(HNM) - Tòa Gia đình và Người chưa thành niên ra đời được đánh giá là một dấu ấn của tiến trình cải cách tư pháp. Đây cũng là cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc bảo đảm quyền trẻ em, đặc biệt là quyền trẻ em trong hoạt động tư pháp, thông qua việc xây dựng một hệ thống tư pháp trẻ em toàn diện.
Quyền trẻ em sẽ được bảo đảm với sự ra đời, hoạt động của Tòa Gia đình và Người chưa thành niên. Ảnh: Anh Tuấn |
Luật sư Phạm Thị Hồng (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), người có kinh nghiệm trong việc bảo vệ quyền lợi pháp lý cho trẻ em cho biết, Tòa Gia đình và Người chưa thành niên là mong muốn từ rất lâu của những người hoạt động trong lĩnh vực tư pháp có liên quan đến trẻ em cũng như bảo vệ trẻ em. Cách đây 5 năm, luật sư Hồng tham gia một vụ án về trẻ em, trong đó một trẻ 14 tuổi 1 tháng hiếp dâm một trẻ 3 tuổi. Kiểm sát viên vụ việc này cho rằng, đây là hành vi rất nguy hiểm cho xã hội nên đề nghị xử phạt thật nặng, từ 9 đến 11 năm tù. Luật sư Hồng chứng minh rằng đây chỉ là sự bắt chước, làm theo phim ảnh mà đứa trẻ vô tình đã được xem.
Vì về sinh lý, đứa trẻ này còn nhỏ, chưa ở vào giai đoạn phát triển nên hành vi này không xuất phát từ nhu cầu, mong muốn. Tòa đã nghị án rất lâu và quyết định tuyên phạt 4 năm tù, như vậy là xứng đáng và có tác dụng răn đe. Luật sư Hồng cho rằng, xét xử các vụ án liên quan đến trẻ em phải nắm vững tâm sinh lý trẻ, đây cũng chính là tính chuyên nghiệp của Tòa Gia đình và Người chưa thành niên, hướng tới bảo vệ quyền lợi trẻ em hiệu quả hơn, vì sự phát triển thể chất và tinh thần trẻ em. Trong các vụ xử ly hôn cũng vậy, luật sư và kiểm sát viên phải có kiến thức chuyên sâu, phải hiểu biết về các vấn đề gia đình, hiểu tâm sinh lý để bảo vệ quyền lợi trẻ em. Sự ra đời của Tòa Gia đình và Người chưa thành niên là rất cần thiết đáp ứng yêu cầu thực tế, đồng thời đòi hỏi tòa án, cán bộ, nhân viên phải chuyên nghiệp hơn.
Vừa qua, lần đầu tiên tại TP Hồ Chí Minh, TAND Tối cao đã ra mắt Tòa án Gia đình và Người chưa thành niên. Phó Thủ tướng Chính phủ, nguyên Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình khẳng định, sự ra đời Tòa Gia đình và Người chưa thành niên là dấu ấn, là bước đi cụ thể nhằm triển khai hiệu quả các quan điểm, chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước về bảo vệ, phát triển gia đình Việt Nam; bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em nói chung và xử lý người chưa thành niên vi phạm pháp luật nói riêng. Thành lập Tòa Gia đình và Người chưa thành niên chứng minh cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong bảo đảm quyền trẻ em, thông qua việc xây dựng một hệ thống tư pháp trẻ em toàn diện mà Tòa Gia đình và Người chưa thành niên là trung tâm, với sự tham gia, phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, tổ chức có liên quan.
Đây cũng là phương thức để cụ thể hóa quy định tại Khoản 3, Điều 103 của Hiến pháp năm 2013. Thực tiễn công tác xét xử cho thấy, các vụ việc liên quan đến gia đình, người chưa thành niên có những đặc thù riêng. Khi giải quyết các vụ việc ở lĩnh vực này, bên cạnh yêu cầu phải tuân thủ các quy định của pháp luật, phải chú ý đến yếu tố tâm lý, tình cảm, đạo đức, truyền thống của dân tộc. Đơn cử như trong vụ việc hôn nhân và gia đình, các bên vẫn ràng buộc với nhau về trách nhiệm đối với con chung, về đạo đức truyền thống và có thể kéo dài suốt cuộc đời họ.
Việc giải quyết các vấn đề gia đình có ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống tâm lý của từng thành viên trong gia đình, có tác động mạnh đến sự phát triển của trẻ. Bởi vậy, nếu giải quyết tốt các vấn đề thuộc quan hệ gia đình, nâng cao ý thức và trách nhiệm của các thành viên trong gia đình đối với việc chăm sóc, giáo dục con cái sẽ góp phần hạn chế, ngăn ngừa trẻ em vi phạm pháp luật, tạo môi trường lành mạnh để trẻ em phát triển thể chất và nhân cách; đồng thời, góp phần vào sự ổn định chung của toàn xã hội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.