Chính trị

Hội thảo khoa học “Góp ý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)”:Cần bệ phóng cho Hà Nội tăng tốc phát triển

Hà Phong - Ảnh: Quang Thái 01/08/2023 09:53

Sau 10 năm, việc thực thi những cơ chế đặc thù trong Luật Thủ đô đã mang lại nhiều kết quả tích cực trong công tác xây dựng, phát triển, quản lý của thành phố Hà Nội. Thành phố chủ động hơn trong việc thu hút các nguồn lực để phát huy các tiềm năng, thế mạnh.

Tuy nhiên, tại hội thảo khoa học “Góp ý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)” do Đảng ủy Khối các trường đại học, cao đẳng Hà Nội, Sở Tư pháp thành phố Hà Nội phối hợp với Trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức sáng 1-8, các đại biểu đã nêu lên những vướng mắc mà chỉ riêng Hà Nội không thể giải quyết được.

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn dự hội thảo.

hoithao2.jpg
Quang cảnh hội thảo. 

Hội thảo có sự tham gia của đại diện các cơ quan, ban, ngành trung ương; đại diện Hội đồng Lý luận Trung ương; thành viên Ban Soạn thảo dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi); đội ngũ trí thức, các nhà khoa học đến từ hơn 70 đại học, trường đại học, cao đẳng và học viện trên địa bàn thành phố.

hoithao4.jpg
Các đồng chí lãnh đạo chủ trì hội thảo.

Kinh tế - xã hội Thủ đô phát triển vượt bậc

Báo cáo tóm tắt kết quả thi hành Luật Thủ đô, Bí thư Đảng ủy Khối các trường đại học, cao Đảng Hà Nội Nguyễn Thanh Sơn cho biết, sau 10 năm thi hành, các quy định của Luật Thủ đô đã giúp thành phố thiết lập các công cụ pháp lý tương đối đồng bộ cho việc xây dựng, quản lý và phát triển Thủ đô, tạo sự chuyển động tích cực trên nhiều lĩnh vực. Các cơ chế đặc thù quy định trong luật đã giúp thành phố huy động được nguồn lực, tạo bước đột phá về tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông và hạ tầng kỹ thuật khung. Kinh tế Thủ đô đạt tốc độ tăng trưởng khá. Nhiều dự án, công trình phát triển kết cấu hạ tầng giao thông - vận tải được ưu tiên đầu tư đã hoàn thành và đưa vào sử dụng góp phần nâng cao năng lực mạng lưới hạ tầng giao thông, thúc đẩy liên kết phát triển kinh tế - xã hội giữa các tỉnh, thành phố trong Vùng Thủ đô.  

hoithao11.jpg
Bí thư Đảng ủy Khối các trường Đại học, cao đẳng Hà Nội Nguyễn Thanh Sơn điều hành hội thảo.

Song dù đã có rất nhiều nỗ lực, cố gắng, vẫn còn một số nội dung của Luật Thủ đô chậm ban hành văn bản quy định chi tiết để kịp thời thực hiện thống nhất, đồng bộ, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu lực, hiệu quả thi hành luật. Điều này làm cho một số quy định của luật chậm đi vào cuộc sống; dẫn đến việc đầu tư dự án phát triển đô thị dàn trải, không theo quy hoạch và kế hoạch.

Tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Thanh Sơn đề nghị các chuyên gia, các nhà khoa học phát huy trí tuệ, sức sáng tạo trên tinh thần xây dựng, thẳng thắn tập trung thảo luận làm sáng vị trí, vai trò, tầm vóc của Thủ đô trong xây dựng và phát triển đất nước, tính đặc thù vượt trội, vượt trước trong luật để Thủ đô phát triển.

Cũng cần làm rõ, cần bổ sung những điểm nào vào luật để huy động được mọi nguồn lực của Hà Nội và cả nước, trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, thu hút sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao, phát huy tiềm lực khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, trong quy hoạch và quản lý đô thị, đầu tư hạ tầng kỹ thuật, giao thông, phát triển nông nghiệp, nông thôn, hệ thống y tế hiện đại, đảm bảo an sinh xã hội bao trùm và bền vững, bảo tồn và phát triển văn hóa, phát huy nguồn lực con người. Đây là những luận cứ khoa học xác đáng đưa thực tiễn của cuộc sống vào luật.

Đồng thời là cơ sở để các cơ quan chức năng tiếp tục nghiên cứu, từng bước hoàn thiện Luật Thủ đô, thực hiện thành công mục tiêu Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về "Phương hướng phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" là đưa Hà Nội phát triển văn hiến, văn minh, hiện đại có chất lượng cuộc sống cao ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và thế giới.

Theo đó, Thủ đô Hà Nội phải là thành phố kết nối toàn cầu, có mức sống và chất lượng cuộc sống cao, kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc, hài hòa, tiêu biểu cho cả nước, có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trên khu vực và thế giới.

Nghiên cứu mô hình "Thành phố trong thành phố"

Để các chính sách xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) bảo đảm tính khả thi cao và phù hợp thực tiễn và nhu cầu xây dựng, phát triển bền vững Thủ đô trong dài hạn, tại hội thảo, các đại biểu đã đưa ra những ý kiến trách nhiệm, tâm huyết và góp ý trực tiếp vào các chính sách nhằm hoàn thiện cơ bản dự thảo Luật.

hoithao8.jpg
Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Luật Hà Nội Chu Mạnh Hùng tham luận tại hội thảo.

Thời gian qua, các đô thị lớn ở Hà Nội đối mặt với những thách thức về môi trường, bất bình đẳng xã hội, gia tăng dân số. Trong khi đó, quá trình đô thị hóa đã đạt tới điểm bão hòa về không gian có thể phát triển sẵn có. TS Chu Mạnh Hùng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Luật Hà Nội cho rằng, vấn đề kiểm soát đô thị hóa và giải tỏa áp lực cho các đô thị trung tâm là nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội cấp bách.

“Hà Nội cần được phân quyền hơn nữa, thành lập thành phố thuộc thành phố, thúc đẩy sự ra đời và phát triển mạnh mẽ các đô thị vệ tinh (bên cạnh các đô thị trung tâm) và là nơi tập trung những yếu tố mới về kinh tế, xã hội và khoa học - công nghệ”, TS Chu Mạnh Hùng nói.

TS Chu Mạnh Hùng lý giải, thành phố thuộc thành phố sẽ có vị trí pháp lý của đơn vị hành chính cấp huyện theo quy định của Hiến pháp, Luật Tổ chức chính quyền địa phương; là điểm nhấn rất đặc biệt gắn với vị thế đặc biệt của Hà Nội. Bởi lẽ đó, tính vượt trội, đặc thù cho Hà Nội trong đó có các đô thị vệ tinh, nhất là thành phố thuộc Thủ đô cần phải được tính đến trong quy hoạch, quản lý và phát triển.

Ngoài ra, mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông TOD (Transit Oriented Development) dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đề xuất cũng là điểm đột phá. Song, cũng cần phải có sự phân biệt về khoảng cách với đô thị trung tâm Hà Nội và các đô thị khác như lý thuyết khuếch tán được áp dụng ở các thành phố lớn trên thế giới nhằm giải tỏa áp lực dân cư, phát triển kinh tế, dịch vụ và các hoạt động khác; xử lý tốt mối quan hệ “trục dọc, trục ngang” để các thành phố thuộc thành phố Hà Nội không rơi vào tình trạng đô thị vệ tinh là sự mở rộng của đô thị trung tâm như trường hợp của thành phố Thủ Đức (thành phố Hồ Chí Minh). 

Về quản lý đất đai, dẫn chứng Khoản 1 Điều 29 quy định: Nhà nước, người dân, nhà đầu tư trong các dự án phát triển đô thị, nông nghiệp công nghệ cao được chia sẻ lâu dài nguồn thu từ các dự án…, ông Nguyễn Bá Long, Viện trưởng Viện Quản lý đất đai và Phát triển nông thôn (Trường Đại học Lâm nghiệp) nhấn mạnh, đây là quan điểm rất mạnh dạn, đột phá về bảo vệ sinh kế bền vững cho người dân Thủ đô. Tuy nhiên, Ban soạn thảo cần làm rõ người dân là chủ sử dụng đất có đất bị thu hồi hay liên doanh, liên kết, hợp tác đầu tư, góp đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, cho thuê đất đối với các dự án phát triển đô thị, nông nghiệp công nghệ cao. 

Dẫn kinh nghiệm quy hoạch thủ đô các nước như: Paris (Pháp), New York (Mỹ), Singapore… đều có những công viên trung tâm rộng lớn, rừng cây trong thành phố, tạo không gian xanh tự nhiên, đa dạng sinh học trên quan điểm sinh thái cảnh quan, ông Nguyễn Bá Long gợi mở rằng Hà Nội cần nghiên cứu mô hình "đô thị nén" ở khu vực đô thị trung tâm với định hướng: “Trong thành phố có rừng”, dành tỷ lệ cho cây xanh, “vành đai xanh”, “không gian xanh”, hướng tới xây dựng “Thủ đô xanh”. Nếu triển khai, rừng Hà Nội sẽ có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc tạo môi trường cảnh quan, là vành đai, là “lá phổi xanh” bảo vệ môi trường sinh thái cho Thủ đô. Rừng Hà Nội cũng gắn liền với các di tích lịch sử văn hóa quan trọng cần được ưu tiên bảo vệ và là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm.

"Cần nghiêm cấm chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác. Thay vào đó, thành phố có chính sách hỗ trợ cho các chủ rừng thông qua chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng để bảo vệ không gian xanh ”, ông Nguyễn Bá Long nói.

PGS.TS Phạm Trọng Thuật - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội đánh giá, dự thảo Luật lần này cụ thể hơn về vấn đề xây dựng, quy hoạch, phát triển Thủ đô. Tuy nhiên, để xây dựng, quy hoạch thực sự là điểm nhấn trong phát triển bền vững cần bổ sung thêm các quy định nhằm nâng cao vai trò của cộng đồng tham gia góp ý kiến, giám sát thực hiện quy hoạch xây dựng, phát triển Thủ đô; quan tâm cải tạo, nâng cấp các khu tập thể cũ mà không làm tăng mật độ dân số.

hoithao02.jpg
Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng Hà Nội Hoàng Tùng tham luận tại hội thảo.

Cùng chung quan điểm, PGS. TS Hoàng Tùng - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng Hà Nội đề xuất, Luật Thủ đô (sửa đổi) phải bổ sung các điều khoản có tính pháp lý, tạo nền tảng, tính đặc thù vượt trội cho giai đoạn sau, thu hút tinh thần và lực lượng của toàn xã hội, phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô của một quốc gia 100 triệu dân, thành phố sáng tạo, hòa bình của thế giới, đặc biệt là hỗ trợ cho việc lập quy hoạch Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Quy định phân quyền cho UBND thành phố Hà Nội được chủ động hội nhập với các thành phố bên ngoài tạo thành một mạng lưới đô thị. Trong đó, mỗi đô thị đều là một điểm nút của các dòng chảy kinh tế, thông qua kết nối quốc lộ, đường cao tốc, đường vành đai và tuyến đường bộ, hàng không, hàng hải xuyên biên giới. Qua đó, kết nối không chỉ các đô thị trong vùng Thủ đô mà còn với các đô thị đặc biệt tại Việt Nam, thủ đô của các quốc gia Đông Nam Á, Đông Á, châu Á và thế giới.

Phát triển giáo dục - nền tảng, động lực cho Thủ đô văn minh, hiện đại

Nhấn mạnh để thực hiện tốt Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị, Hà Nội cần có những cơ chế đặc thù, mà cụ thể hóa là Luật Thủ đô (sửa đổi), trong đó, ngoài việc tuân thủ các luật liên quan, GS.TS Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng, Luật Thủ đô (sửa đổi) cần có “không gian” rộng hơn, trong đó có các điều luật về giáo dục - đào tạo thì mới thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.

hoithao9.jpg
Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội Nguyễn Văn Minh tham luận tại hội thảo.

GS.TS Nguyễn Văn Minh đề nghị cần chú trọng yếu tố “nguồn lực phát triển Hà Nội”. Giáo dục - đào tạo của Thủ đô nhất định phải có sự vượt trội, khác hoàn toàn các địa phương khác, nên cần thiết có cơ chế riêng, vượt trội hơn nữa. Đồng thời, cần quy định dứt khoát không cho xây dựng các nhà cao tầng nếu chưa đảm bảo về hạ tầng xã hội, trong đó có trường học để “ai ai cũng được học hành”. Coi giáo dục đại trà là an sinh xã hội, là ưu việt và bình đẳng xã hội. 

Riêng giáo dục mũi nhọn, cần củng cố và phát triển hệ thống trường chuyên, trường thực hành thuộc các trường đại học. Cùng đó, Hà Nội là thành phố có nhiều mối quan hệ quốc tế, có nhiều cơ quan ngoại giao đóng trên địa bàn. Hằng năm, số học sinh du học khá nhiều so với các địa phương khác. Sự liên thông của chương trình để được công nhận với khu vực và quốc tế phải được đặt ra, thay vì thuần túy liên kết với một vài trường nhỏ lẻ. Chương trình đào tạo cũng cần được chuẩn hóa từ nội dung, giảng dạy, kiểm tra, thi cử. Học sinh, sinh viên dù ở đâu, đến học tại trường dù chỉ một lớp, một học phần cũng có thể được công nhận rộng rãi trên trường quốc tế. Đây là nguồn nhân lực lớn lao, quý giá cần được Luật Thủ đô (sửa đổi) quan tâm phát huy trong sự nghiệp xây dựng, phát triển Thủ đô...

Cùng quan điểm, GS.TS, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam Nguyễn Thị Lan nhấn mạnh, nguồn lực phát triển, đặc biệt là nguồn nhân lực có chất lượng cao là ưu thế của Thủ đô, hơn mọi địa phương khác và cần được phát huy từ Luật Thủ đô (sửa đổi). 

hoithao09.jpg
PGS.TS Trần Thị Diệu Oanh - Học viện Hành Chính quốc gia tham luận tại hội thảo.

Ở góc nhìn khác, PGS.TS Trần Thị Diệu Oanh - Học viện Hành chính quốc gia cho rằng, chính sách thu hút, trọng dụng và phát triển nguồn nhân lực là một chính sách đúng đắn, cần thiết mà Hà Nội đã thực hiện nhiều năm qua nhưng chưa có hiệu quả; đề nghị bổ sung một số nội dung trong Luật Thủ đô (sửa đổi) nhằm không chỉ đào tạo, mà còn thu hút, giữ chân nhân tài.

Cũng theo PGS.TS Trần Thị Diệu Oanh, Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị xác định rõ tinh thần Hà Nội phải đi nhanh, đi trước cả nước. Vì vậy, cần phân cấp, phân quyền cho Hà Nội, đặc biệt là về biên chế. Song song đó, xây dựng chính quyền đô thị với những đột phá về mô hình; đề cao thẩm quyền, trách nhiệm của Chủ tịch UBND với tư cách là người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương trên cơ sở phân định rõ ràng trách nhiệm cá nhân và tập thể trong tổ chức và hoạt động của chính quyền đô thị. 

“Đích đến là hoạt động thông suốt nhanh và hiệu quả, giảm bớt tổ chức trung gian, hướng tới chính quyền đô thị một cấp thống nhất. Tạo cơ chế đặc thù, vượt trội cho Thủ đô chủ động, tự chịu trách nhiệm trong giải quyết công việc của thành phố như về tổ chức bộ máy, biên chế, quy hoạch, đầu tư, xây dựng, đất đai, tài chính… và tạo ra cơ chế đặc thù để huy động tối đa nguồn lực để phát triển tất cả các lĩnh vực”, PGS.TS Trần Thị Diệu Oanh bày tỏ.

Cũng tại hội thảo, các ý kiến phát biểu đều thống nhất quan điểm, dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) phải tạo cơ sở pháp lý giúp Thủ đô tháo gỡ được các khó khăn, vướng mắc, giải quyết được những hạn chế, bất cập hiện nay, trước hết là cơ chế, chính sách tài chính để đầu tư phát triển hạ tầng, xử lý tăng dân số cơ học, ô nhiễm môi trường, di dời các cơ sở y tế, giáo dục ra khỏi nội đô, cải tạo chung cư cũ, các dự án tồn đọng...

Các đề xuất phải thực tiễn, khả thi, giúp Hà Nội phát triển trong trung hạn, dài hạn

Ghi nhận những ý kiến góp ý tâm huyết và trách nhiệm của các chuyên gia, nhà khoa học, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong khẳng định, các ý kiến tham luận, góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học sẽ được thành phố Hà Nội, Ban Soạn thảo, các cơ quan chức năng xem xét, nghiên cứu nhằm bổ sung các luận cứ khoa học, kịp thời hoàn thiện dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) trình các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

hoithao10(1).jpg
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong phát biểu tại hội thảo.

Theo đồng chí Nguyễn Văn Phong, phát triển Thủ đô không phải trách nhiệm của riêng Thủ đô mà còn là trách nhiệm của cả nước. Luật Thủ đô (sửa đổi) phải giúp Hà Nội giải quyết được những hạn chế, bất cập hiện nay, trước hết là cơ chế, chính sách tài chính để đầu tư phát triển hạ tầng, xử lý ô nhiễm môi trường, di dời các cơ sở y tế, giáo dục ra khỏi nội đô, cải tạo chung cư cũ.

Từ nay đến khi Quốc hội thông qua dự thảo Luật, đồng chí Nguyễn Văn Phong chỉ đạo Đảng ủy Khối các trường đại học, cao đẳng Hà Nội tiếp tục tổ chức các hội thảo lĩnh hội các ý kiến góp ý trách nhiệm của các chuyên gia, nhà khoa học, về 3 nhiệm vụ quan trọng hàng đầu đang được triển khai cùng lúc là lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội và xây dựng dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).

hoithao12.jpg
Các đại biểu dự Hội thảo khoa học góp ý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).

Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong đề nghị, các đề xuất đưa ra phải thực tiễn, khả thi giúp Hà Nội phát triển trong trung hạn, dài hạn, trở thành đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch đẹp, an ninh an toàn xứng với truyền thống, mục tiêu là văn hiến, văn minh, hiện đại, phát triển nhanh và bền vững, có sức lan tỏa để thúc đẩy vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước cùng phát triển. 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hội thảo khoa học “Góp ý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)”: Cần bệ phóng cho Hà Nội tăng tốc phát triển

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.