(HNMO) - Sáng 9-11, phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ mười Quốc hội khóa XIV bước sang ngày làm việc thứ hai.
Làm gì để người dân không khổ vì hai chữ "quy hoạch"?
Để dành thêm thời gian cho phần trả lời của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, cuối phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng nay, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân quyết định lùi phần trả lời này xuống đầu giờ chiều nay.
Trong hàng loạt chất vấn được nêu cuối giờ sáng, lĩnh vực của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân tiếp tục nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu. Đại biểu Nguyễn Văn Chiến (Đoàn Hà Nội) chất vấn về việc thực hiện “lời hứa” của Bộ trưởng tại các kỳ họp trước về việc bỏ chứng chỉ ngoại ngữ liên quan đến thi viên chức.
Đại biểu Nguyễn Văn Quyền (Đoàn Cần Thơ) hỏi về giải pháp, lộ trình thực hiện có hiệu quả hơn việc xã hội hóa một số dịch vụ công. Đại biểu Bùi Văn Phương (Đoàn Ninh Bình) chất vấn về việc sáp nhập tổ chức bộ máy như thế nào để tránh những hệ lụy được dự báo sẽ lớn hơn hiệu quả từ việc tinh giản?
Một chất vấn đáng chú ý khác của đại biểu Leo Thị Lịch (Đoàn Bắc Giang) sẽ được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trả lời trong chiều nay là về tỷ lệ các gia đình văn hóa trên cả nước khá cao, trong khi tình trạng đạo đức xã hội, đạo đức gia đình phức tạp...
Đại biểu Lê Công Đỉnh (Đoàn Long An) tiếp tục chất vấn về việc làm gì để người dân không khổ vì hai chữ "quy hoạch". Theo đại biểu, "quy hoạch treo" là vấn đề không mới nhưng luôn nóng và bức xúc, gây tổn hại cho xã hội, đất nước, trong đó người dân là đối tượng chịu ảnh hưởng lớn nhất.
Cán bộ, công chức thiếu rèn luyện thì dễ xảy ra tiêu cực trong hoạt động công vụ
Trả lời câu hỏi của đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà (Đoàn Hà Nội), Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái nêu, thời gian qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, toàn diện của Trung ương Đảng, Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống tham nhũng, mà trực tiếp, thường xuyên là đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng ban Chỉ đạo; sự chỉ đạo, lãnh đạo trực tiếp, quyết liệt của Quốc hội, Chính phủ; sự vào cuộc đầy đủ, toàn diện của các cấp, ngành, doanh nghiệp, nhân dân và báo chí, công tác phòng, chống tham nhũng đã đạt kết quả tích cực, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, góp phần ổn định chính trị, phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội, tạo niềm tin cho nhân dân, được quốc tế đánh giá cao.
Tuy nhiên, Tổng Thanh tra Chính phủ thừa nhận, tình trạng cán bộ công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước còn nhũng nhiễu, gây phiền hà, là vấn đề được Đảng, Nhà nước và nhân dân quan tâm.
“Trách nhiệm thuộc về ai?” - Trả lời câu hỏi này, Tổng Thanh tra Chính phủ nêu, trách nhiệm trực tiếp thuộc về người đứng đầu cơ quan, lĩnh vực để xảy ra tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân. Chỉ thị 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc đã chỉ rõ nguyên nhân này. Có thể thấy, ở những lĩnh vực mà cán bộ thường xuyên tiếp xúc với người dân hoặc cán bộ, công chức thiếu rèn luyện thì dễ xảy ra tham nhũng, như khu vực dịch vụ công cho người dân.
Trước tình hình đó, Tổng Thanh tra Chính phủ cũng như Thanh tra Chính phủ đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ ban hành chỉ thị về giảm và chống gây phiền hà, nhũng nhiễu cho người dân và doanh nghiệp trong quá trình giải quyết công việc. Tháng 4-2019, Thủ tướng Chính phủ đã ra chỉ thị và Thanh tra Chính phủ đã tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc để triển khai đầy đủ tinh thần của chỉ thị này. Thanh tra Chính phủ cũng đã tham mưu Thủ tướng có Công điện số 724/CĐ-TTg về việc tăng cường các biện pháp phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động công vụ. Đây là hai văn bản có ý nghĩa lớn để chấn chỉnh tình trạng nhũng nhiễu trong thực hiện công vụ. Sau một năm thực hiện, ngày 1-10-2020, Thanh tra Chính phủ có báo cáo sơ kết một năm thực hiện, đánh giá tình trạng và nêu một số giải pháp tiếp tục thực hiện trong thời gian tới.
Nguyên nhân chưa nâng cấp, mở rộng quốc lộ 6 nối Hà Nội với các tỉnh vùng Tây Bắc
Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Quốc Hưng (Đoàn Hà Nội) về nguyên nhân dự án quốc lộ 6 - con đường nối Thủ đô Hà Nội với các tỉnh vùng Tây Bắc có đóng góp lớn cho Hà Nội và cả nước - đã có chủ trương nâng cấp, mở rộng từ lâu nhưng đến nay chưa được thực hiện, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, quốc lộ 6 đã có chủ trương nghiên cứu đầu tư cách đây hơn 10 năm. Trong nhiệm kỳ 2011-2015, cơ quan chức năng tập trung thực hiện công trình đang triển khai để kết thúc và giảm nợ công; đến nhiệm kỳ 2016-2020, ưu tiên cho đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông và những công trình trọng điểm nên vốn đầu tư mở rộng, nâng cấp các quốc lộ bị hạn chế.
“Chúng tôi khẳng định quốc lộ 6 rất cần thiết để nâng cấp, mở rộng nhưng trong nhiệm kỳ 2016-2020 đã đưa vào khai thác đường cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình, đi song song với quốc lộ 6, trong khi chủ trương hiện nay là tập trung vốn cho các dự án trọng điểm, đặc biệt là hệ thống đường cao tốc”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói.
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải tiếp thu ý kiến của đại biểu và cho biết sẽ nghiên cứu lại để một số đoạn trên quốc lộ 6 thực sự cần thiết mới triển khai mở rộng, nâng cấp, chứ chưa thể triển khai trên toàn tuyến.
Về vốn cho dự án, Bộ Giao thông Vận tải đã tập hợp đầy đủ kiến nghị của thành phố Hà Nội, tỉnh Hòa Bình để báo cáo Chính phủ. Tuy nhiên, nguồn vốn hiện nay hạn chế trong khi nhu cầu lớn nên thời gian qua chưa thu xếp được. Bộ sẽ cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các địa phương tiếp tục nghiên cứu trình Quốc hội xem xét.
Nhiều tấm gương sống động về giáo dục đạo đức lối sống
Trả lời chất vấn của đại biểu Cầm Thị Mẫn (Đoàn Thanh Hóa) liên quan đến tình trạng xuống cấp đạo đức xã hội, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện bày tỏ sự đồng tình với phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm ở ngày chất vấn đầu cũng về vấn đề này.
Bộ trưởng cho biết, Bộ đã tham mưu Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Kết luận 76 của Bộ chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 33 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Bộ sẽ tham mưu sửa đổi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Điện ảnh…
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nhấn mạnh: “Thời gian qua, chúng ta từng nghe, chứng kiến nhiều tấm gương người tốt, việc tốt, tấm lòng nhân ái, trái tim nhân hậu với nghĩa cử cao đẹp, tình đồng chí, nghĩa đồng bào, lá lành đùm lá rách, nhường cơm sẻ áo trong công tác khắc phục bão lụt và phòng, chống dịch Covid-19. Đây là những tấm gương sống động góp phần giáo dục đạo đức lối sống”.
Xây dựng và làm chủ nền tảng số để thực hiện chuyển đổi số quốc gia
Trả lời câu hỏi của đại biểu Cầm Thị Mẫn (Đoàn Thanh Hóa) về chuyển đổi số quốc gia, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, sau khi đề án chuyển đổi số quốc gia được Quốc hội phê duyệt, có 3 việc cần thực hiện ngay. Đó là: Lập quy hoạch về chuyển đổi số; tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân và xây dựng nền tảng làm cơ sở để chuyển đổi số.
Ngay trong năm 2020, Bộ đã ban hành khung về chuyển đổi số để từ đó các địa phương có thể xây dựng đề án cho riêng mình. Đến nay, 20 bộ, ngành, địa phương đã ban hành đề án chuyển đổi số. Trong đó, một số địa phương như Huế, thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng đề án từ rất sớm. Đến nay, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã xây dựng cẩm nang về chuyển đổi số theo phương thức dễ đọc, dễ hiểu trên cả hai hình thức giấy và online.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, để nâng cao nhận thức của người dân về chuyển đổi số, cần làm thí điểm tại một số huyện, xã. Thực tế thời gian qua, Bộ thí điểm chuyển đổi ở trên 10 xã, tập trung vào các xã miền núi trên các lĩnh vực phát triển kinh tế, xã hội và đạt hiệu quả rất thiết thực .
Tuy nhiên Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, để chuyển đổi số nhanh, chúng ta phải phát triển nền tảng số. Để thực hiện, Bộ đã thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh việc làm chủ các nền tảng số “make in Viet Nam”, để vừa có thể thúc đẩy, vừa phát triển hiệu quả nền tảng số. Bộ cũng đã xây dựng Bộ tiêu chí đánh giá chuyển đổi số để đánh giá những kết quả đạt được, bởi những gì đo được thì thúc đẩy được và sẽ phát triển được.
Tiết kiệm 38,8 tỷ đồng mỗi năm nhờ liên thông thủ tục hành chính
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng trả lời chất vấn của đại biểu Mai Thị Kim Nhung (Đoàn Quảng Trị) về thực hiện Quyết định 1380/QĐ-TTg phê duyệt đề án thực hiện liên thông các thủ tục hành chính: Đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, hưởng chế độ tử tuất/hỗ trợ mai táng/an táng phí.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết, trước khi Thủ tướng phê duyệt đề án, có nhiều bất cập mà dư luận phản ánh, như người dân phải đi lại nhiều lần mới hoàn thành thủ tục. Có trường hợp người dân đến khai tử, quên hoặc ngại xóa đăng ký thường trú nên có chuyện người đã chết rồi vẫn có tên cử tri đi bầu trưởng thôn, xóm.
Sau một thời gian thực hiện đề án, đến nay đã có sản phẩm và cơ bản 63 địa phương đã thực hiện. Sự phối hợp giữa các bộ: Tư pháp, Công an và cơ quan bảo hiểm xã hội đã tốt. Người dân chỉ cần đến một nơi là UBND xã, nộp một bộ hồ sơ để thực hiện 3 thủ tục hành chính liên thông. Đến nay đã có 353.846 thủ tục hành chính, giải quyết được 350.400 thủ tục, còn nợ đọng 2.352 thủ tục, quá hạn 0,67%. Nếu tích cực thực hiện, chúng ta tiết kiệm được 38,8 tỷ đồng mỗi năm.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đề nghị địa phương quan tâm thúc đẩy việc thực hiện, tiếp tục mở rộng cơ chế liên thông, nhất là liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính.
Cổng dịch vụ công quốc gia đang có tốc độ cập nhật dịch vụ rất nhanh
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đoàn Đà Nẵng), Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng thừa nhận thực trạng đúng như đại biểu nêu về điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính trong lĩnh vực này còn rườm rà, phức tạp; có trường hợp cắt điều kiện kinh doanh này lại mọc các thủ tục khác hoặc điều kiện kinh doanh bị cắt đi lại chuyển sang thành tiêu chuẩn và quy chuẩn, vẫn là rào cản gây khó khăn cho doanh nghiệp và người dân.
Giải pháp Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đưa ra là trước hết phải kiểm soát ngay từ khâu dự thảo các văn bản quy định; nâng cao chất lượng thẩm tra; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để công khai hóa, giúp doanh nghiệp và người dân giám sát và thực hiện quy trình về thủ tục hành chính, thực sự cắt giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp…
Thông tin làm rõ chất vấn của đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (Đoàn An Giang) về nền kinh tế giao dịch không tiếp xúc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đánh giá, nội dung này rất quan trọng, đặc biệt khi chúng ta đang đối mặt với đại dịch Covid-19, thực hiện giãn cách xã hội. Cổng dịch vụ công quốc gia đang có tốc độ cập nhật dịch vụ rất nhanh (tăng tới 400% so với mốc thời gian khai trương vào tháng 9-2020), với 85 triệu lượt truy cập, 25 triệu hồ sơ trên cổng, 363.000 tài khoản đăng nhập một lần. Người dân ngồi một chỗ là có thể kê khai các thủ tục, nộp tiền thuế, nộp phạt, đăng ký xe, biển số xe..
Ba nguyên nhân khiến phải hủy hơn 38% dự toán ngân sách chi cho tài nguyên môi trường
Trả lời chất vấn của đại biểu Mai Sỹ Diến (Đoàn Thanh Hóa) về trách nhiệm của Bộ trưởng và giải pháp khắc phục trong việc lập dự toán và thực hiện chi cho lĩnh vực tài nguyên môi trường cho giai đoạn vừa qua để phải hủy hơn 38% dự toán ngân sách chi cho tài nguyên môi trường, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết có 3 nguyên nhân chính của trình trạng trên. Đó là: Theo quy định đến tháng 10 hằng năm khi Chính phủ báo cáo Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước, các bộ, ngành, địa phương phải phê duyệt nhiệm vụ về môi trường để làm cơ sở phân bổ dự toán. Tuy nhiên, trên thực tế việc phê duyệt nhiệm vụ này chậm, thường đến tháng 10 chỉ đạt 50-60%, số còn lại có trường hợp đến cuối năm mới phân bổ, có năm không phân bổ hết; chi cho hoạt động sự nghiệp môi trường có tính chất đầu tư, theo Luật Bảo vệ môi trường thì không cho phép nên trong dự toán 2020 Chính phủ báo cáo Quốc hội cho phép sử dụng kinh phí bảo vệ môi trường chi cho cải tạo, sửa chữa, mua sắm trang thiết bị và Quốc hội đã cho phép; quy định về hỗ trợ các địa phương xử lý điểm gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, trung ương hỗ trợ 50%, địa phương bỏ ra 50% kinh phí nhưng thực tế nhiều địa phương có những điểm ô nhiễm môi trường không bố trí được kinh phí đối ứng nên không đề nghị trung ương hỗ trợ.
Bộ trưởng Bộ Tài chính đưa ra 3 giải pháp chính: Yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, đơn vị sử dụng dự toán tăng tiến độ phê duyệt nhiệm vụ môi trường bảo đảm đến ngày 30-10 hằng năm có quyết định phê duyệt; đề nghị nghiên cứu sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường; Bộ Tài nguyên và Môi trường có thể báo cáo thêm vì theo quy định, Bộ Tài nguyên và Môi trường là đơn vị phân bổ dự toán, Bộ Tài chính tổng hợp và báo cáo Thủ tướng nên Bộ Tài nguyên và Môi trường có thể báo cáo thêm.
Đại biểu Lê Công Nhường (Đoàn Bình Định) đặt câu hỏi: Giải pháp nào để tăng thu, sử dụng chi có hiệu quả, giảm nợ công, giảm bội chi nhằm bảo đảm an toàn ngân sách nếu năm 2021 tăng trưởng kinh tế dưới 6%?
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, Bộ sẽ tập trung vào một số giải pháp. Trước hết, cùng với các bộ, ngành, địa phương tăng cường tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tiếp tục thúc đẩy giải ngân đầu tư công.
Cùng với đó, cùng các bộ, ngành, đặc biệt là địa phương tăng cường quản lý thuế, thanh, kiểm tra để chống chuyển giá, trốn thuế và đẩy mạnh thu hồi nợ đọng thuế.
Bám sát dự toán được Quốc hội thông qua, phấn đấu đạt dự toán. Trường hợp có biến động như đại biểu nêu thì phải dựa vào nguyên tắc quy định tại Luật Ngân sách nhà nước để báo cáo Quốc hội theo thẩm quyền.
60-90% nước thải sinh hoạt chưa được xử lý trước khi thải ra môi trường
Trả lời đại biểu Trần Tất Thế (Đoàn Hà Nam) về tình trạng ô nhiễm môi trường tại lưu vực sông Đáy, sông Nhuệ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, tình trạng ô nhiễm là thực trạng chung không chỉ đối với hai lưu vực sông Nhuệ, sông Đáy mà còn của nhiều lưu vực sông hiện nay do nước thải chưa được xử lý trước khi thải ra môi trường.
Để khắc phục, Chính phủ đã đầu tư hơn 20 nghìn tỷ đồng vào các trạm quan trắc môi trường tại Hà Nội, Hà Nam, Hòa Bình... Song để xử lý triệt để, bài toán hiện nay là làm thế nào để kiểm soát được lượng nước thải trước khi thải ra môi trường. Theo Bộ trưởng, hiện các làng nghề tại Hà Nội đã đầu tư trạm xử lý nước thải. Tỉnh Hà Nam đã có 3 trạm xử lý, tỉnh Nam Định cũng đã đầu tư trạm xử lý chất thải rắn và xử lý nước thải. Tuy nhiên, đến nay, 60-90% nước thải sinh hoạt vẫn chưa được xử lý trước khi ra môi trường.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng cho biết, về vấn đề này, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đề xuất điều tiết trạm bơm Yên Sở để xử lý nước thải tại sông Tô Lịch. Tuy nhiên, giải pháp căn cơ là phải xử lý nước thải sản xuất và sinh hoạt trước khi thải ra môi trường.
Quy hoạch thiếu tầm nhìn, dự án treo, người dân chịu ảnh hưởng
Trả lời câu hỏi của đại biểu Đinh Duy Vượt (Đoàn Gia Lai) về quy hoạch treo và giải pháp khắc phục của Bộ Xây dựng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết, quy hoạch treo là quy hoạch được lập, đã được phê duyệt nhưng chậm triển khai hoặc không thực hiện được một phần trong quy hoạch làm ảnh hưởng tiêu cực đến quyền lợi hợp pháp của người dân đồng thời làm giảm hiệu quả chất lượng đô thị, gây lãng phí tài nguyên.
Nguyên nhân của tình trạng này là do quy hoạch thiếu tầm nhìn; các đơn vị chức năng không lập đầy đủ các quy hoạch có liên quan theo quy định; không xác định được đầy đủ nguồn lực đầu tư để thực hiện đồng bộ các dự án theo quy hoạch; nhất là việc thực hiện công khai và đánh giá quy hoạch. Bên cạnh đó, một số địa phương đã nóng vội trong việc mở rộng quy hoạch đô thị mà chưa cân nhắc đầy đủ nguồn lực. Thêm vào đó, năng lực của các chủ đầu tư yếu kém, không đủ để thực hiện dự án cũng dẫn đến tình trạng quy hoạch treo gây lãng phí.
Để khắc phục tình trạng này, thời gian qua, Thủ tướng đã ban hành chỉ thị về chấn chỉnh quy hoạch đô thị theo quy hoạch đã được phê duyệt. Trong đó, Thủ tướng đã giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành. Với Bộ Xây dựng, Bộ đã ban hành nhiều quy chuẩn phục vụ công tác quy hoạch nhằm bảo đảm chất lượng quy hoạch. Bộ cũng đã hoàn thành cổng thông tin quy hoạch quốc gia; sửa đổi một số điều luật có liên quan nhằm bảo đảm quy định lập, điều chỉnh quy hoạch và bãi bỏ những quy hoạch không còn phù hợp.
Để bảo đảm quyền về nhà ở của người dân trong vùng quy hoạch treo, Bộ Xây dựng đã có quy định, nếu quy hoạch 3 năm không thực hiện, sẽ cho phép người dân cải tạo và xây mới nhà ở. Hết thời hạn này mà dự án vẫn tiếp tục chậm thực hiện, giấy phép xây dựng đã được cấp vẫn tiếp tục có hiệu lực.
Để hạn chế tình trạng quy hoạch treo, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho rằng, các địa phương cần tập trung điều chỉnh quy hoạch chung và trực tiếp; rà soát quy hoạch, qua đó giải quyết một phần các vướng mắc tồn đọng.
Bộ trưởng cũng nêu một số giải pháp để khắc phục tình trạng quy hoạch treo, bảo đảm quyền lợi của người dân trong vùng quy hoạch. Đó là, các địa phương cần rà soát, đánh giá, điều chỉnh kịp thời, tránh quy hoạch tùy tiện, quy hoạch treo. Khi lập kế hoạch quy hoạch hằng năm phải cân đối điều kiện thực tế để thực hiện kịp thời theo đúng quy hoạch. Cùng với đó, cần bổ sung các công cụ quản lý quy hoạch đô thị, thực hiện đầy đủ việc lấy ý kiến của người dân, nhà khoa học và công khai minh bạch quy hoạch để người dân giám sát.
Chậm cấp quyền sử dụng đất và sở hữu nhà, cần thiết sẽ xử lý chủ đầu tư theo luật hình sự
Trả lời đại biểu về tình trạng chủ đầu tư chậm cấp quyền sử dụng đất và sở hữu nhà, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết, theo quy định, sau 50 ngày kể từ khi bàn giao nhà cho khách hàng, chủ đầu tư phải làm thủ tục bàn giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và sở hữu nhà.
Pháp luật cũng đã quy định, nếu chủ đầu tư vi phạm việc thực hiện bàn giao này, mức phạt có thể lên đến 1 tỷ đồng. Thực tế đã xảy ra tình trạng chủ đầu tư có vi phạm, dù không nhiều. Đối với việc cấp quyền sử dụng đất và sở hữu nhà chung cư, vi phạm dạng này chỉ chiếm 2%. Tuy nhiên, số dân bị ảnh hưởng lại rất lớn.
Nguyên nhân là do chủ đầu tư chưa thực hiện đủ thủ tục việc cấp quyền sử dụng đất và sở hữu nhà. Hiện Bộ Xây dựng đã đề xuất giải pháp: Với dự án đã thực hiện xong thủ tục nhưng chủ đầu tư cố tình chây ì, sẽ xử phạt vi phạm hành chính. Nếu chủ đầu tư cố tình không thực hiện cấp quyền sử dụng đất và sở hữu nhà cho khách hàng, sẽ chuyển cơ quan điều tra xử theo luật hình sự. Với những dự án thiếu thủ tục pháp lý, cần giải quyết đồng thời song song hai việc.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, mỗi địa phương và dự án có một điều kiện và hoàn cảnh khác nhau nên các địa phương cần chủ động rà soát, đánh giá cụ thể để trao đổi với Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Xây dựng nhằm giải quyết kịp thời những vướng mắc. Thực tế cho thấy, các bộ đã cùng với thành phố Hà Nội thực hiện rà soát, đánh giá và giải quyết nhiều dự án dạng này. Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng cũng sẽ rà soát quy trình nghiệm thu nhà ở, nghiệm thu công trình xây dựng và sửa đổi luật Kinh doanh bất động sản để khắc phục những bất cập.
Chắc chắn ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên không gian mạng trong năm 2020
Trả lời chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, tháng 4-2020, Bộ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên không gian mạng. Chính phủ đã họp, đồng ý về nội dung và đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông cân nhắc thêm thẩm quyền ban hành. Trong tuần này, Bộ sẽ đề xuất Thủ tướng Chính phủ về thẩm quyền ban hành và chắc chắn trong năm 2020, Bộ Quy tắc ứng xử trên không gian mạng sẽ được ban hành.
Vấn đề bảo vệ trẻ em trong môi trường mạng được Bộ quan tâm lồng ghép trong bộ quy tắc ứng xử với các quy định yêu cầu người sử dụng mạng và nhà cung cấp hướng dẫn trẻ em, trẻ vị thành niên sử dụng mạng an toàn, lành mạnh.
Bộ Thông tin và Truyền thông cũng được Thủ tướng Chính phủ giao chủ trì đề án bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác, sáng tạo lành mạnh trên môi trường mạng. Đề án đã đưa ra giải pháp cơ bản để giải quyết vấn đề như ứng dụng trí tuệ nhân tạo và chủ động ngăn, gỡ bỏ nội dung xấu, độc hại trên môi trường mạng; trang bị bộ kỹ năng số cơ bản cho trẻ em, kỹ năng để trẻ có thể tự bảo vệ mình, tự nhận diện các nguy cơ trên môi trường mạng. Đề án đã được trình Thủ tướng Chính phủ và chắc chắn sẽ ban hành trong năm 2020.
Sẽ có sàn giao dịch điện tử để người dân vùng sâu, vùng xa bán nải chuối, quả cam
Trả lời đại biểu về nội dung chuyển đổi số cho người dân khu vực miền núi, trong đề án chuyển đổi số được Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, chuyển đổi số cho vùng sâu, vùng xa được coi là ưu tiên vì với chuyển đổi số, chỗ nào càng khó khăn, chỗ đó chuyển đổi số càng phát huy hiệu quả. Chuyển đổi số nên bắt đầu từ nơi khó.
Về hạ tầng viễn thông, Bộ đang chỉ đạo phải phủ sóng để cho tất cả người dân miền núi, vùng sâu, vùng xa phải có sóng 3G, 4G, 5G truy cập internet. Về hạ tầng thanh toán điện tử, trong năm nay, Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng nhà nước cho thí điểm ứng dụng “Mobile money” để người dân không có thẻ ngân hàng có thể thanh toán điện tử được. Với người dân vùng sâu, vùng xa có khó khăn là không có điện thoại thông minh, hiện đã có chương trình hợp tác giữa nhà sản xuất và nhà mạng Việt Nam để bán điện thoại cho người dân với giá 600.000 – 700.000 đồng.
Chuyển đổi số ở vùng sâu, vùng xa sẽ ưu tiên về giáo dục trực tuyến, khám chữa bệnh từ xa và thương mại điện tử; sẽ có sàn giao dịch để người dân bán được nải chuối, quả cam. Bộ đã triển khai thí điểm và cuối năm 2020 sẽ sơ kết mô hình xã thông minh.
Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn trong ngày thứ hai
Sáng 9-11, phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ mười Quốc hội khóa XIV bước sang ngày làm việc thứ hai. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, cuối giờ sáng nay, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam sẽ trả lời một số chất vấn của đại biểu.
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, trong ngày chất vấn và trả lời chất vấn đầu tiên (6-11), có 48 đại biểu đặt câu hỏi, 43 đại biểu được các thành viên Chính phủ và các cơ quan trả lời trực tiếp; còn 5 đại biểu đặt câu hỏi cuối giờ sẽ được trả lời trong hôm nay.
Cũng trong ngày 6-11, đã có 17 đại biểu tranh luận về nhiều lĩnh vực khác nhau, tập trung vào các lĩnh vực: Tư pháp, nông nghiệp phát triển nông thôn, tài nguyên môi trường, thông tin truyền thông, nội vụ, giáo dục; nhiều nội dung gắn với vấn đề đang được xã hội quan tâm. Các Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Vũ Đức Đam, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao Lê Minh Trí và 12 bộ trưởng đã trả lời hầu hết các câu hỏi đặt ra và giải trình thêm các vấn đề thuộc lĩnh vực điều hành của mình.
Dự kiến cuối giờ sáng nay, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam sẽ trả lời các chất vấn được đại biểu đặt ra trong ngày đầu tiên. Cuối giờ chiều nay, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng sẽ tiếp tục đăng đàn làm rõ một số nội dung.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.