Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cà phê cuối tuần: Hãy hiểu đặc thù nghề nghiệp

Song Nhật| 16/03/2023 10:45

(HNMCT) - Tuần qua, đề xuất xin “chuyển đổi”, xác định tính tương đương giữa danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân với học vị Tiến sĩ của Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội khiến dư luận dậy sóng với nhiều ý kiến trái chiều.

Theo Nhà giáo nhân dân Nguyễn Đình Thi - Hiệu trưởng Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, sở dĩ có đề xuất này là bởi theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, mỗi ngành học phải có đủ 5 tiến sĩ là giảng viên cơ hữu, quy định này gây khó khăn cho các trường đào tạo nghệ thuật bởi yêu cầu đặc thù của ngành học. Vì vậy, cách đây hơn 1 năm, khi cùng với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng Dự thảo Nghị định quy định về công tác đào tạo chuyên sâu đặc thù, để áp dụng cho khối văn hóa nghệ thuật nói chung, nhà trường đã đề xuất tính Nghệ sĩ nhân dân tham gia giảng dạy trong nhà trường tương đương với Tiến sĩ để đảm bảo được yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trong buổi làm việc cùng Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội vào ngày 6-3, nhà trường đã nêu lại kiến nghị này. Việc đề xuất này hoàn toàn không có nghĩa Nghệ sĩ Nhân dân được hưởng các chế độ như một Tiến sĩ.

Dù đề xuất này có lý bởi tính đặc thù của ngành đào tạo, song học vị Tiến sĩ với danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú là hai loại tiêu chuẩn khác nhau, không áp dụng “chuyển đổi” thay cho nhau được. Do vậy, dễ hiểu là về đề xuất này, có nhiều ý kiến trái chiều, đặc biệt là những bình luận mang tính chỉ trích trên mạng xã hội. Là một giảng viên thỉnh giảng của Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội trong 30 năm qua, đạo diễn, Nghệ sĩ nhân dân Khải Hưng chia sẻ rằng ông cảm thấy bị tổn thương. Ông cho rằng: “Tôi đang dạy nghề vì nhà trường cần, sinh viên cần. Các tiến sĩ cứ việc dạy lý luận, phê bình... Bộ thấy không phù hợp với thực tế thì phải tự thay đổi cái quy chuẩn mà Bộ đặt ra chứ, tại sao lại phải “chuyển đổi” chúng tôi?”.

Rõ ràng, cả đề xuất và tâm trạng của nghệ sĩ đều cho thấy một thực tế: Nghệ thuật là một ngành đào tạo đặc thù, kinh nghiệm sáng tác, đào tạo kiểu truyền nghề “cầm tay chỉ việc” quan trọng không kém đào tạo lý luận, cần phải có những quy định phù hợp với tính đặc thù chứ không phải “gọt chân cho vừa giày”. Và, mọi người cũng không nên chỉ “thoạt nghe đề xuất” đã dùng những từ nặng nề để đánh giá trình độ của nghệ sĩ bởi dù sao, đây cũng chỉ là ý tưởng nhằm gỡ rối cho bài toán từ quy định đến thực tế của một ngành hết sức đặc thù.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cà phê cuối tuần: Hãy hiểu đặc thù nghề nghiệp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.