Đô thị

Phú Xuyên ra “tối hậu thư” giải phóng mặt bằng cuối tuyến đường trục phía Nam

Bạch Thanh 07/05/2025 - 14:35

Sau hơn 16 năm kể từ ngày khởi công, Dự án đường trục phát triển kinh tế phía Nam thành phố Hà Nội (trước là đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây) cơ bản hoàn thành. Tuy nhiên, đoạn cuối cùng của tuyến đường nằm trên địa bàn xã Châu Can (huyện Phú Xuyên) vẫn bị đình trệ do vướng giải phóng mặt bằng của 9 hộ dân tại thôn Cầu Giẽ.

UBND huyện Phú Xuyên vừa đưa ra “tối hậu thư”: Nếu đến ngày 15-5-2025, các hộ dân không phối hợp bàn giao mặt bằng, huyện sẽ tiến hành cưỡng chế thu hồi hơn 11.400m² đất để thi công nốt đoạn cuối tuyến. Đây là nút thắt cuối cùng cho dự án mang tính chiến lược, đáp ứng sự mong mỏi kéo dài của người dân toàn khu vực.

chau-can1.jpg
Lực lượng chức năng tham gia kiểm đếm mặt bằng tại thôn Cầu Giẽ, xã Châu Can. Ảnh: Sơn Tùng

Nút thắt cuối cùng, sự mong chờ đã quá lâu

Dự án đường trục phát triển kinh tế phía Nam có chiều dài hơn 41km, đi qua quận Hà Đông và các huyện: Thanh Oai, Ứng Hòa, Phú Xuyên... Khi hoàn thành, tuyến đường sẽ góp phần giảm tải cho quốc lộ 21B, thúc đẩy giao thương, phát triển kinh tế - xã hội khu vực cửa ngõ phía Nam Thủ đô.

Tại huyện Phú Xuyên, công tác giải phóng mặt bằng dự án này đã hoàn tất ở hầu hết các xã, kể cả những địa bàn phức tạp như Hồng Minh. Riêng 11.443m² đất thuộc thôn Cầu Giẽ, xã Châu Can - nơi giáp ranh quốc lộ 1A vẫn chưa thể bàn giao do vướng mắc trong bồi thường và hỗ trợ đối với 9 hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất công, đất thuê để xây dựng nhà xưởng.

Phần lớn diện tích này là đất do UBND xã quản lý hoặc đất thuê trả tiền hằng năm, được các hộ dựng nhà xưởng có diện tích từ gần 350m² đến hơn 3.000m². Do chưa thống nhất được phương án bồi thường và hỗ trợ, quá trình giải phóng mặt bằng kéo dài, làm chậm tiến độ hoàn thành toàn tuyến.

Theo Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Phú Xuyên Đỗ Thành Công, đơn vị đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện và UBND xã Châu Can xác minh nguồn gốc đất, đo đạc, kiểm kê tài sản gắn liền với đất, đồng thời tổ chức nhiều buổi tuyên truyền, vận động, đối thoại với các hộ dân. “Chúng tôi đã làm rõ từng trường hợp, bảo đảm quyền lợi chính đáng cho người dân, song phải tuân thủ quy định của pháp luật. Quá trình thực hiện hoàn toàn công khai, minh bạch”, ông Đỗ Thành Công nhấn mạnh.

truc-phia-nam.jpeg
Trước đó, huyện Phú Xuyên đã hoàn thành giải phóng mặt bằng tại xã Hồng Minh, địa bàn có nhiều vướng mắc, phức tạp. Ảnh: Sơn Tùng

Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Trọng Vĩnh khẳng định, chính quyền huyện và xã đã làm hết trách nhiệm trong quá trình giải phóng mặt bằng. Các cơ quan chuyên môn của UBND huyện và UBND xã Châu Can đã thực hiện đúng quy định, công khai, minh bạch, mời các hộ dân cùng giám sát. Sau nhiều buổi làm việc, vận động, đối thoại, các hộ vẫn đưa ra những đòi hỏi về quyền lợi vượt quy định, thiếu căn cứ. Điều này không chỉ gây khó khăn cho giải phóng mặt bằng, mà còn làm chậm tiến độ hoàn thành dự án để thông đường. Để không bị chậm tiến độ dự án, UBND huyện đã ra quyết định tổ chức cưỡng chế thu hồi đất vào ngày 15-5-2025 đối với các trường hợp không phối hợp. Những ngày tới, huyện tiếp tục vận động các hộ chấp hành nhận tiền bồi thường, hỗ trợ theo quy định, tránh để phải tổ chức cưỡng chế...

Trao đổi với báo chí, nhiều người dân xã Châu Can bày tỏ mong muốn dự án sớm hoàn thành. “Chúng tôi đi làm công nhân, học sinh, người dân giao thương phải đi vòng, rất bất tiện", ông Nguyễn Văn T. - người dân địa phương nói.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Vũ Văn Hữu cho biết, đây là đoạn cuối cùng tồn tại giải phóng mặt bằng. Nếu thông được đoạn này, toàn tuyến sẽ chính thức nối thông với quốc lộ 1A, phát huy trọn vẹn hiệu quả đầu tư. Huyện rất mong các hộ dân hợp tác, tránh để phải tổ chức cưỡng chế không đáng có.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phú Xuyên ra “tối hậu thư” giải phóng mặt bằng cuối tuyến đường trục phía Nam

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.