Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch đặc thù

Mai Hữu| 10/11/2022 17:49

(HNMO) - Chiều 10-11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tư, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội tiến hành thảo luận về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên thảo luận.

Quy định chặt chẽ hơn để không tạo “khoảng trống” pháp luật

Thảo luận về dự án Luật, đa số đại biểu Quốc hội nhấn mạnh sự cần thiết sửa đổi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nhằm khắc phục những bất cập, vướng mắc đã phát sinh; đồng thời nhấn mạnh việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bảo đảm thích ứng với môi trường kinh doanh mới và đáp ứng các yêu cầu trong xu thế hội nhập quốc tế.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng cho rằng, từ thực tiễn và xu hướng phát triển của việc giao dịch đặc thù như thương mại điện tử, bán hàng đa cấp…, hiện nay, những quy định bảo vệ người tiêu dùng trong dự thảo Luật chưa được thể hiện cụ thể.

Đại biểu Huỳnh Thị Phúc (Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu).

Nhằm khắc phục “khoảng trống” trong pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mua hàng qua mạng, đại biểu Huỳnh Thị Phúc (Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) và đại biểu Trần Thị Thu Hằng (Đoàn Đắk Nông) bày tỏ sự đồng thuận với những điểm bổ sung về các hành vi vi phạm quyền lợi người tiêu dùng có thể nảy sinh trong điều kiện chuyển đổi số, bổ sung chương mới quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch đặc thù.

Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng, cơ quan soạn thảo cần rà soát và điều chỉnh thống nhất các quy định về bảo vệ quyền, quyền lợi của người tiêu dùng trên không gian mạng với các luật liên quan. “Từ thực tiễn thực hiện công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cho thấy, quy định của pháp luật hiện hành về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên không gian mạng chưa có chế tài đủ sức răn đe”, đại biểu Trần Thị Thu Hằng nói.

Cùng quan tâm đến giao dịch từ xa, đại biểu Sùng A Lềnh (Đoàn Lào Cai) đề nghị chỉnh lý lại nội dung giao kết hợp đồng trong giao dịch từ xa cho chặt chẽ hơn.

“Đề nghị tuyên bố hợp đồng vô hiệu hoặc tuyên bố hủy hợp đồng, đây là các trường hợp khác nhau mà theo quy định của Bộ luật Dân sự sẽ có các hậu quả pháp lý khác nhau. Các bên trong giao dịch cũng sẽ có các quyền, nghĩa vụ khác nhau”, đại biểu Sùng A Lềnh nêu quan điểm và cho rằng, dự thảo Luật lại cho phép người tiêu dùng lựa chọn trường hợp để ứng xử là không chặt chẽ, có thể gây ra các tranh chấp trên thực tế.

Đại biểu Hà Ánh Phượng (Đoàn Phú Thọ).

Về bán hàng trực tiếp, theo đại biểu Hà Ánh Phượng (Đoàn Phú Thọ), dự thảo Luật quy định bán hàng đa cấp là một hình thức bán hàng trực tiếp - quy định này là chưa chính xác, vì hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp sử dụng mạng lưới người tham gia gồm nhiều cấp, nhiều nhánh, có thể được thực hiện trực tiếp hoặc trên không gian mạng hoặc qua phương tiện viễn thông từ xa. Vì vậy, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét rà soát, bổ sung quy định này phù hợp với thực tiễn.

Quy định cụ thể về trách nhiệm bồi thường thiệt hại

Tại phiên thảo luận, nhiều ý kiến cũng bày tỏ quan tâm quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật gây ra. Dự thảo Luật quy định người tiêu dùng cá nhân mua hoặc sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng. Như vậy, người tiêu dùng bên cạnh việc mua, sử dụng sản phẩm, hàng hóa, còn mua, sử dụng dịch vụ cho mục đích tiêu dùng.

Đại biểu Nguyễn Danh Tú (Đoàn Kiên Giang).

Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Danh Tú (Đoàn Kiên Giang), dự thảo Luật mới chỉ quy định trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật mà chưa quy định trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với dịch vụ không bảo đảm chất lượng. Vì vậy, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đại biểu đề nghị dự thảo Luật bổ sung quy định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh bồi thường trong trường hợp cung cấp dịch vụ không bảo đảm chất lượng, gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng.

Đề nghị quy định chặt chẽ hơn trách nhiệm bồi thường thiệt hại do sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật gây ra, đại biểu Trần Thị Vân (Đoàn Bắc Ninh) nêu ý kiến, việc bồi thường thiệt hại được thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự, tuy nhiên, không phải lúc nào thiệt hại cũng có thể xác định được ngay khi người tiêu dùng sử dụng hàng hóa để áp dụng pháp luật về dân sự. Để việc thực hiện bồi thường thiệt hại kịp thời, đại biểu đề nghị bổ sung quy định phải áp dụng trách nhiệm bồi thường thiệt hại do sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật gây ra cho người tiêu dùng không chỉ khi có thiệt hại thực tế xảy ra, mà ngay cả khi thiệt hại chưa xảy ra trên thực tế.

Bên cạnh đó, các đại biểu Quốc hội cũng đề nghị cần quy định rõ hơn về nhóm người tiêu dùng dễ bị tổn thương; cân đối và hài hòa giữa lợi ích của các chủ thể thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật…

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân phát biểu làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Phát biểu làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch đặc thù, cơ quan chủ trì soạn thảo đã rà soát, hoàn thiện các quy định theo hướng bảo đảm tối đa quyền lợi của người tiêu dùng; quy định trách nhiệm tương ứng của các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng, trong đó quy định rõ trách nhiệm của tổ chức thiết lập, vận hành nền tảng số trung gian.

Về cơ chế giải quyết tranh chấp, ban soạn thảo sẽ rà soát, nghiên cứu, viện dẫn các quy trình thủ tục của Bộ luật Tố tụng dân sự để tránh chồng chéo, mâu thuẫn trong hệ thống pháp luật.

Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, phiên thảo luận đã có 21 đại biểu phát biểu thảo luận, 2 đại biểu phát biểu tranh luận. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan thẩm tra phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo và các cơ quan liên quan nghiên cứu các ý kiến của đại biểu Quốc hội để tiếp thu, hoàn chỉnh dự án Luật trình Quốc hội xem xét thông qua vào kỳ họp thứ năm (tháng 5-2023).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch đặc thù

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.