(HNMO) - Sáng nay (15-4), TAND TP Hồ Chí Minh đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử hai tội danh
Các bị cáo tại phiên tòa sáng nay. |
Theo kết quả điều tra, ngày 27-11-2012, phòng CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ Công an TP Hồ Chí Minh (PC46) bất ngờ kiểm tra hành chính 4 xe tải mang biển số 54X-1726, 54V-2691, 54U-2497, 57H-9429 đang vận chuyển hàng từ trên xe xuống kho của cửa hàng Milano đặt dưới tầng hầm khách sạn Sheraton (số 80, Đông Du, quận 1).
Kiểm tra chứng từ là tờ khai hải quan điện tử số 9039/KV4-ICD1 ngày 26-11-2012 của Công ty TNHH Nam Đế do Lê Hồng Đức là người áp tải hàng hóa cung cấp, thể hiện hàng hóa khai báo nhập khẩu là 1.052 món hàng gồm quần áo, giày, túi xách không nhãn hiệu, xuất xứ là China.
Tuy nhiên, khi tiến hành kiểm tra thực tế, phát hiện hàng hóa nhập khẩu là 1.253 món hàng gồm có quần áo, giày, túi xách, thắt lưng... mang nhãn hiệu GUCCI và Dolce&Gabbana có xuất xứ Italy (Made in Italy). Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh đã lập biên bản đối với lô hàng trên để điều tra làm rõ.
Qua điều tra, cơ quan chức năng đã xác định cửa hàng Milano và cửa hàng Gucci có cùng địa chỉ kinh doanh tại khách sạn Sheraton (quận 1) do Trần Anh Tuấn (còn gọi là Tuấn Trần, quốc tịch Mỹ) làm chủ và điều hành quản lý.
Số hàng hóa trên được Tuấn mua từ các hãng thời trang ở châu Âu bằng pháp nhân nhập khẩu là Công ty TNHH Gia Phát Thành (do vợ chồng Tuấn làm chủ). Sau đó số hàng hóa này được chuyển từ châu Âu về Hồng Kông. Lúc này Tuấn chỉ đạo Lê Hồng Đức thuê pháp nhân tại Việt Nam đứng ra nhập khẩu hàng hóa trên từ Hồng Kông về Việt Nam, khai báo hàng hóa không nhãn hiệu, xuất xứ từ Trung Quốc để trốn thuế nhập khẩu mang về tiêu thụ tại cửa hàng Milano và cửa hàng Cucci (đặt tại khách sạn Sheraton, quận 1).
Sau khi "bị động", Trần Anh Tuấn đã nhanh chóng "chuồn" về Mỹ. Tại phiên tòa sơ thẩm sáng nay, Tuấn đã không có mặt.
Về hành vi "tiếp tay" của cán bộ hải quan, kết quả điều tra cho biết, hai cán bộ hải quan là Nguyễn Bửu Quí và Nguyễn Văn Sáng được phân công kiểm tra lô hàng trên. Kết quả kiểm tra là container còn nguyên seal, có ghi xuất xứ China trên bao bì sản phẩm, hàng mới 100%.
Đến ngày 27-11-2012, sau khi Công ty TNHH Nam Đế cung cấp thông báo kiểm tra chất lượng hàng hóa số 12G0SV02181 thì Quí và Sáng ký xác nhận để thông quan.
Quá trình điều tra, Quí và Sáng đã thừa nhận chỉ kiểm tra bao bì, thấy có chữ Hồng Kông (China), đối chiếu với các chứng từ như hợp đồng, bill, invoice thấy cũng có ghi xuất xứ là China nên đã cho thông quan chứ không kiểm tra chi tiết hàng hóa cũng như nhãn hiệu theo quy định.
Ngày 24-1-2013, Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh có văn bản xác định Quí, Sáng có thiếu sót là không ghi nhận cụ thể mặt hàng đã kiểm tra tỷ lệ và không xác định nhãn hiệu hàng hóa là chưa phù hợp với quy định.
Theo đó, Cục hải quan TP Hồ Chí Minh khẳng định "đây là thiếu sót trong việc thực hiện quy trình nghiệp vụ của công chức kiểm hóa". Lô hàng trên nếu khai báo đúng thì số thuế phải nộp là trên 552 triệu đồng. Như vậy, Nguyễn Bửu Quí và Nguyễn Văn Sáng là cán bộ hải quan nhưng thiếu trách nhiệm, thực hiện không đúng quy trình nghiệp vụ để Trần Anh Tuấn và đồng phạm thực hiện hành vi "buôn lậu", gây thất thu thuế cho ngân sách nhà nước.
Kết thúc phiên tòa sơ thẩm sáng nay, HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Lê Hồng Đức 8 năm tù giam; hai nguyên cán bộ hải quan Nguyễn Bửu Quí và Nguyễn Văn Sáng mỗi bị cáo 3 năm tù treo.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.