Theo dõi Báo Hànộimới trên

Các ngân hàng thương mại: Khó lạc quan về lợi nhuận

Đức Anh| 20/01/2015 06:44

(HNM) - Năm 2014 đã kết thúc, mặc dù chưa có ngân hàng nào công bố lợi nhuận, song dự báo, kết quả kinh doanh sẽ không như những năm trước.

Không đến mức phải báo lỗ như quý III-2014, bởi tốc độ tăng trưởng tín dụng đã được cải thiện trong 3 tháng cuối năm, nhưng "sức khỏe" của các ngân hàng chưa thực sự hồi phục sau cơn bão khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Những năm trước, vào thời điểm này, các ngân hàng dồn dập thông tin cán đích hoặc vượt đích, với những con số lãi khủng. Năm nay, đại diện hầu hết ngân hàng đều giữ thái độ dè dặt.

Dự báo lợi nhuận của các ngân hàng sẽ không khả quan như những năm trước. Ảnh: Trần Việt


Lãnh đạo Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) cho biết, không nhiều hy vọng để lợi nhuận diễn biến theo chiều hướng thuận lợi bởi nhiều nguyên nhân, chủ yếu do nền kinh tế chưa thuận lợi, DN còn gặp nhiều khó khăn. Trong bối cảnh nhu cầu tín dụng của DN và người dân thấp, ngân hàng không dễ có lãi. Trong suốt năm 2014, mặc dù lãi suất huy động đã giảm sâu, với mức giảm tới 50% so với năm trước, nhưng dòng tiền gửi tiết kiệm không ngừng chảy vào ngân hàng cho thấy nguồn tiền không được lưu thông trong nền kinh tế. Người dân thắt chặt chi tiêu khiến đầu ra của DN co lại, nhu cầu vốn của DN trở nên eo hẹp và chịu ảnh hưởng dây chuyền chính là ngân hàng.

Đại diện một ngân hàng thương mại có hội sở ở Hà Nội cho rằng, lợi nhuận của các ngân hàng năm 2014 sẽ không cao, phổ biến đạt mức 10% (lợi nhuận/vốn), hiếm đơn vị nào đạt 15%, nếu có là do tổ chức đó cơ cấu lại nợ. Ngay cả với đơn vị đạt mức tăng trưởng tín dụng tốt ở khu vực khách hàng DN và cá nhân, lợi nhuận cũng không thể cao vì lãi suất cho vay giảm mạnh và nhanh, ngân hàng không cân đối được chi phí, lại phải trích lập một nguồn vốn lớn để dự phòng rủi ro, giải quyết những khoản nợ xấu cồng kềnh từ những năm trước. Điển hình như Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) phải dành tới 100 tỷ đồng để dự phòng rủi ro vì theo quy định mới, phải trích lập dự phòng đối với cả trái phiếu. Điều đó đồng nghĩa với lợi nhuận của SeABank "bay hơi" thêm 100 tỷ đồng. Thêm vào đó, để cạnh tranh, kéo khách hàng đến với mình trong thời điểm "cung lớn, cầu nhỏ", ngân hàng đã phải đưa ra nhiều chương trình ưu đãi cho vay. Có chương trình áp dụng lãi suất chỉ 7%/năm, tương đương với lãi suất huy động kỳ hạn dài, nên không thu được lợi nhuận mà còn phải bù đắp chi phí hoạt động. Thông thường, chênh lệch giữa lãi suất cho vay và huy động là 2,5-3% mới đủ để ngân hàng chi phí cho hoạt động kinh doanh, nếu thấp hơn sẽ bị lỗ. Những yếu tố này đều tác động tiêu cực tới lợi nhuận của ngân hàng.

Với nhiều ngân hàng khác, bài toán xử lý nợ xấu được coi là nguyên nhân chính cho sự sụt giảm lợi nhuận. Để giải quyết những khoản nợ xấu, không ít ngân hàng đã phải hy sinh lợi nhuận trước khi nhờ đến Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC). Nợ xấu đang làm đau đầu những "ông chủ" ngân hàng. DN phải tái cơ cấu nên chưa thể trả, hoặc sau một thời gian dài vất vả đòi nợ qua tòa án cũng chỉ thu được một phần của tiền gốc, không dám nghĩ đến lãi, trong khi chi phí để đòi nợ không nhỏ. Tuy nhiên, đòi được một phần nợ gốc đã là may mắn, nhiều khi không thể đòi được chứ nói gì đến lãi.

Năm 2015, liệu bức tranh của hệ thống ngân hàng có thêm mảng sáng? Đại diện các ngân hàng đều tỏ ra thận trọng, bởi lợi nhuận còn tùy thuộc vào nền kinh tế, mà trực tiếp là cộng đồng DN. Nếu DN phát triển tốt, có điều kiện vay vốn, ngân hàng mới có cơ hội tăng trưởng. Thêm vào đó, "nút thắt" của bất động sản chưa được tháo gỡ hoàn toàn, nợ xấu chưa được giải quyết thì hệ thống các ngân hàng thương mại vẫn không thể lạc quan về lợi nhuận.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Các ngân hàng thương mại: Khó lạc quan về lợi nhuận

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.