(HNM) - Nước ta có khí hậu nhiệt đới gió mùa, nóng ẩm, mưa nhiều nên thuận lợi để các loài nấm phát triển. Theo thống kê, trong khoảng 10.000 loài nấm trên thế giới thì có 50-100 loài nấm gây độc. Ngộ độc nấm thường xảy ra vào dịp xuân hè, tập trung ở vùng miền núi, nông thôn, nơi một số người dân có thói quen hái nấm mọc ở rừng, ngoài tự nhiên để làm thức ăn.
Khi ăn phải nấm độc, ngộ độc thường có các biểu hiện: Đau bụng dữ dội thành từng cơn, đi ngoài ra nhiều nước tanh, dính máu; buồn nôn và nôn ra thức ăn, có thể lẫn máu; toàn thân mệt mỏi...
Người ăn phải nhóm nấm gây ngộ độc sớm thường biểu hiệu sau ăn 30 phút đến 2 giờ, tối đa là 6 giờ. Còn người ăn phải nấm thuộc nhóm gây ngộ độc càng muộn càng nguy hiểm, do dấu hiệu ngộ độc chỉ xuất hiện sau 6-12 giờ, thậm chí là 40 giờ. Với nhóm nấm gây ngộ độc muộn, người bệnh tử vong rất nhanh chỉ sau vài ngày do suy gan, chảy máu nhiều, co giật…
Các chuyên gia y tế khuyến cáo, ngay khi có triệu chứng ngộ độc nấm phải gây nôn tại chỗ nếu bệnh nhân mới ăn trong vòng 1 giờ. Đối với các bệnh nhân ngộ độc nấm có triệu chứng sớm cần vận chuyển cấp cứu đến bệnh viện huyện để chữa trị kịp thời. Còn với các bệnh nhân ngộ độc nấm triệu chứng muộn (sau 6 giờ) cần được chuyển đến bệnh viện tỉnh hoặc khu vực nơi có khả năng lọc máu. Người thân bệnh nhân ngộ độc cần mang mẫu nấm hoặc thức ăn chế biến từ nấm còn lại tới cơ sở y tế để sơ bộ xác định loài nấm.
Để tránh ăn phải nấm độc, người dân tuyệt đối không thu hái, sử dụng nấm rừng, nấm mọc tự nhiên bởi rất khó nhận biết nấm độc và nấm không độc. Người dân chỉ sử dụng khi biết chắc chắn nấm đó ăn được và chỉ nên nấu nấm tươi để ăn ngay, nếu để ôi, dập nát có thể hình thành độc tố mới gây ngộ độc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.