Nhiều tên tuổi kiệt xuất, những nhà khoa học hàng đầu thế giới trong các lĩnh vực trọng yếu như: Khoa học vật liệu, trí tuệ nhân tạo, ô nhiễm không khí và nghiên cứu môi trường… đang có mặt ở Hà Nội để tham gia Tuần lễ VinFuture 2024.
Sáng nay 4-12, tại Hà Nội, chuỗi tọa đàm “Khoa học vì cuộc sống” khởi đầu Tuần lễ VinFuture 2024 đã chính thức bắt đầu.
Chuỗi tọa đàm "Khoa học vì cuộc sống" diễn ra trong hai ngày 4 và 5 -12 với 4 phiên tọa đàm: “Vật liệu cho tương lai bền vững", "Triển khai trí tuệ nhân tạo (AI) trong thực tế", “Ô nhiễm không khí và giao thông: Cơ hội và thách thức cho Việt Nam và thế giới”, "Những đổi mới trong chăm sóc sức khỏe tim mạch và điều trị đột quỵ".
Các cuộc tọa đàm khoa học quy tụ các diễn giả là các nhà khoa học hàng đầu thế giới như: GS. Yann LeCun (Phó Chủ tịch và Giám đốc Khoa học Trí tuệ nhân tạo tại Meta, đồng thời là GS Silver tại Đại học New York - NYU, Mỹ); GS. Seth Marder (Giám đốc Viện Năng lượng Tái tạo và bền vững - tổ chức liên kết giữa Đại học Colorado-Boulder và Phòng thí nghiệm quốc gia về Năng lượng tái tạo Mỹ - NREL); GS. Martin Green (Giám đốc sáng lập Trung tâm Quang điện tiên tiến tại Đại học New South Wales (Australia), thành viên Hội đồng Giải thưởng và Chủ nhân Giải thưởng Chính VinFuture 2023); GS. Yafang Cheng (Giám đốc Khoa Hóa học Aerosol tại Viện Hóa học Max Planck, Đức); GS. Valery Feigin (Giáo sư Thần kinh học và Dịch tễ học, Giám đốc Viện nghiên cứu Đột quỵ và Khoa học thần kinh ứng dụng quốc gia, Đại học Công nghệ Auckland, New Zealand); GS. Marina Freitag (nhà nghiên cứu hàng đầu thế giới về năng lượng, Đại học Newcastle, Anh) …
Song song với các tọa đàm khoa học, "Chuỗi Đối thoại Khám phá tương lai VinFuture" là cầu nối quan trọng để kết nối các nhà khoa học hàng đầu thế giới với các viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp tại Việt Nam. Những đối thoại sẽ tập trung vào việc tìm kiếm giải pháp cho những thách thức toàn cầu và thúc đẩy hợp tác nghiên cứu như: "Phương pháp tiếp cận mới nhằm kiểm soát và điều chỉnh tăng huyết áp"; "Kỹ thuật canh tác bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu"; "Những đổi mới trong năng lượng mặt trời và kỹ thuật vật liệu tiên tiến"; và "Các nhà khoa học nữ vì tương lai năng lượng bền vững và môi trường xanh"…
Chiều ngày 3-12, trước khi Tuần lễ Khoa học VinFuture 2024 chính thức bắt đầu, các nhà khoa học và gia đình đã có những trải nghiệm thú vị tại Bảo tàng Gốm Bát Tràng.
Tại đây, các nhà khoa học không chỉ được đắm mình trong không gian văn hóa độc đáo, mà còn có cơ hội trực tiếp tạo ra những sản phẩm gốm riêng của bản thân. Đây là vừa là khoảnh khắc thư giãn, vừa gợi mở những trải nghiệm sâu sắc về sự kết nối giữa nghệ thuật, khoa học và tinh thần sáng tạo.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.