(HNMCT) - Thời gian gần đây, thông tin về một số bộ phim Việt bị thua lỗ nặng nề, thậm chí số tiền bán vé chưa bằng 1% kinh phí sản xuất, bị chỉ trích “thảm họa” về nội dung khiến người xem không khỏi chua xót. Nếu như những bộ phim ấy không ra rạp, có lẽ sẽ hay hơn...
Chẳng hạn, bộ phim “Virus cuồng loạn” chỉ thu được 90 triệu đồng sau tuần công chiếu đầu tiên, một con số quá ít ỏi so với kinh phí sản xuất lên tới gần 8 tỷ đồng. Đây là mức doanh thu thuộc hàng thấp nhất trong lịch sử phim chiếu rạp Việt và chất lượng phim cũng dở ở mức đáng báo động. Đa số người xem đều đánh giá đây không xứng đáng được gọi là bộ phim bởi cốt truyện lỏng lẻo đến ngờ nghệch, tình tiết thì hời hợt, chắp vá, cách làm phim cẩu thả... đến mức bị coi là thảm họa. Thậm chí có tờ báo còn bình luận: “Bỏ tiền xem phim này là coi rẻ sức lao động của bản thân”.
Bên cạnh đó, một số phim như “Mưu kế thượng lưu”, “Cù lao xác sống”, “Duyên ma”... cũng bị đánh giá là dù có nội dung tệ, chất lượng hình ảnh, âm thanh rất dở, không đủ chất lượng chiếu rạp nhưng vẫn ra rạp. Đây hoặc là những "phim tốt nghiệp", hoặc là những phim vốn được làm để chiếu trên ứng dụng trực tuyến nhưng cuối cùng lại có bản chiếu rạp. Chính điều này đã khiến người xem ngao ngán. Họ không chỉ đánh giá riêng đội ngũ sản xuất phim đó mà còn mất luôn niềm tin vào phim Việt - điều mà rất lâu sau thời kỳ của những bộ phim “mỳ ăn liền” chúng ta mới lấy lại được.
Mỗi nhà làm phim phải chịu trách nhiệm với tác phẩm của mình và cả với người xem. Có nhà làm phim đứng lên từ vấp váp, thất bại, nhưng cũng có những người khi phim bị đánh giá “thảm họa” đã mất hết niềm tin để theo đuổi nghề nghiệp. Người xem cũng vậy, cũng có người chỉ vì một trải nghiệm tồi tệ với bộ phim mà không bao giờ muốn quay trở lại rạp. Cái mất ấy lớn hơn cả việc vớt vát vài đồng doanh thu. Vì vậy, trước khi quyết định cho phim ra rạp, hãy làm cho bộ phim chỉn chu nhất, tốt nhất có thể. Bên cạnh đó, nhà làm phim cũng cần dũng cảm “cất kho” những tác phẩm chưa ra hình hài hoặc quá kém về chất lượng, còn hơn nhắm mắt nhắm mũi đưa phim ra rạp để rồi cả người thực hiện lẫn người xem đều phải tiếc: Giá mà phim ấy không ra rạp!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.