Đô thị

Các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội tạo đột phá cho Thủ đô phát triển

Đình Hiệp - Ảnh: Quang Thái 01/08/2023 - 12:38

Tại Hội thảo khoa học “Góp ý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)” do Đảng ủy Khối các trường đại học, cao đẳng Hà Nội, Sở Tư pháp thành phố Hà Nội phối hợp với Trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức sáng 1-8, nhiều tham luận đề xuất về các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội nhằm tạo đột phá cho Thủ đô phát triển. Phóng viên Báo Hànộimới lược ghi một số ý kiến tại hội thảo.

hoithao8.jpg
Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Luật Hà Nội Chu Mạnh Hùng tham luận tại hội thảo.

Tiến sĩ Chu Mạnh Hùng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Luật Hà Nội:
Phải xem xét Hà Nội với tư cách là một đô thị

Trong mối quan hệ với đô thị trung tâm và các đô thị khác, thành phố thuộc thành phố Hà Nội là quan hệ kết nối và không phải là phần mở rộng của đô thị trung tâm Hà Nội. Theo đó, cần thiết phải có sự phân biệt về khoảng cách với đô thị trung tâm Hà Nội và các đô thị khác như lý thuyết khuếch tán được áp dụng ở các thành phố lớn trên thế giới nhằm giải tỏa áp lực dân cư, phát triển kinh tế, dịch vụ và các hoạt động khác.

Thủ đô Hà Nội là đô thị đặc biệt trực thuộc Trung ương, là trung tâm chính trị - hành chính; trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ... của đất nước, có lịch sử hàng ngàn năm với nhiều sắc thái văn hóa. Các đặc trưng đó chi phối đến quy hoạch, thiết kế mô hình và phương thức quản lý Thủ đô. Vì vậy, phải xem xét Hà Nội với tư cách là một đô thị, chức năng của đô thị với các đặc điểm của vị trí địa lý, sắc thái văn hóa, tập quán dân cư, mối quan hệ tương tác trong vùng...

hoithao10.jpg
Chủ tịch Hội đồng Trường - Trường Đại học Y Hà Nội Tạ Thành Vân tham luận tại hội thảo.

GS.TS.BS Tạ Thành Vân, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường - Trường Đại học Y Hà Nội: 
Xây dựng trung tâm quản lý cơ sở dữ liệu nguồn nhân lực y tế

Hà Nội cần xây dựng trung tâm quản lý cơ sở dữ liệu nguồn nhân lực y tế của Thủ đô. Cơ sở dữ liệu bao gồm: Thông tin chung về số lượng nhân viên y tế của từng khoa, phòng trong các cơ sở y tế công lập và ngoài công lập trên địa bàn Thủ đô; sự thay đổi và biến động hằng tháng; nhu cầu phát triển hằng năm; danh mục kỹ thuật chuyên môn đang và sẽ triển khai...; thông tin cá nhân của từng nhân viên y tế, chi tiết tới thời hạn của chứng chỉ hành nghề, lĩnh vực chuyên môn và số giờ tham gia đào tạo liên tục hằng năm...

Tất cả các thông tin trên sẽ là cơ sở khoa học và thực tiễn giúp các nhà quản lý đưa ra các chiến lược phát triển đội ngũ nhân viên y tế hằng năm của từng chuyên khoa, tại từng cơ sở y tế phù hợp với nhu cầu chăm sóc sức khỏe của từng địa phương trong các giai đoạn phát triển của Thủ đô.

Hà Nội cần có chế độ đãi ngộ, quy định về khám, chữa bệnh và cơ chế chi trả bảo hiểm y tế phù hợp với điều kiện kinh tế, văn hóa và tính đặc thù của địa bàn Thủ đô; quy định về cơ chế tài chính, dịch vụ khám, chữa bệnh và thanh toán bảo hiểm y tế hợp lý để khuyến khích phát triển đội ngũ bác sĩ làm việc cho cơ sở y tế ngoài công lập; tạo mối liên hệ có tính hệ thống giữa cơ sở y tế công lập và ngoài công lập. Đồng thời, cần có một tư duy thống nhất, dù cơ sở y tế công lập hay ngoài công lập thì đều có chung một sứ mệnh là chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho người dân, chủ thể của xã hội, tạo nên sự phát triển của Thủ đô và đất nước.

hoithao01.jpg
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn tham luận tại hội thảo.

GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế:
Cân nhắc việc chuyển giao quản lý các bệnh viện trung ương về Hà Nội

Về quy định mới trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) về việc “Chuyển giao các bệnh viện thuộc bộ, cơ quan nhà nước ở trung ương về thành phố Hà Nội quản lý, trừ các bệnh viện thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an; bệnh viện hạng đặc biệt; bệnh viện của các trường đại học y”, Bộ Y tế luôn ủng hộ chủ trương của Hà Nội trong phát triển hệ thống y tế, với việc áp dụng các kỹ thuật mới nhằm đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân. Tuy nhiên, việc chuyển giao các bệnh viện thuộc bộ, cơ quan nhà nước ở trung ương về thành phố Hà Nội quản lý cần được cân nhắc kỹ hơn trên cơ sở thực tiễn.

Nghị quyết số 19-NQ/TƯ ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập” có liên quan đến 17 bệnh viện trung ương đóng trên địa bàn thành phố. Vì thế, việc duy trì sự quản lý của Bộ Y tế với 17 bệnh viện trung ương này là cần thiết, bởi đây là những bệnh viện chuyên khoa, đầu ngành của cả nước.

Ngoài nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân Thủ đô và cả nước (trong đó có các cán bộ trung ương), các bệnh viện này còn là “máy cái” để đào tạo nguồn nhân lực y tế cho toàn quốc. Khi trực thuộc Bộ Y tế, các bệnh viện trung ương này sẽ mang thương hiệu quốc gia, tạo thuận lợi cho hợp tác quốc tế, chuyển giao khoa học công nghệ tiên tiến để phát triển và chuyển giao hệ thống y tế tuyến tỉnh.

hoithao04.jpg
Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Hà Nội Phạm Thị Thu Hương tham luận tại hội thảo.

PGS.TS Phạm Thị Thu Hương, Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Hà Nội:
Thành lập Quỹ Văn hóa Thủ đô

Với mục đích thu hút các nguồn lực xã hội, hoạt động xã hội hóa trong lĩnh vực văn hóa đã được triển khai từ khá lâu và đem lại nhiều kết quả. Không ai trong chúng ta có thể phủ định được hiệu quả mà xã hội hóa đem lại trong lĩnh vực văn hóa, nhưng để hiện thực hóa và đơn giản hóa hoạt động xã hội hóa này, cần thành lập Quỹ Văn hóa Thủ đô. Chỉ riêng trong lĩnh vực di sản, Hà Nội có 5.922 di tích, 1.793 di sản văn hóa phi vật thể. Những di sản này cần được nghiên cứu, bảo quản, tu bổ, tôn tạo hằng năm, mà nếu thực hiện, sẽ tốn một lượng kinh phí khổng lồ. Như vậy, nếu bao gồm các hoạt động văn hóa khác, chắc chắn ngân sách sẽ không thể gánh nổi.

Chúng ta đã bàn đến hợp tác công - tư và chắc chắn sẽ có thêm nguồn kinh phí từ các cá nhân, doanh nghiệp. Tuy nhiên, tư nhân sẽ chỉ cơ bản hợp tác đối với những dự án có khả năng khai thác hoặc có lợi về kinh tế, còn lại phần lớn vẫn sẽ trông chờ kinh phí từ Nhà nước, nếu không có thêm những nguồn khác. Trong trường hợp ấy, Quỹ Văn hóa Thủ đô sẽ góp phần bổ sung một phần đáng kể, nếu chúng ta có nguyên tắc thành lập phù hợp, cơ chế huy động, quản lý và vận hành tốt để thu hút nguồn lực từ mọi tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

hoithao02.jpg
Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng Hà Nội Hoàng Tùng tham luận tại hội thảo.

PGS.TS Hoàng Tùng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng Hà Nội:
Phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng

Về một số chính sách phát triển đô thị thuộc Thủ đô, bên cạnh các mô hình phát triển đô thị đã được thực hiện trong những năm qua, Luật Thủ đô (sửa đổi) bổ sung mô hình mới là phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng. Tuy nhiên, cần bổ sung các mô hình đô thị khác, như mô hình phát triển đô thị theo hướng hành lang xanh dọc sông gắn với cảng hàng hóa, du thuyền trên sông (sông Hồng, sông Đuống, sông Đáy, sông Nhuệ).

Quy hoạch đô thị không chỉ tập trung cho các đô thị trung tâm, đô thị vệ tinh, mà còn phải hình thành mạng lưới trung tâm cụm xã tại các huyện, là các trung tâm dịch vụ tiêu dùng cấp cao, trung tâm thu gom và chế biến sản phẩm nông nghiệp, trung tâm du lịch, hỗ trợ các khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao... Phát triển đô thị không chỉ gắn với định hướng giao thông công cộng, mà còn phải gắn với các trung tâm kinh tế đặc thù: Khu công nghiệp, khu công nghệ, trung tâm tài chính; trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm công nghiệp văn hóa..., tạo thành các cụm kinh tế, cụm kinh doanh theo hướng phổ quát của thế giới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội tạo đột phá cho Thủ đô phát triển

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.