Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cam kết không thay đổi

Thùy Dương| 12/10/2013 07:04

(HNM) - Chuyến công du Châu Á của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry vừa kết thúc vào ngày 11-10 đã diễn ra dài hơn dự kiến. Bên cạnh lịch trình tới Nhật Bản, ông phải thay mặt Tổng thống Barack Obama tới ba nước Malaysia, Indonesia, Brunei và tham dự Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC).

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tại Kuala Lumpur ngày 11-10.



Trong bối cảnh Tổng thống B.Obama không có mặt tại Đông Nam Á như lịch trình, sứ mệnh của Ngoại trưởng J.Kerry trong chuyến công du lần này nặng nề hơn. Mục tiêu lớn nhất là tái khẳng định với các đồng minh Đông Nam Á về quyết tâm can dự của Mỹ vào khu vực. Đặc biệt, khi có những ý kiến cho rằng Mỹ có nhiều trọng tâm chiến lược khác quan trọng không kém. Tại Hội nghị Cấp cao APEC 2013 tổ chức trên đảo Bali của Indonesia, Ngoại trưởng J.Kerry thừa nhận, nếu khủng hoảng chính trị tại Washington còn kéo dài hay lặp lại sẽ khiến mọi người đặt câu hỏi về khả năng cũng như sự sẵn sàng "giữ vững đường lối" của Mỹ. Song người "đại diện" của Tổng thống B.Obama đã một lần nữa nhấn mạnh việc xác định Châu Á - Thái Bình Dương là ưu tiên trọng yếu của Washington là không thay đổi. Sự kiện người đứng đầu nước Mỹ không thể thực hiện chuyến thăm trong giai đoạn hiện nay không hề ảnh hưởng tới chiến lược đã định hình và đang được triển khai trên thực tế. Từ thủ đô Washington, Tổng thống B.Obama cũng tuyên bố chính sách xoay trục sang Châu Á vẫn là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Nhà Trắng.

Trên thực tế, trong thời gian qua, Mỹ đã và đang tích cực thúc đẩy kế hoạch "tâm điểm Châu Á" bằng cách tăng cường hợp tác, hỗ trợ về quân sự cho Philippines, mở rộng hệ thống phòng thủ lá chắn tên lửa ở Nhật Bản, tăng cường tập trận quân sự với Hàn Quốc. Một quan chức Mỹ thừa nhận, các quốc gia Châu Á đã từng tỏ ý hoài nghi về quyết tâm trở lại khu vực của Mỹ sau khi bà Hillary Clinton ra đi. Nhưng ông cho rằng, sự quan tâm của Mỹ đối với khu vực tiềm năng này giờ đây đang đi vào thực chất, chứ không còn dừng lại ở mức tượng trưng. Cụ thể là Washington đang đẩy mạnh chi tiêu cho các dự án tại khu vực Châu Á bất chấp việc ngân sách đang bị siết chặt. Để thực hiện chiến lược xoay chuyển này, chính quyền Tổng thống B.Obama đang thúc đẩy nhanh điều chỉnh bố trí binh lực ở Thái Bình Dương so với Đại Tây Dương từ tỷ lệ 50%-50% lên 60%-40% vào năm 2020.

Ngoài vấn đề an ninh, Mỹ còn muốn đẩy mạnh hợp tác về kinh tế và ngoại giao với các nước ASEAN, xem đó như là một trong những trụ cột quan trọng của kế hoạch xoay trục về Châu Á. Trong đó, Đông Nam Á được coi là khu vực quan trọng bậc nhất. Vì vậy, Mỹ rất quan tâm tới tình hình tranh chấp lãnh hải trên Biển Đông, tuyến đường hàng hải quan trọng dự kiến chiếm đến 60% lượng lưu thông hàng hải thế giới. Mỹ coi an ninh hàng hải trên Biển Đông là một phần lợi ích an ninh quốc gia. Qua những chuyến công du khu vực hồi trung tuần tháng 11-2012 của Tổng thống Mỹ B.Obama, cũng như của Ngoại trưởng Mỹ J.Kerry và Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel thời gian gần đây, Washington liên tục phát đi thông điệp rằng Mỹ rất quan tâm xúc tiến chính sách chuyển trọng tâm chiến lược về Châu Á - Thái Bình Dương, hay còn gọi là "tái cân bằng" tại khu vực. Trước hết, đó là "tái cân bằng" giữa can dự về kinh tế với các can dự về chính trị, quân sự và ngoại giao. Bên cạnh đó là sự cân bằng trong quan hệ với các đồng minh truyền thống như Thái Lan, Nhật Bản, Philippines, Australia… cũng như trong quan hệ với các cường quốc mới nổi tại khu vực. Ngoài ra, chính sách xuyên suốt này còn thể hiện qua việc thúc đẩy các quan hệ song phương lẫn tham gia nhiều hơn vào các diễn đàn đa phương.

Thế nên, dù Ngoại trưởng J.Kerry đã hủy chuyến thăm dự kiến tới Philippines do lo ngại ảnh hưởng của siêu bão Nari nhưng cam kết sẽ trở lại Đông Nam Á trong khoảng một tháng và trong đó có điểm đến Philippines đã thể hiện rõ lập trường của Mỹ. Điều đó cho thấy rằng, bất chấp một số khó khăn về nội bộ, chính quyền của Tổng thống B.Obama vẫn chưa thay đổi chiến lược hướng trọng tâm vào Châu Á năng động và nhiều tiềm năng chiến lược.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cam kết không thay đổi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.