(HNM) - Sau hai ngày làm việc, Hội nghị Thượng đỉnh nhóm 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) lần thứ 42 tại thành phố Ise Shima, miền Trung Nhật Bản đã kết thúc với thành công tốt đẹp.
Tuyên bố chung Ise Shima thể hiện sự nhất trí cao trong hàng loạt vấn đề nổi cộm của toàn cầu cũng như trong khu vực như phát triển kinh tế, tranh chấp lãnh thổ, cuộc chiến chống khủng bố, biến đổi khí hậu, bình đẳng giới và phòng chống dịch bệnh…
Các nhà lãnh đạo tại Hội nghị Thượng đỉnh G7, thành phố Ise Shima (Nhật Bản). |
Tham dự Hội nghị có nguyên thủ của 7 nước gồm: Nhật Bản, Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Italia, Canada cùng Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Donald Tusk và Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean Claude Juncker. Diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu vẫn còn nhiều mảng tối như các nền kinh tế đang nổi gặp khó khăn, giá dầu lao dốc, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm, vì thế, kinh tế vẫn là trọng tâm của Hội nghị. Sau hai ngày thảo luận, các nhà lãnh đạo G7 nhất trí cao về trách nhiệm của khối là tiếp tục đóng vai trò chủ đạo của nền kinh tế thế giới; đồng thời cần tăng cường liên kết nhằm thực hiện linh hoạt các chiến lược tài chính, xúc tiến mạnh mẽ các chính sách cải cách kinh tế.
Tuyên bố kết thúc G7 nêu rõ: "Tăng trưởng toàn cầu vẫn khiêm tốn và không đúng với tiềm năng, trong khi các nguy cơ tăng trưởng yếu vẫn tồn tại. Vì vậy, tăng trưởng toàn cầu là ưu tiên khẩn cấp". Các nhà lãnh đạo cũng cam kết tránh phá giá đồng nội tệ để tạo sự cạnh tranh khi cảnh báo không áp dụng các biện pháp tỷ giá thiếu cân nhắc. Dù Hội nghị lần này đưa ra một biện pháp cân bằng giữa kích thích tài chính, tiền tệ và cải cách cơ cấu nền kinh tế - một công thức không khác nhiều so với biện pháp từng được G7 đưa ra từ các cuộc họp trước - nhưng thị trường tài chính kỳ vọng sẽ hồi phục khi các cường quốc kinh tế cùng cam kết thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu vốn đang chững lại.
Bên cạnh đó, căng thẳng trên Biển Đông và biển Hoa Đông là một chủ đề "nóng" bao trùm lên chương trình nghị sự của Hội nghị. Trong khuôn khổ G7 lần thứ 42, Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng về chủ đề "Ổn định và Thịnh vượng tại Châu Á" đã lần đầu tiên nêu vấn đề xây dựng "Vùng biển tự do và ổn định".
Tuyên bố chung của Hội nghị Thượng đỉnh G7 nêu rõ rằng, các nước G7 đã nhất trí sẽ thực hiện các biện pháp liên quan tới trật tự hàng hải dựa trên các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, được phản ánh cụ thể trong Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, tôn trọng tự do hàng hải, tự do không phận, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình. Như thế đủ thấy, vấn đề Biển Đông hiện không chỉ còn là tranh chấp lãnh thổ song phương hoặc giữa một vài nước trong khu vực mà đã trở thành mối quan tâm an ninh toàn cầu. Thậm chí Biển Đông đã trở thành vấn đề có ảnh hưởng đến nền quản trị toàn cầu. Do đó, Hội nghị Thượng đỉnh G7 năm nay đã quan tâm tới Biển Đông chủ yếu từ góc độ quản trị toàn cầu.
Đặc biệt nội dung tuyên bố mà G7 vừa đưa ra cho thấy rõ các nền kinh tế hàng đầu thế giới muốn xử lý vấn đề này một cách hòa bình thông qua tôn trọng luật pháp quốc tế, không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực và tôn trọng những quyền lợi chính đáng của các nước xung quanh. Qua đó có thể thấy, xây dựng và duy trì an ninh, hòa bình, ổn định trên Biển Đông dựa trên luật pháp quốc tế là mục tiêu, chiến lược và có ý nghĩa quan trọng với sự phát triển và thịnh vượng của không chỉ khu vực mà còn trên phạm vi toàn thế giới.
Lần đầu tiên được tổ chức tại Châu Á trong vòng 8 năm qua, Hội nghị Thượng đỉnh G7 lần thứ 42 được đánh giá là cơ hội để Nhật Bản làm rõ vai trò cũng như những thách thức với khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Thế nên, G7 mở rộng Nhật Bản đã mời nhiều nước Châu Á trong đó có Việt Nam, Lào, Indonesia tham dự. Đặc biệt các vấn đề của Châu Á cũng đã được đưa vào nhiều hơn: Từ vấn đề kinh tế Trung Quốc đến những tranh chấp trên Biển Đông cũng như biển Hoa Đông. Do vậy, có thể nói rằng nội hàm về Châu Á, vai trò của Châu Á đã được đề cập rất nổi bật. Nhật Bản đã không bỏ lỡ cơ hội Chủ tịch đương nhiệm của G7 để tìm kiếm sự ủng hộ của các thành viên trong nhóm này nói riêng và thế giới nói chung về các cách thức hiệu quả để giúp Châu Á phát triển một cách bền vững và hòa bình. Đây là một bước tiến lịch sử của G7 khi lần đầu tiên các cường quốc hướng về Châu Á với mối quan tâm sâu sắc như vậy.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.