(HNMCT) - Là một công trình kiến trúc có lịch sử hơn 100 năm, Bưu điện Trung tâm thành phố Hồ Chí Minh là một điểm đến hấp dẫn dành cho du khách cũng như người dân thành phố.
Gương mặt đô thị ấn tượng
Tòa nhà Bưu điện Trung tâm thành phố Hồ Chí Minh có địa chỉ tại số 2 Công trường Công xã Paris (quận 1), kế bên Nhà thờ Đức Bà và là một trong những công trình tiêu biểu của Sài Gòn - thành phố Hồ Chí Minh. Đây là công trình có ý nghĩa lịch sử và ghi dấu ấn trong quá trình phát triển Sài Gòn trước đây theo hình thái đô thị hiện đại châu Âu. Cùng với các công trình khác như: Nhà thờ Đức Bà, trụ sở UBND thành phố Hồ Chí Minh, bến Nhà Rồng, chợ Bến Thành..., Bưu điện Trung tâm thành phố Hồ Chí Minh là một gương mặt tiêu biểu của kiến trúc đô thị và là một điểm tham quan thu hút khách du lịch.
Công trình Bưu điện Trung tâm thành phố Hồ Chí Minh được xây dựng từ năm 1886 đến năm 1891 theo đồ án thiết kế của kiến trúc sư Villedieu cùng phụ tá Foulhoux. Đó là một công trình đặc biệt về công năng và hình ảnh đô thị, gắn liền với sự phát triển của đô thị này.
Công trình mang phong cách kiến trúc cổ điển châu Âu kết hợp với nét trang trí châu Á. Tòa nhà có bố cục đăng đối với hai khối bên 2 tầng, khối giữa 3 tầng, mái dốc lợp ngói. Trên mặt đứng có nhiều ô cửa cuốn vòm trang trí khá cầu kỳ. Lối vào là một vòm cuốn lớn với mái sảnh bằng sắt. Trên mái sảnh có một chiếc đồng hồ tròn và tấm biển ghi năm xây dựng công trình: 1886 - 1891. Giữa các cửa sổ tầng trệt có các ô trang trí hình chữ nhật. Màu sắc nguyên thủy của tòa nhà là màu vàng đất nhạt, kết hợp với những đường gờ và phù điêu màu trắng cùng các ô cửa lá sách màu xanh lá. Màu sắc và kiến trúc của công trình hòa hợp với cảnh quan xung quanh, tạo thành một điểm nhấn trong không gian đô thị.
Nội thất không gian giao dịch tòa Bưu điện Trung tâm gây ấn tượng với những hàng cột thép trang trí chi tiết tinh xảo cùng hệ vòm mái khung thép. Hệ vòm mái này tạo nên những ô cửa sổ lấy sáng ở đỉnh tường trên cao và từ mái. Đặc biệt, ở đây còn lưu giữ hai tấm bản đồ lịch sử là Saigon et ses environs, 1892 (Sài Gòn và vùng phụ cận, 1892) và Lignes télégraphiques du Sud Vietnam et du Cambodge, 1936 (Bản đồ đường dây điện tín của miền Nam Việt Nam và Campuchia, 1936).
Điểm hẹn của người yêu thành phố
Bưu điện Trung tâm thành phố Hồ Chí Minh có một vị trí đẹp trên Công trường Công xã Paris. Phía trước công trình là một khoảng sân rộng hướng ra vườn hoa phía Nhà thờ Đức Bà. Xung quanh đó là những công trình văn hóa, không gian đô thị có sự kết nối với Nhà thờ Đức Bà, Công viên 30-4, Đường sách Nguyễn Văn Bình. Nếu như Nhà thờ Đức Bà là chốn thâm nghiêm thì Bưu điện Trung tâm lại là không gian mở, không chỉ du khách mà người dân sở tại cũng thích tới đây.
Bên trong công trình, ngoài không gian nội thất ấn tượng còn có một điều đặc biệt khác, đó là người viết thư tay thuê cuối cùng ở Việt Nam - cụ Dương Văn Ngộ, 90 tuổi, người có hơn 70 năm gắn bó với ngành Bưu điện và tòa Bưu điện Trung tâm. Năm 1990, cụ nghỉ hưu và xin lãnh đạo Bưu điện cho phép được ngồi ở một góc sảnh để viết và dịch thư thuê. Khách hàng của cụ là những người nghèo không biết chữ, người cần viết thư cho người nước ngoài, hay người không biết ngoại ngữ. Cụ có thể sử dụng thành thạo tiếng Pháp và tiếng Anh, và luôn mang theo cuốn từ điển cùng chiếc kính lúp. Hàng ngàn lá thư cụ viết đã tỏa đi khắp thế giới với nhiều câu chuyện cảm động về tình người suốt 30 năm qua. Sự có mặt của cụ ở Bưu điện Trung tâm gợi sự tương đồng với nét cổ kính của tòa nhà nhưng tương phản với cuộc sống đô thị hiện đại và công nghệ bưu điện đã có bước tiến rất xa. Với nét chữ của mình, cụ đã kết nối biết bao nhiêu con người trên thế giới.
Anh Trần Minh Thông, một người dân ở thành phố Hồ Chí Minh đến Bưu điện để chụp ảnh cưới cho biết: “Chúng tôi chọn Nhà thờ Đức Bà và Bưu điện Trung tâm để chụp ảnh cưới bởi đây là một không gian rất đẹp. Chúng tôi đã đến nơi này nhiều lần nhưng vẫn luôn cảm thấy thú vị”. Còn chị Nguyễn Khánh Linh, du khách từ Hà Nội tới, chia sẻ: “Là người yêu thích sưu tầm tem, tôi đã tới đây để mua tem làm kỷ niệm. Tôi rất ấn tượng với công trình này và đã ở đây rất lâu để nhìn ngắm, chụp ảnh. Đây quả là một điểm đến thú vị!”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.