Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cán bộ không “thuộc bài”, né tránh trách nhiệm

Thúy Nga| 07/08/2014 05:58

(HNM) - Nguyên nhân của nhiều sai phạm trong quản lý đất nông nghiệp, đất công là sự thiếu quyết liệt, né tránh, ngại va chạm của chính quyền cơ sở.



Đáng nói là trong khi nhiều vụ vi phạm tồn đọng cũ chưa được giải quyết triệt để, vi phạm mới tiếp tục diễn ra. Nguyên nhân vẫn là sự thiếu quyết liệt, né tránh, ngại va chạm của chính quyền cơ sở. Đây là thông tin đưa ra tại cuộc họp giao ban trực tuyến với 30 quận, huyện, thị xã diễn ra chiều 6-8 do UBND TP Hà Nội tổ chức.

Do buông lỏng quản lý nên ở nhiều nơi để xảy ra tình trạng vi phạm trên đất nông nghiệp, gây bức xúc trong dư luận. Ảnh: Yến Ngọc


Phát sinh vi phạm do buông lỏng quản lý

Kết quả thanh tra, kiểm tra của Sở Tài nguyên và Môi trường đối với 10 quận nội thành cho thấy, công tác lập sổ theo dõi biến động đất đai chưa được UBND các phường quan tâm; hầu hết tài liệu, hồ sơ giao đất nông nghiệp giao cho hộ gia đình, cá nhân không được lưu giữ đầy đủ. Tại UBND phường không có hồ sơ quản lý đất nông nghiệp được bàn giao hoặc thiếu hồ sơ bàn giao qua các thời kỳ làm cơ sở xác định trách nhiệm quản lý và xử lý khi phát sinh các công trình xây dựng trái phép theo quy định. Từ đó, dẫn đến việc đùn đẩy trách nhiệm, đưa vụ việc vi phạm thành những tồn tại lâu năm, khó khăn cho xử lý vi phạm. Thêm nữa, nội dung thống kê, kiểm tra đất đai của UBND các xã, phường, thị trấn thuộc các quận, huyện, thị xã thiếu chính xác, không phản ánh đúng thực tế sử dụng đất dẫn đến khó khăn cho công tác tổng hợp báo cáo số liệu khi có yêu cầu. Đồng thời có một thực tế là phần lớn diện tích đất nông nghiệp tại các quận nội thành không còn sử dụng vào mục đích nông nghiệp do quá trình đô thị hóa nhanh, phần diện tích còn lại ở dạng mặt nước và đất bằng không còn khả năng canh tác…

Sở Tài nguyên và Môi trường đã thành lập 9 đoàn thanh tra, kiểm tra tại các huyện Chương Mỹ, Thanh Oai, Mỹ Đức, Sóc Sơn, Mê Linh, Gia Lâm, Đan Phượng, đã phát hiện 697,577ha đất nông nghiệp bị vi phạm trên tổng diện tích đất kiểm tra là 3.637,648ha. Vi phạm nổi lên ở đây như không thực hiện đấu giá để giao thầu sử dụng đất công ích; không lập phương án sử dụng đất công ích trình HĐND cùng cấp phê duyệt, cho thuê đất hoặc giao đất không đúng quy định. Một số xã đã giao cho HTX, thôn quản lý, giao thầu đất công ích, vi phạm về thẩm quyền quản lý. Thậm chí, buông lỏng quản lý, để xảy ra tình trạng xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp nhưng không có biện pháp xử lý gây bức xúc trong dư luận…

Theo ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, công tác xử lý vi phạm đất nông nghiệp, đất công ích chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế, trong khi đó vi phạm mới về quản lý đất đai, trật tự xây dựng tiếp tục phát sinh. Tại quận Nam Từ Liêm, từ ngày 1-4 đến nay đã phát sinh 166 vụ vi phạm, quận Bắc Từ Liêm 140 vụ, thị xã Sơn Tây 24 vụ, huyện Thạch Thất 41 vụ, Đan Phượng 32 vụ, Ứng Hòa 10 vụ… Ông Nguyễn Hữu Nghĩa cho biết thêm: Tháng 4-2009, thành phố đã có văn bản nghiêm cấm địa phương cho thuê đất, giao đất, nhưng qua thanh tra, kiểm tra, tình trạng này vẫn xảy ra. Mặt khác, nhiều nơi có biểu hiện nhập nhèm trong báo cáo quản lý, sử dụng đất đai. Đơn cử như Chương Mỹ, báo cáo quỹ đất công ích của huyện chỉ 9% nhưng số liệu thực tế khoảng 1.677ha, tương đương 13,8%. Điều này dẫn đến cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành của thành phố chưa đánh giá được bức tranh chung, thực chất trong công tác quản lý đất nông nghiệp. Theo lãnh đạo Sở Tài chính, do lơi lỏng trong công tác quản lý đất đai dẫn đến một thực tế là ngân sách nhà nước bị thất thu do địa phương thu tiền cho thuê đất gửi tiết kiệm hoặc lập quỹ "đen" không nộp vào ngân sách.

Nhiều ngôi nhà xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp.


Sẽ xử lý nghiêm tập thể, cá nhân

Kiểm điểm lại việc thực hiện Chỉ thị số 04/CT-UBND, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh ghi nhận các địa phương đã triển khai thực hiện khá nghiêm túc, từ việc ban hành nghị quyết đến cụ thể hóa bằng kế hoạch, tập trung đôn đốc thực hiện. Điều này thể hiện ở chỗ, số lượng vụ vi phạm nghiêm trọng với diện tích lớn, lấn chiếm đất đai ồ ạt đã giảm. Tuy nhiên, đây chỉ là kết quả bước đầu. Vấn đề mấu chốt trong công tác quản lý đất nông nghiệp, đất công ích là cán bộ xã, thôn chưa phát hiện, xử lý vi phạm. Trong khi đó, công tác quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm tra cũng bộc lộ nhiều yếu kém. Việc xử lý có nơi, có lúc còn chậm, lúng túng, cán bộ cơ sở không “thuộc bài”, né tránh, ngại va chạm, đùn đẩy trách nhiệm…

Để tăng cường quản lý nhà nước đối với đất nông nghiệp, đất công theo đúng mục đích, quy hoạch được phê duyệt; đồng thời ngăn chặn kịp thời và xử lý các hành vi lấn, chiếm, mua bán, hủy hoại, chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp, đất công trái phép, Phó Chủ tịch UBND thành phố Vũ Hồng Khanh yêu cầu các địa phương tập trung rà soát, thống kê lại toàn bộ quỹ đất nông nghiệp, đất công, đất bãi bồi ven sông trên toàn địa bàn thành phố phục vụ công tác quản lý, thống kê. Đối với đất nông nghiệp, đất công đã được sử dụng đúng luật, phù hợp với quy hoạch, tập trung thiết lập hồ sơ cấp sổ đỏ. Với các vi phạm, tiến hành lập hồ sơ, làm rõ các vi phạm và phân loại để xử lý ngay theo đúng quy định. Cùng với đó là việc tiếp tục đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm nghiêm trọng theo đúng quy định của pháp luật, tránh làm chiếu lệ. Các quận, huyện, thị xã phải chỉ đạo chủ tịch UBND phường, xã, thị trấn kiên quyết, kịp thời xử lý các trường hợp vi phạm, đặc biệt là các trường hợp tự chuyển đổi mục đích sử dụng đất, xây dựng trái phép theo đúng thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật ngay từ khi các vi phạm đó xảy ra; lập hồ sơ các trường hợp vi phạm vượt thẩm quyền, báo cáo UBND cấp huyện xử lý theo quy định của pháp luật.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh:

Địa phương nào để xảy ra vi phạm mà không xử lý thì Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã quyết định tạm dừng công tác điều hành của chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn để chỉ đạo xử lý cho đến khi vi phạm được xử lý, khắc phục. Đối với các vi phạm phức tạp, nghiêm trọng, khó giải quyết phải tiến hành thanh tra và tập trung xử lý theo đúng kết luận thanh tra và đưa ra hướng giải quyết hiệu quả.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cán bộ không “thuộc bài”, né tránh trách nhiệm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.