(HNMO) - Theo Siberian Times, một nhóm các nhà khoa học tại Nga đã hồi sinh thành công giun thân tròn (nematodes) bị đóng băng, với ước tính tuổi thọ khoảng 30.000 - 42.000 năm.
Được công bố trên tạp chí Doklady Biological Sciences số ra trong tháng 5 vừa qua, kết quả nói trên là thành tựu hợp tác giữa các nhà khoa học từ bốn trường đại học của Nga và trường Đại học Princeton của Mỹ.
Nghiên cứu đã phân tích hơn 300 mẫu từ các lớp đất đóng băng vĩnh cửu ở Bắc cực và phát hiện hai mẫu tại Siberia có chứa một số con giun vẫn còn trong tình trạng tốt. Trong đó, một mẫu có niên đại khoảng 32.000 năm được tìm thấy trong một lõi băng nằm sâu 30 m dưới bề mặt của lớp đất đóng băng vĩnh cửu, trong khi mẫu còn lại được lấy từ một lớp đất đóng băng vĩnh cửu sâu 3,5 m có niên đại 41.700 năm.
Những con giun này sau khi được lấy ra khỏi lớp đất đóng băng vĩnh cửu được đặt vào một chiếc đĩa cho tới khi băng tan, rồi được bảo quản ở nhiệt độ 20 độ C. Chúng bắt đầu có dấu hiệu của sự sống như cử động và ăn sau vài tuần.
Theo các nhà khoa học, những con giun này bị đóng băng vào thời điểm phần lớn Trái Đất bị băng bao phủ, và giờ đây đã trở thành những sinh vật còn sống già nhất được biết đến trên hành tinh.
Phát hiện mới lần này sẽ mở ra nhiều cơ hội nghiên cứu về cơ chế thích nghi của giun, có ý nghĩa về mặt khoa học và thực tế cho những lĩnh vực như sinh vật học vũ trụ, cụ thể là tìm kiếm cuộc sống ngoài Trái Đất, y học nhiệt độ thấp và sinh học nhiệt độ thấp. Đây đều là những lĩnh vực nghiên cứu tác động của nhiệt độ rất thấp đối với sự sống.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.