Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cải cách vì doanh nghiệp

Hồng Sơn| 03/07/2021 07:57

(HNM) - Mặc dù Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland (UKVFTA) mới chỉ có hiệu lực từ ngày 1-5 vừa qua, nhưng những lợi ích mà hiệp định mang lại đang diễn ra theo đúng dự báo của Chính phủ, Bộ Công Thương. Đó là hiệp định này mở ra cơ hội mới, có tác động nhanh, trực tiếp và tích cực đến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường nước Anh.

Cũng để tranh thủ thời gian, đơn giản hóa thủ tục cho doanh nghiệp xuất khẩu, Bộ Công Thương vừa ban hành Thông tư số 02/2021/TT-BCT (ngày 11-6-2021) về quy tắc xuất xứ hàng hóa trong hiệp định nói trên. Điểm nổi bật khiến doanh nghiệp phấn khởi là, thông tư quy định đối với những lô hàng xuất khẩu từ Việt Nam trị giá dưới 6.000 euro thì nhà xuất khẩu được phép tự chứng nhận xuất xứ. Tiếp theo, nếu lô hàng xuất khẩu trị giá trên 6.000 euro sẽ áp dụng cơ chế xuất xứ hàng hóa (C/O) do cơ quan, tổ chức được Bộ Công Thương ủy quyền cấp. Việc này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa của Việt Nam thâm nhập thị trường có nhu cầu và sức mua cao như Anh quốc.

Với những cải cách tại thông tư nói trên, doanh nghiệp xuất khẩu sẽ có cơ sở thực hiện trên tinh thần chủ động. Điều này càng có ý nghĩa khi hầu hết doanh nghiệp của nước ta đều có quy mô nhỏ và vừa - đồng nghĩa với năng lực xuất khẩu còn hạn chế, chủ yếu thực hiện những đơn hàng xuất khẩu có giá trị nhỏ. Nhưng thực tế cũng cho thấy, nhu cầu xuất khẩu của các doanh nghiệp lại là liên tục, các lô hàng xuất khẩu được “gối đầu” nhau kèm theo những yêu cầu về thủ tục liên quan.

Việc doanh nghiệp được phép tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa thay vì phải có chứng nhận của cơ quan chức năng như trước đã giúp tiết kiệm thời gian, chi phí và đó thực sự là cải cách đích thực vì quyền lợi của doanh nghiệp.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cải cách vì doanh nghiệp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.