Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Cái áo” thành tích

Nữ Quỳnh| 22/06/2010 06:41

(HNM) - Chuyện thứ nhất: Mấy ngày qua, khi các tỉnh, thành phố lần lượt công bố kết quả tốt nghiệp THPT ở mức cao, đa số đạt trên 90%, dư luận đã đặt câu hỏi phải chăng sau ba năm thực hiện cuộc vận động "Hai không" (nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục), kết quả đã đạt được mỹ mãn, số trường đỗ 100% xuất hiện lại nhiều hơn.

Chuyện thứ hai: Báo cáo của Tổ công tác chuyên trách cải cách hành chính của Thủ tướng đánh giá: Kết quả tính toán cắt giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính mà các bộ, ngành đưa ra rất cao. Nhưng đáng chú ý khi có đơn vị không đưa ra bất cứ một biện pháp đơn giản hóa về hồ sơ nào, cũng như yêu cầu hay điều kiện để thực hiện thủ tục nhưng lại báo cáo kết quả là 100% thủ tục đã được cắt giảm chi phí?

Hai vấn đề nêu trên có chung một lý giải của tình trạng mà chúng ta vẫn quen gọi là "bệnh thành tích".

Có lẽ ngay cả những người ít quan tâm nhất đến chuyện giáo dục cũng phải giật mình khi nghe thông tin Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, vốn là những nơi có điều kiện giáo dục vượt trội, nhưng phải chào thua, chấp nhận đứng sau nhiều tỉnh vùng cao, vùng sâu về tỷ lệ học sinh THPT đỗ tốt nghiệp. Ba năm trước, tức là lúc cuộc vận động "Hai không" tỏ rõ hiệu quả, "đánh phá" vào thành trì tiêu cực trong thi cử, tỷ lệ học sinh THPT tốt nghiệp 70-80% đã là niềm tự hào, thậm chí tỷ lệ chung cả nước chỉ ở mức chưa đến 67%. Chúng ta đã tự hào thừa nhận đó là con số thật, phản ánh chất lượng thật của giáo dục và "đánh" vào cái gọi là "bệnh thành tích" tồn tại từ nhiều năm trước đó. Nhưng năm nay, địa phương nào mới chỉ đạt con số ấy thì quả là hẩm hiu khi nhiều nơi tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT ngất ngưởng ở mức 90-100%. Có người gọi kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay là "siêu thành tích".

Trở lại với công tác cải cách thủ tục hành chính. Tính toán chung thì việc cắt giảm thủ tục rườm rà sẽ giúp tiết kiệm khoảng 30.000 tỷ đồng mỗi năm. Chúng ta đang quyết tâm để giảm những nhiêu khê, rườm rà và thói cửa quyền, nhũng nhiễu, tức là giảm "căn bệnh" hành dân của một số cán bộ ở cơ quan công quyền. Thế nhưng mục tiêu ấy liệu có ý nghĩa hay không khi mà đâu đó vẫn còn kiểu "không làm vẫn báo cáo có"?

Dĩ nhiên, thành tích là thành quả, là biểu hiện tốt nhất của thành quả lao động, tức là chuyện tốt, chuyện hay, đáng nêu gương. Nhưng rõ ràng nếu cứ vẫn giữ cách, chạy theo thành tích ảo, mà thực chất là khoác lên mình "cái áo" không thật, bằng những bản báo cáo thiếu trung thực, hoặc thậm chí bằng cả các "thủ thuật" khác để có thành tích thì thật nguy hại.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Cái áo” thành tích

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.