Theo dõi Báo Hànộimới trên

Toàn văn phát biểu bế mạc kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Theo TTXVN| 15/11/2022 17:06

Chiều 15-11, tại Hội trường Diên Hồng - Nhà Quốc hội, Quốc hội khóa XV đã bế mạc kỳ họp thứ tư với sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Báo Hànộimới trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu bế mạc của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ:

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc kỳ họp.

"Kính thưa đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam,
Kính thưa các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các bậc lão thành cách mạng,
Kính thưa Quốc hội,
Thưa các vị khách quý,
Thưa đồng bào và cử tri cả nước,

Sau 21 ngày làm việc nghiêm túc, khẩn trương, khoa học, dân chủ và trách nhiệm cao, hôm nay, kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành các nội dung chương trình đề ra và tiến hành phiên họp bế mạc. Tiếp nối và phát huy thành công tốt đẹp của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Quốc hội đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung tâm lực, trí lực giải quyết một khối lượng công việc lớn, quan trọng với sự đồng thuận, nhất trí cao. Đã có 1.841 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu tại 7 phiên thảo luận tổ, 621 lượt đăng ký, 508 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu thảo luận và 26 lượt tranh luận tại 26 phiên thảo luận hội trường; 345 lượt đại biểu Quốc hội đăng ký, 149 lượt đại biểu nêu câu hỏi chất vấn, 22 đại biểu tranh luận tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

Quốc hội đã biểu quyết thông qua 6 luật, 12 nghị quyết chuyên đề và Nghị quyết chung của kỳ họp, thảo luận về việc tiếp thu, chỉnh lý và cho ý kiến đối với 8 dự án luật và quyết nghị nhiều nội dung quan trọng khác. Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tôi xin phép được báo cáo khái quát kết quả kỳ họp như sau:

Thứ nhất, về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước

Quốc hội đã dành nhiều thời gian thảo luận tình hình và kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư công năm 2022; vui mừng, đánh giá cao những kết quả quan trọng, nổi bật, khá toàn diện đã đạt được cả về phát triển kinh tế - xã hội; đảm bảo quốc phòng, an ninh; an sinh xã hội; chăm sóc người có công và công tác đối ngoại của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đặc biệt của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đã góp phần nâng cao vị thế, vai trò, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Quốc hội cũng lưu ý, trong những tháng cuối năm 2022 và năm 2023, dự báo tình hình kinh tế và chính trị - an ninh thế giới vẫn diễn biến phức tạp, khó lường. Ở trong nước, áp lực lạm phát, tỷ giá, lãi suất tăng cao; thị trường tiền tệ, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản còn tiềm ẩn rủi ro; hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân còn nhiều khó khăn. Quốc hội nhấn mạnh yêu cầu phải giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô trong mọi tình huống; tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương công vụ, tập trung giải quyết căn cơ, có kết quả cụ thể các yếu kém, điểm nghẽn trong giải ngân vốn đầu tư công, trong xử lý các tổ chức tín dụng, các dự án, doanh nghiệp yếu kém, thua lỗ; việc thiếu hụt nguồn cung ứng xăng dầu, tình trạng nghỉ việc, bỏ việc của nhân viên y tế, giáo dục và tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế…; tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh, thiên tai, biến đổi khí hậu; chung sức, đồng lòng, phát huy tinh thần tự cường, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, phấn đấu hoàn thành cao nhất kế hoạch năm 2022 và 2023, tạo tiền đề để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội cho cả giai đoạn 2021-2025 theo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

Thứ hai, về công tác lập pháp

Tại kỳ họp này, Quốc hội đã hoàn thành khối lượng lớn công việc lập pháp, thông qua 6 luật, 3 nghị quyết có chứa quy phạm pháp luật, cho ý kiến lần 2 dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); thảo luận lần đầu dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và 6 dự án luật khác.

Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng và phát huy dân chủ, thực sự cầu thị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội phối hợp chặt chẽ với Chính phủ, các cơ quan, tổ chức hữu quan tổng hợp đầy đủ, tiếp thu, giải trình kịp thời, thấu đáo ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, nhất là đối với các vấn đề lớn, quan trọng hoặc còn có ý kiến khác nhau nên đã đạt được sự đồng thuận, thống nhất cao đối với các dự án luật, dự thảo nghị quyết khi Quốc hội thông qua.

Đối với dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), Quốc hội đã thảo luận kỹ lưỡng, cân nhắc thận trọng, nhiều mặt và đã thống nhất với Chính phủ quyết định chưa xem xét, thông qua tại kỳ họp này để có thêm thời gian hoàn thiện, nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu thiết thực cả trước mắt và lâu dài của ngành y tế, nhưng vẫn đảm bảo thời gian có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2024 như dự kiến của Chính phủ và Quốc hội.

Thứ ba, về hoạt động giám sát tối cao

Quốc hội đã nghe và thảo luận sâu sắc, thực chất các báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ tư; báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ ba; xem xét các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng, công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án.

Tại kỳ họp, Quốc hội đã tiến hành giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021. Đây là chuyên đề giám sát được cử tri, nhân dân cả nước và dư luận đặc biệt quan tâm, có quy mô và lực lượng huy động tham gia rất lớn, bao gồm cả 63 đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Kiểm toán Nhà nước và Thanh tra Chính phủ; được tiến hành công phu, bài bản và thực sự là cuộc tổng rà soát khá toàn diện về thực trạng công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong phạm vi cả nước.

Trên cơ sở 580 báo cáo, văn bản của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cùng hệ thống phụ lục kèm theo khoảng 100 nghìn trang tài liệu, kết quả giám sát được phản ảnh tại báo cáo đầy đủ (93 trang), 42 phụ lục và 30 báo cáo giám sát trực tiếp tại các bộ, ngành, địa phương với tổng số 1.685 trang. Báo cáo giám sát đã nêu bật những kết quả quan trọng, khá toàn diện đã đạt được, chỉ rõ các tồn tại, hạn chế, yếu kém và nguyên nhân, xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đối với 5 nội dung trọng điểm và 7 lĩnh vực trọng tâm theo quy định của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Kết quả hoạt động giám sát bước đầu đã làm chuyển biến cả về nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành; qua đó, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã và đang tập trung rà soát tổng thể tình hình và các thông tin, số liệu có liên quan; tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đồng thời, ban hành kế hoạch, giải pháp để chấn chỉnh, khắc phục ngay các tồn tại, hạn chế theo kiến nghị của Đoàn giám sát.

Quốc hội đã ban hành Nghị quyết “Đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”, trong đó, yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức hữu quan làm rõ các vi phạm, thất thoát, lãng phí đã được phát hiện; trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu, trong việc thực hiện các giải pháp khắc phục các khuyết điểm, tồn tại, hạn chế trong báo cáo của Đoàn giám sát. Đề nghị các cơ quan nghiêm túc thực hiện Nghị quyết về giám sát, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả huy động, quản lý, phân bổ và sử dụng các nguồn nhân lực, vật lực, tài lực để đất nước ngày càng phát triển nhanh và bền vững, tạo chuyển biến rõ rệt, căn bản trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để song hành với những kết quả quan trọng trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiếp tục chỉ đạo tăng cường công tác giám sát các nội dung liên quan và việc thực hiện các kiến nghị trong Nghị quyết giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong kế hoạch giám sát năm 2023 và các năm tiếp theo.

Hoạt động chất vấn tiếp tục có đổi mới, thực chất, sôi động, được cử tri, nhân dân cả nước và các vị đại biểu Quốc hội quan tâm liên quan lần này đến lĩnh vực: Nội vụ, Xây dựng, Thanh tra, Thông tin và Truyền thông. Thủ tướng Chính phủ, 4/4 Phó Thủ tướng Chính phủ, 4 vị trưởng ngành và 7 bộ trưởng khác tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề liên quan.

Quốc hội đã thống nhất cao thông qua Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ tư, xác định rõ nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp và thời hạn hoàn thành cụ thể, yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các vị bộ trưởng, trưởng ngành thực hiện quyết liệt, có hiệu quả những vấn đề đã cam kết, có giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác quản lý nhà nước trong các lĩnh vực được chất vấn, báo cáo Quốc hội về kết quả thực hiện tại các kỳ họp sau.

Quốc hội trân trọng đề nghị cử tri và nhân dân cả nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, Hội đồng nhân dân các cấp tích cực tham gia cùng với Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội giám sát việc thực hiện nghị quyết giám sát, các cam kết, lời hứa của Chính phủ và các bộ, ngành, tạo nên sức mạnh cộng hưởng để đồng hành, thúc đẩy, tổ chức thực hiện có hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Thứ tư, về công tác nhân sự

Tại kỳ họp này, Quốc hội đã xem xét, quyết định kiện toàn nhân sự Tổng Kiểm toán Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Y tế và Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện, đúng quy trình, thủ tục theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Quốc hội đề nghị các vị mới được Quốc hội bầu, phê chuẩn nêu cao trách nhiệm, bản lĩnh, sớm nắm bắt công việc, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, giải quyết có hiệu quả những vướng mắc, bất cập để tạo bước phát triển mới trong các lĩnh vực được giao phụ trách, đóng góp vào sự phát triển chung, hoàn thành tốt trọng trách được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, đáp ứng kỳ vọng của đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân cả nước.

Thứ năm,Quốc hội đã thông qua Nghị quyết kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV với nhiều nội dung quan trọng, trong đó, đã quyết nghị: (1) Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 54/2017/QH14; giao Chính phủ nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14, trình Quốc hội xem xét, quyết định trong thời gian sớm nhất; (2) Áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật hành chính đối với hành vi vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức đồng bộ với quy định xử lý kỷ luật của Đảng; (3) Bổ sung thông tin “nơi sinh” vào hộ chiếu cấp cho công dân Việt Nam để tạo thuận lợi và bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân khi nhập cảnh tại các nước.

Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cấp, các ngành khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện các luật, nghị quyết vừa được Quốc hội thông qua. Các vị đại biểu Quốc hội sớm tiếp xúc cử tri để báo cáo kết quả kỳ họp, giữ mối liên hệ chặt chẽ, lắng nghe, phản ánh trung thực ý kiến và nguyện vọng của cử tri, tích cực giám sát việc giải quyết các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân. Các cấp, các ngành nỗ lực thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, gia đình chính sách, người lao động, người có hoàn cảnh khó khăn; chuẩn bị chu đáo các điều kiện phục vụ nhân dân đón mừng năm mới 2023 và Tết Nguyên đán Quý Mão, bảo đảm mọi người, mọi nhà đều được vui xuân, đón Tết đầm ấm.

Kính thưa Quốc hội,

Đến thời điểm này có thể khẳng định, kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV đã thành công tốt đẹp. Quốc hội ghi nhận và đánh giá cao sự quyết tâm, nỗ lực của các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao và các cơ quan, tổ chức hữu quan đã phối hợp chặt chẽ, chuẩn bị kỹ lưỡng, chất lượng những nội dung của kỳ họp; nhờ vậy, mặc dù có những điều chỉnh nhất định về chương trình, bổ sung thêm nội dung nhưng vẫn bảo đảm sự thông suốt, linh hoạt, hiệu quả trong điều hành và thực hiện thành công chương trình kỳ họp với sự đồng thuận, thống nhất cao và thời gian kỳ họp được rút ngắn hơn.

Quốc hội trân trọng cảm ơn sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cảm ơn cử tri và nhân dân cả nước, các bậc lão thành cách mạng, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, cộng đồng doanh nghiệp đã tham gia, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, có giá trị trong quá trình chuẩn bị và tiến hành kỳ họp. Trân trọng cảm ơn các cơ quan thông tấn, báo chí của trung ương và địa phương đã đưa tin nhanh chóng, chính xác, kịp thời, đầy đủ, khách quan diễn biến và kết quả của kỳ họp; trân trọng cảm ơn và biểu dương các bộ, ban, ngành trung ương và thành phố Hà Nội đã phối hợp với Văn phòng Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội tổ chức phục vụ chu đáo, bảo đảm tuyệt đối an toàn cho kỳ họp.

Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII vừa qua đã yêu cầu tập trung thực hiện một số chủ trương, nhiệm vụ quan trọng để tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trong đó nhấn mạnh phải tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội. Tinh thần chỉ đạo đó đã được quán triệt, thực sự lan tỏa, thấm nhuần và được thể hiện đậm nét trong từng quyết sách và hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và từng vị đại biểu Quốc hội tại kỳ họp lần thứ tư này, để lại những dấu ấn, hình ảnh tốt đẹp đối với cử tri và đồng bào cả nước.

Với thành công tốt đẹp của kỳ họp thứ tư, chúng ta tin tưởng rằng, dưới sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng, sự ủng hộ, giám sát của cử tri và nhân dân cả nước, sự phối hợp của Chủ tịch nước, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao và các cơ quan, tổ chức hữu quan, cùng với Nội quy kỳ họp Quốc hội vừa được sửa đổi, bổ sung tại kỳ họp này, hoạt động của Quốc hội nhất định sẽ tiếp tục ngày càng có chất lượng cao hơn, dân chủ hơn, sáng tạo, quyết liệt và thiết thực hơn, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Với tinh thần đó, tôi xin tuyên bố bế mạc kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV.

Kính chúc đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các bậc lão thành cách mạng, các vị khách quý trong Đoàn ngoại giao và các tổ chức quốc tế, các vị đại biểu Quốc hội cùng toàn thể đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, cử tri cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài sức khỏe, hạnh phúc và thành công!

Trân trọng cảm ơn Quốc hội".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Toàn văn phát biểu bế mạc kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.