(HNMCT) - Mới đây, trên facebook cá nhân, đạo diễn, NSND Nguyễn Thanh Vân đã cung cấp một thông tin buồn. Ông đăng tải hình ảnh kho lưu trữ phim của Hãng phim truyện Việt Nam trong tình trạng không thể tệ hơn. Cơ sở vật chất xuống cấp, máy lạnh hỏng, hầu hết các phim đều mốc xanh mốc đỏ.
Ông viết: “Tôi vừa “được” vào xem kho lưu trữ phim của Hãng phim truyện Việt Nam. Tất cả các phim do Hãng sản xuất từ ngày đầu tiên của Điện ảnh Cách mạng Việt Nam (1959) đều nằm ở đây. Khoảng hơn 300 phim, bắt đầu từ phim “Chung một dòng sông”. Và hệ lụy “tiếp quản” của Công ty Vận tải thủy (VIVASO) trong quá trình cổ phần hóa, được Thanh tra Chính phủ ra quyết định là sai trái từ 4 - 5 năm trước, là đây. Đến ngày hôm nay, mọi việc vẫn y nguyên, vẫn nằm trong các “văn bản”. Chỉ có những thước phim quý giá được trả bằng máu, mồ hôi và nước mắt của bao thế hệ, đồng hành với chiều dài của một phần lịch sử bi tráng của dân tộc, đang trở thành những đống nhựa dính bết, mất khả năng sử dụng, vô tri vô giác. Đơn giản là họ (VIVASO) không hiểu việc bảo quản phim khác với việc bảo quản tàu thủy như thế nào. Họ đã không duy trì các chế độ bảo dưỡng thông lệ, máy lạnh kho phim đã hỏng hàng tháng trời, họ buông trôi...”.
Việc cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam đã được báo chí nói đến rất nhiều và xin không nhắc lại ở đây. Nhưng rõ ràng, nhìn hình ảnh những hộp đựng phim mốc meo, bết dính... những người yêu điện ảnh Việt, quan tâm đến Hãng phim truyện Việt Nam không khỏi xót xa.
Ở phần bình luận về thông tin mà NSND Nguyễn Thanh Vân nêu ra, rất nhiều gương mặt nổi tiếng của điện ảnh Việt Nam, các diễn viên, đạo diễn... đã bày tỏ sự bức xúc. Nhiều người cùng chung quan điểm rằng, đối xử với di sản điện ảnh như vậy là tội ác! Có thể nhiều phim trong số này đã được số hóa để lưu trữ, xong những bản phim nhựa vẫn là một phần không thể thiếu khi nói tới lịch sử điện ảnh nước nhà. Bất kể là ai, là tổ chức nào thì khi tiếp quản Hãng phim truyện Việt Nam cũng đều phải có trách nhiệm gìn giữ di sản này. Đây không chỉ là tài sản của doanh nghiệp, mà còn là di sản của điện ảnh cách mạng Việt Nam!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.