Theo dõi Báo Hànộimới trên

Các trường đại học phía Nam: Nỗ lực hội nhập quốc tế

Thanh Tàu| 06/05/2022 08:09

(HNM) - Những năm qua, các trường đại học tại khu vực phía Nam đã chú trọng cải tiến chất lượng đào tạo, nỗ lực hội nhập quốc tế. Qua đó, nhiều trường đã đạt những tiêu chuẩn chất lượng quốc tế như AUN-QA, FIBAA, ABET…, góp phần giúp sinh viên sau khi tốt nghiệp thuận lợi hơn trong việc hòa nhập với thị trường lao động trong và ngoài nước.

Sinh viên Trường Đại học Nguyễn Tất Thành (thành phố Hồ Chí Minh) tại phòng thực hành Khoa Kỹ thuật - Thực phẩm và Môi trường.

Lợi thế khi được kiểm định

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện cả nước có 179/241 cơ sở giáo dục đại học được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng; 373 chương trình của 72 trường đại học được kiểm định bởi các tổ chức kiểm định trong nước, 236 chương trình của 41 trường đại học được kiểm định bởi các tổ chức kiểm định nước ngoài. Riêng tại khu vực phía Nam có hơn 25 trường đại học đạt chất lượng chương trình đào tạo quốc tế, được kiểm định chất lượng giáo dục bởi các tổ chức như: Tổ chức bảo đảm chất lượng của Mạng lưới các trường đại học ASEAN - ASEAN University Network - Quality Assurance (AUN-QA); Tổ chức kiểm định các chương trình đào tạo kỹ thuật - công nghệ Hoa Kỳ - Accreditation Board for Engineering and Technology (ABET); Tổ chức bảo đảm chất lượng của Chính phủ Thụy Sĩ - Foundation for International Business Administration Accreditation (FIBAA); Hội đồng kiểm định các trường học và chương trình đào tạo về kinh doanh Hoa Kỳ - Accreditation Council for Business Schools and Programs (ACBSP)…

Đơn cử, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh) hiện có 36 chương trình đào tạo đạt chuẩn kiểm định quốc tế. Mới đây nhất, vào tháng 3-2022, trường đã được Tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục đại học uy tín thế giới (trụ sở tại Đức) công nhận thêm 3 chương trình đào tạo đạt chất lượng gồm: Kỹ thuật cơ điện tử, kỹ thuật cơ khí và kỹ thuật hệ thống công nghiệp. Tiến sĩ Võ Đại Nhật, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Khảo thí và Bảo đảm chất lượng (Trường Đại học Bách khoa) cho biết, sinh viên tốt nghiệp từ những chương trình này sẽ có nhiều thuận lợi trong việc tìm kiếm việc làm ở châu Âu và nhiều quốc gia khác trên thế giới.

Còn Trường Đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh) có 9 chương trình đã được công nhận đạt chuẩn AUN-QA. Đặc biệt, trường có 2 chương trình đạt chuẩn kiểm định ABET gồm: Kỹ thuật y sinh và kỹ thuật điện tử - truyền thông. Theo Tiến sĩ Trần Tiến Khoa, Hiệu trưởng Trường Đại học Quốc tế, sinh viên tốt nghiệp hai ngành kỹ thuật y sinh và kỹ thuật điện tử - truyền thông sẽ có nhiều lợi thế khi học tiếp lên cao hoặc tìm việc làm tại Hoa Kỳ và các quốc gia áp dụng kết quả của tổ chức kiểm định này.

Trong khi đó, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành có 8 chương trình được AUN-QA công nhận. Trường Đại học Trà Vinh (tỉnh Trà Vinh) là một trong 4 trường đại học tại Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều chương trình kiểm định quốc tế với 5 chương trình đào tạo được AUN-QA công nhận gồm nông nghiệp, thủy sản, thú y, điều dưỡng, ngôn ngữ Khmer...; các chương trình đào tạo được FIBAA công nhận, như quản trị kinh doanh, kinh tế, luật, kế toán và tài chính ngân hàng, thạc sĩ quản trị kinh doanh, thạc sĩ quản lý kinh tế...

Tiếp tục nâng cao uy tín và thương hiệu

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Tiết Khánh, Hiệu trưởng Trường Đại học Trà Vinh cho rằng, các chương trình đào tạo được kiểm định đạt chuẩn chất lượng bởi các tổ chức quốc tế chính là sự ghi nhận chất lượng đào tạo, bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất, giảng viên, chương trình đào tạo tiên tiến và phương pháp giảng dạy tích cực, giúp người học phát huy năng lực của bản thân, đáp ứng các yêu cầu tuyển dụng ngày càng cao của doanh nghiệp. Trong thời gian tới, nhà trường sẽ mở rộng đào tạo theo hướng đa dạng ngoại ngữ, chú trọng nâng cao uy tín và thương hiệu, giúp sinh viên mở rộng cơ hội việc làm trong và ngoài nước.

Tương tự, Tiến sĩ Trần Ái Cầm, Hiệu trưởng Trường Đại học Nguyễn Tất Thành khẳng định, nhà trường sẽ tập trung đẩy mạnh cải tiến việc đánh giá chuẩn đầu ra chương trình, tăng cường tập huấn và đổi mới phương pháp giảng dạy, thường xuyên kiểm tra đánh giá sinh viên để đo lường được chuẩn đầu ra học phần, cũng như duy trì việc đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị, hoạt động hỗ trợ sinh viên theo đúng tinh thần lấy người học làm trung tâm.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó Giám đốc Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, khi một chương trình đào tạo, một trường đạt chuẩn kiểm định khu vực Đông Nam Á hay của các tổ chức kiểm định châu Âu, Hoa Kỳ thì uy tín và thương hiệu sẽ được nâng lên ở một đẳng cấp khác. Về những lợi ích khi đạt các chuẩn kiểm định của quốc tế, trước tiên người học sẽ có nhiều lợi thế hơn như bằng cấp được công nhận tại nhiều quốc gia, từ đó thuận lợi khi làm việc ở nước ngoài, học cao hơn ở các trường quốc tế. Các nhà trường cũng có nhiều cơ hội hơn trong hợp tác quốc tế, liên kết đào tạo, trao đổi sinh viên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Các trường đại học phía Nam: Nỗ lực hội nhập quốc tế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.