(HNMO) - Được thực hiện thí điểm từ năm 2005, đến nay đã có đủ cơ sở để khẳng định việc triển khai bệnh viện vệ tinh là một chủ trương cần thiết, đúng đắn.
Cụ thể và hiệu quả rõ nhất là chất lượng khám, chữa bệnh của các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện tham gia đề án đã được nâng lên rõ rệt. Nhiều ca bệnh khó đòi hỏi chuyên môn cao đã được xử lý ngay tại tuyến y tế cơ sở, giúp tận dụng tối đa những cơ hội "vàng" trong điều trị bệnh... Với 23 bệnh viện hạt nhân và 138 bệnh viện vệ tinh với 10 chuyên khoa được đầu tư, ưu tiên phát triển, như: Ung bướu, ngoại chấn thương, tim mạch, sản, nhi... người dân ở những vùng xa trung tâm, vùng sâu đã có nhiều cơ hội tiếp cận những phương pháp chữa bệnh hiện đại với cơ hội cải thiện sức khỏe tốt hơn.
Cũng nhờ có sự liên kết giữa bệnh viện hạt nhân và bệnh viện vệ tinh mà nhiều cơ sở y tế tuyến tỉnh và huyện đã được chuyển giao kỹ thuật tiên tiến trong khám, điều trị; trang bị thiết bị y tế hiện đại với nguồn nhân lực được đào tạo bài bản, tiếp thu kỹ thuật cao... Đặc biệt, giữa bệnh viện hạt nhân với bệnh viện vệ tinh có sự liên kết, hỗ trợ chặt chẽ trong thực hiện nghiệp vụ nên đã tạo được niềm tin với bệnh nhân... Những yếu tố cơ bản này là bước chuyển quan trọng đối với y tế cơ sở, góp phần giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên, giảm phiền hà và tiết kiệm chi phí cho người bệnh.
Những lợi ích thiết thực kể trên đã chứng minh, bệnh viện vệ tinh là giải pháp lâu dài nhằm giảm quá tải bệnh viện, là sự cụ thể hóa Đề án Giảm tải bệnh viện giai đoạn 2013-2020 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (theo Quyết định 92/QĐ-TTg ngày 9-1-2013). Tuy nhiên, để tiếp tục mở rộng hiệu quả mạng lưới này đòi hỏi hệ thống bệnh viện phải được đầu tư bằng những nguồn lực lớn hơn nữa.
Đó là cần ưu tiên đầu tư hạ tầng, con người cho các bệnh viện vệ tinh để bảo đảm có đủ điều kiện tiếp nhận chuyển giao khoa học kỹ thuật. Đồng thời các bệnh viện tuyến trên tăng cường chuyển giao kỹ thuật và chuyên môn cho tuyến dưới, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, là tiêu chí đánh giá kết quả hoàn thành nhiệm vụ hằng năm của các bệnh viện. Bộ Y tế cũng cần công bố danh sách những bệnh viện đủ tiêu chuẩn làm bệnh viện hạt nhân để các bệnh viện vệ tinh lựa chọn đề xuất hỗ trợ chuyên môn.
Việc đầu tư vào hệ thống bệnh viện vệ tinh là nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, do đó, trong mọi điều kiện, việc khám, chữa bệnh cho bệnh nhân ở các cơ sở y tế này luôn phải giữ chữ tín. Khi thực hiện đề án, nhất thiết không được chạy theo số lượng mà quan trọng là phải xây dựng bệnh viện hạt nhân, bệnh viện vệ tinh trên cơ sở nguồn lực thực tế về con người, máy móc, trang thiết bị. Bên cạnh đó, việc hợp tác, hỗ trợ giữa bệnh viện hạt nhân với bệnh viện vệ tinh phải chặt chẽ, thông suốt để giữ được chất lượng khám, chữa bệnh ổn định.
Ngoài nâng cao chất lượng chuyên môn, đầu tư cơ sở vật chất, cũng cần chú ý đến công tác truyền thông nhằm tuyên truyền về các kỹ thuật, các ca bệnh khó mà các bác sĩ bệnh viện tuyến dưới đã thực hiện thành công đến với đông đảo người dân... Khi "mắt thấy, tai nghe", người dân sẽ tin tưởng và lựa chọn tuyến y tế cơ sở, thay vì phải lên tuyến trên, khẳng định bệnh viện vệ tinh đã tạo ra những thay đổi và đột phá cho y tế cơ sở.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.