Theo dõi Báo Hànộimới trên

Buôn lậu và gian lận thương mại vì sao vẫn tăng?

Thùy Linh| 12/03/2014 06:55

(HNM) - Dù các cơ quan chức năng ở TP Hồ Chí Minh luôn tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát nhưng tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất kinh doanh hàng giả… thời gian gần đây vẫn tiếp tục gia tăng và diễn biến phức tạp.


Nhập lậu bằng… container

Hàng lậu, hàng giả với đủ các loại từ rượu, bia, quần áo, mỹ phẩm, phụ tùng ô tô, hàng gia dụng, thiết bị y tế, dụng cụ thể thao… và có mặt rộng khắp. Theo Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) thành phố, các loại hàng này chủ yếu xuất xứ từ Trung Quốc, được vận chuyển bằng đường bộ từ các tỉnh phía Bắc vào.

Lực lượng quản lý thị trường kiểm kê hàng hóa trong vụ 10 container nhập lậu qua đường chính ngạch.



Ông Nguyễn Văn Bách, Phó Chi cục QLTT TP Hồ Chí Minh cho biết, tình hình vận chuyển, buôn bán hàng lậu, hàng giả, hàng cấm trên địa bàn vẫn đang có chiều hướng gia tăng, trong đó tăng mạnh nhất là thuốc lá ngoại nhập lậu. Năm 2013, QLTT thành phố đã phát hiện 524 vụ vận chuyển thuốc lá lậu, tịch thu hơn 333.000 bao, tăng gấp đôi so với năm 2012. Đặc biệt, thời gian qua xuất hiện nhiều vụ buôn lậu "khủng" với nhiều container ngang nhiên nhập cảng. Điển hình như vụ ngày 30-12-2013, 10 xe đầu kéo mang rơ moóc chở 10 container loại 40 feet vận chuyển hàng hóa nhập khẩu qua Cảng Sài Gòn khu vực 3. Tại thời điểm kiểm tra (khi xe đang dừng tại khu vực đỗ xe ở đường Bến Nghé, phường Tân Thuận Đông, quận 7) chủ hàng vắng mặt và người điều khiển xe không xuất trình được giấy tờ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa. 10 container trên có tổng giá trị hàng hóa lên đến gần 38,2 tỷ đồng với hơn 6,5 triệu sản phẩm các loại. Đặc biệt trong 10 container này có một số mặt hàng có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu, giả mạo xuất xứ Việt Nam hoặc nhập bao bì để sản xuất hàng giả như: Bao bì dầu gió xanh, ổ khóa… và nhiều thùng hóa chất không nhãn, không rõ thành phần. Hiện chủ hàng đã bỏ trốn và hồ sơ tang vật đang được chuyển sang Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ - Công an TP Hồ Chí Minh để tiếp tục làm rõ và xử lý theo pháp luật.

Nhiều thương nhân nước ngoài gian lận

Ông Nguyễn Ngọc Khánh Hùng, Đội trưởng Đội QLTT 12B cho biết, gần đây còn xuất hiện thủ đoạn thương nhân nước ngoài tổ chức hoạt động thương mại trái phép tại Việt Nam bằng các thủ đoạn như: Thuê, mượn người Việt Nam đứng ra thành lập doanh nghiệp nhưng thực chất về vốn, phương tiện, hàng hóa đều là của thương nhân nước ngoài và họ trực tiếp điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh. Các thương nhân này còn thuê nhà xưởng, kho bãi của các doanh nghiệp Việt Nam và núp bóng doanh nghiệp cho thuê để trực tiếp tổ chức sản xuất kinh doanh; lợi dụng danh nghĩa các văn phòng đại diện, chi nhánh doanh nghiệp nước ngoài không được phép kinh doanh tại Việt Nam để sản xuất kinh doanh thu lợi nhuận và trốn thuế.

Điển hình là vụ Công ty TNHH DIN SEN Việt Nam (quận 12) có hành vi tiêu thụ trái phép hàng hóa, nguyên liệu tạm nhập khẩu để gia công hàng may mặc cho nước ngoài. QLTT 12B đã phạt tiền 45 triệu đồng, tịch thu gần 1,8 tỷ đồng thu lợi từ hành vi vi phạm. Đội QLTT này cũng phát hiện ông Zu Zhu Li (quốc tịch Trung Quốc) tổ chức sản xuất tái chế vải vụn trái phép, phạt tiền 25 triệu đồng; tịch thu sung công quỹ nhà nước hơn 320 tấn nguyên liệu, sản phẩm đã tái chế và 114 máy móc, phương tiện vi phạm với tổng giá trị hơn 1,2 tỷ đồng. Trong năm 2013, QLTT 12B đã phát hiện và xử lý 3 thương nhân nước ngoài có hành vi hoạt động thương mại trái phép tại Việt Nam, phạt tiền 82 triệu đồng; tịch thu hàng hóa, phương tiện vi phạm gần 2 tỷ đồng; xử lý 18 tổ chức, cá nhân có hành vi tiêu thụ trái phép hàng hóa, nguyên liệu tại thị trường Việt Nam.

Trong khi diễn biến thị trường hàng hóa, thương mại ngày càng phức tạp thì vẫn còn những khó khăn bất cập khiến lực lượng QLTT vẫn chưa thực hiện tốt chức năng kiểm soát của mình. Theo ông Đinh Mạnh Tân, Đội trưởng Đội QLTT 2A, cụ thể như Thông tư liên tịch số 60/2011/TTLT-BTC - BCT - BCA có quy định "Hàng hóa nhập khẩu mua lại của các tổ chức, cá nhân khác để kinh doanh chỉ cần có hóa đơn bán hàng của bên bán và có thể xuất trình hóa đơn của lô hàng trong vòng 72 giờ" đã tạo ra kẽ hở để các đối tượng buôn lậu hợp thức hóa hàng nhập lậu. Ông Tân cũng kiến nghị sớm hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, sửa đổi bổ sung những điều khoản không phù hợp để các đối tượng buôn lậu, làm hàng giả không còn kẽ hở lợi dụng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Buôn lậu và gian lận thương mại vì sao vẫn tăng?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.