(HNMCT) - Nghề nào cũng vậy, phía sau sự thành công bao giờ cũng là những giọt mồ hôi, thậm chí cả máu và nước mắt. Với nghệ sĩ, chia sẻ những điều phía sau cánh gà để công chúng hiểu mình hơn, đồng cảm và tiếp thêm động lực cho mình là việc rất nên làm. Song, nếu việc đó bị đẩy quá đi sẽ thành kể lể kém duyên, thậm chí gây phản cảm.
Mới đây, khi tham dự sự kiện giới thiệu kế hoạch làm phim về cuộc đời ca hát của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, Trấn Thành đã khóc nức nở ngay trên sân khấu và nói: “Đời nghệ sĩ khó nuốt hơn quý vị nghĩ rất nhiều. Có rất nhiều thăng trầm. Hãy nếm bốn chữ "hào quang rực rỡ" đi rồi biết nó là cái gì”. Hành động của nam MC, diễn viên kiêm đạo diễn đang nổi này một lần nữa lại khiến mạng xã hội dậy sóng. Bên cạnh những lời bình luận thể hiện sự cảm thông thì cũng có không ít người cho rằng anh “làm quá”. Những gì mà anh đang có hiện nay, như tiền bạc, danh tiếng, đều là thứ đáng để người ta mơ ước, trong khi đó, sự hy sinh về nghệ thuật của anh, ngẫm lại, cũng chưa có câu chuyện nào thực sự truyền cảm hứng, cho thấy nỗ lực phi thường...
So với các nghệ sĩ ở thế hệ trước, các nghệ sĩ trẻ hiện nay dễ dàng chạm đến sự nổi tiếng, hào quang trong nghề hơn nhiều. Ngoài tài năng, họ được sự hậu thuẫn rất lớn của mạng xã hội, của truyền thông, nhiều người trở thành sao chỉ sau một đêm, có người nổi tiếng chỉ nhờ vài gameshow, thậm chí thông qua việc tạo scandal trên mạng... Nên đôi khi, chỉ một chút vất vả trong nghề nghiệp là họ đã cho rằng mình hy sinh vì nghệ thuật. Chính Nghệ sĩ Ưu tú Thành Lộc từng lên tiếng về việc này, đại ý anh cho rằng một cô diễn viên đội bộ tóc giả suốt bốn mươi mấy tiếng để quay phim, đóng phim ăn một cái tát... cũng cho là mình hy sinh vì nghệ thuật thì là nói quá! Theo anh, đã chấp nhận, đã xem đó là cái nghề, là công việc thì đừng kể khổ với khán giả bởi anh đâu có làm không công. Đây cũng là quan điểm của nhiều khán giả khi họ nhắn nhủ Trấn Thành.
Nhớ lại những nghệ sĩ thế hệ trước hoạt động nghệ thuật vô cùng khó khăn, thậm chí phải vào sinh ra tử, hành quân ngày đêm đi diễn phục vụ đồng bào, nhưng khi được hỏi, họ luôn cho rằng được sống với đam mê, được biểu diễn trước khán giả đã là hạnh phúc. Mới thấy, trong gian khổ, người ta thường nhìn đúng hơn về giá trị của hạnh phúc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.