá của các địa phương, việc quản lý, bắt giữ những người đi dán QCRV trái phép kiểu này rất khó bởi họ thường ở tuổi vị thành niên, lợi dụng thời điểm người dân vắng nhà để dán nên rất khó bắt quả tang, mà nếu có bắt được cũng không biết họ ở đâu, ai là chủ và cơ quan chức năng cũng không thể "tạm giữ" quá 24 tiếng.

QCRV trái phép vẫn đầy trên phố, cho thấy những biện pháp đưa QCRV vào nền nếp như lắp đặt bảng QCRV miễn phí, cắt thuê bao điện thoại… chưa thực sự phát huy tác dụng.

Bảng QCRV miễn phí… lãng phí

Các tổ chức, cá nhân có nhu cầu QCRV phải lách luật bằng mọi cách để thông tin của họ đến được với người dân, điều đó chứng tỏ đây là kênh thông tin hiệu quả. Xác định rõ như vậy nên ngay sau khi triển khai Kế hoạch 167, thành phố Hà Nội đã từng bước lắp dựng hệ thống bảng QCRV miễn phí với mục đích gom QCRV về một mối, vừa đáp ứng nhu cầu thông tin QC của nhân dân, vừa dễ quản lý. Đến thời điểm này, 24/29 quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thủ đô đã lắp đặt được 691 bảng QCRV ở những vị trí được đánh giá là dễ quan sát, đông người qua lại, song hệ thống bảng này chưa phát huy được hiệu quả như mong muốn.

Đơn cử như hai bảng QCRV miễn phí liền nhau trên phố Trần Nhật Duật (quận Hoàn Kiếm). Hai bảng này lâu nay bị người dân chiếm dụng làm địa điểm kinh doanh trà đá. Cũng tại quận Hoàn Kiếm, bảng QCRV miễn phí trên phố Hàng Giấy từng bị chiếm dụng làm nơi… đặt thùng rác; còn một địa điểm khác trên phố Đường Thành thì đường vào cách trở bởi một bãi giữ xe. Bảng QCRV trên phố Ngọc Hà (Ba Đình) nằm bên trong cổng sắt, thường xuyên trống trơn. Bảng QCRV trước bưu điện huyện Thanh Oai, cạnh điểm dừng xe buýt, được đánh giá là vị trí đắc địa nhất huyện nhưng số QCRV chỉ chiếm nửa diện tích bảng, rất ít người xem.

Nguyên nhân dẫn đến sự lãng phí này đã được mổ xẻ nhiều lần, đó là do vị trí lắp đặt các bảng QCRV chưa thực sự phù hợp và người có nhu cầu QCRV hướng tới khách hàng đặc thù nên muốn đưa thông tin đến tận tay đối tượng; do người dân chưa có ý thức đến những nơi công cộng tìm hiểu thông tin quảng cáo; do thiếu quy chế quản lý…

Cắt thuê bao điện thoại: Chưa hiệu quả

Cắt thuê bao điện thoại vi phạm được coi là biện pháp mạnh tay để quản lý hoạt động QCRV. Hai năm qua, Sở Thông tin - Truyền thông Hà Nội đã có gần hai chục văn bản đề nghị doanh nghiệp viễn thông ngừng cung cấp dịch vụ 1.951 số điện thoại QCRV không đúng nơi quy định, tuy nhiên, đến thời điểm này vẫn có 217 thuê bao trong số vi phạm nói trên vẫn chưa bị cắt dịch vụ.

Đáng nói hơn, việc cắt thuê bao điện thoại gây ra nhiều câu chuyện dở khóc, dở cười. Ông Chu Văn Khải, Phó phòng Văn hóa - Thông tin huyện Thanh Oai cho hay: Có những số điện thoại đề nghị cắt được một thời gian, thời gian sau lại thấy vi phạm. Lại có những số vi phạm ở rất nhiều nơi nhưng có nơi đưa vào danh sách đen đề nghị cắt, có nơi không và kết quả là số điện thoại đó vẫn hoạt động thông suốt. Còn đại diện phòng Văn hóa - Thông tin huyện Phúc Thọ kể: Trên địa bàn huyện Phúc Thọ từng xảy ra trường hợp đề nghị cắt thuê bao nhầm do số điện thoại dán tràn lan trên tường nhà dân của một đơn vị nay đã thuộc về sở hữu của một cá nhân mà cá nhân này chưa bao giờ vi phạm QCRV trái phép. Bà Vũ Thùy Anh, Trưởng phòng Quản lý văn hóa, Sở VH,TT&DL Hà Nội thừa nhận: Chừng nào các nhà mạng còn tung ra thị trường sim điện thoại rác và chưa bắt buộc đăng ký thông tin chủ thuê bao, chừng đó việc cắt thuê bao điện thoại vi phạm QCRV trái phép còn chưa đủ sức răn đe. Mặc dù vậy, theo bà Vũ Thùy Anh thì trong điều kiện QCRV diễn biến phức tạp như hiện nay, việc lắp đặt bảng QCRV miễn phí, cắt thuê bao điện thoại vi phạm vẫn được coi là giải pháp cơ bản để đưa hoạt động QCRV đi vào nền nếp, vấn đề còn lại là tìm cách để phát huy hiệu quả.

Một số địa phương đã thay đổi cách làm để các giải pháp trên mang lại hiệu quả. Thị xã Sơn Tây đã quay phim, chụp ảnh khi phát hiện các số điện thoại rác để tránh cắt nhầm số. Huyện Đông Anh tổ chức cuộc thi "Thôn (làng), khu dân cư không có quảng cáo rao vặt"; coi đó là một trong những tiêu chí bình xét thi đua.

Việc tẩy trừ "rác" trên tường đã đến lúc cần một cách làm mới, phù hợp thực tế.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cần cách làm sát thực tế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.