(HNMO) - Microsoft cuối cùng đã phát hành chính thức bản nâng cấp lớn tháng 5-2019 cho Windows 10 với số hiệu 1903.
Giao diện màu sáng mới của Windows 10 1903. |
Đây là lần nâng cấp bổ sung khá nhiều tính năng mới đáng chú ý. Đáng giá nhất có lẽ là việc Windows được bổ sung thêm tính năng tạm dừng cập nhật. Trước đây, các bản cập nhật được cài bắt buộc và tự động, đôi khi khiến máy tính bị khởi động lại không mong muốn. Với phiên bản tháng 5 này, hệ điều hành của Microsoft sẽ cho phép tạm dừng cập nhật và sẽ không hỏi về việc tải và cài đặt các bản cập nhật mới nếu có. Thời gian tạm dừng tối đa là 7 ngày và có thể thực hiện 5 lần liên tiếp.
Bên cạnh đó, người dùng cũng có thể thiết lập giờ làm việc Active Hours. Tính năng này cho phép lựa chọn khung thời gian thường nhật (ví dụ giờ hành chính) để Windows không tải và cài đặt các bản cập nhật trong khoảng thời gian đó.
Ngoài ra, cũng phải kể tới giao diện Light sáng sủa hơn; trợ lý ảo Cortana và công cụ tìm kiếm tích hợp được tối ưu; File Explorer sắp xếp hợp lý hơn; các thiết lập Settings được giải thích dễ hiểu cho người không quá am hiểu về công nghệ; máy ảo Sandbox (chỉ có trên Windows 10 Pro và Windows 10 Enterprise) cho phép tạo một hoặc nhiều máy ảo ngay trong Windows, để chạy phần mềm hoặc thử nghiệm mà không sợ làm ảnh hưởng tới hệ điều hành chính... cùng hàng loạt các tính năng khác.
Để nâng cấp Windows 10 lên phiên bản mới nhất, bạn có thể thực hiện theo hai cách như sau (đều yêu cầu có kết nối internet):
Cách 1: Cách đơn giản nhất để cập nhật Windows 10 1903 là truy cập vào Settings > Update & Security > Windows Update > Check for Update. Tuy nhiên, không phải máy tính nào cũng có thể nhận được bản cập nhật nhờ công cụ này, mà chủ yếu chỉ có các dòng máy chính hãng. Với hầu hết các máy tính tự lắp ráp và cài đặt Windows, người dùng sẽ phải dùng tới cách thứ hai.
Không phải lúc nào Windows 10 cũng có thể tìm thấy bản cập nhật mới nhất nhờ Windows Update. |
Cách 2: Việc nhiều hệ thống đều gặp tình huống không thấy bản cập nhật 1903 khi làm theo cách 1 là do không đáp ứng một số điều kiện nào đó theo yêu cầu của Microsoft đặt ra để có thể “lên đời” Windows mới. Tuy nhiên, thực tế này sẽ không cản trở được việc cập nhật.
- Bước 1: Tải về công cụ Windows Update Assistant tại đây.
- Bước 2: Chạy công cụ và kiểm tra hệ thống. Sau khi quá trình này hoàn tất, cửa sổ như bên dưới sẽ hiện ra. Bạn nhấn vào Update Now và chờ việc xử lý được thực hiện.
- Bước 3: Việc tải bộ nâng cấp và tiến hành cài đặt sẽ diễn ra hoàn toàn tự động, với tổng thời gian có thể lên tới hơn 30 phút tùy thuộc vào kết nối mạng và cấu hình máy. Sau khi hoàn tất, bạn sẽ nhận được thông báo như dưới đây. Tất cả những gì cần làm là nhấn Exit.
- Bước 4: Để đảm bảo cập nhật được hoàn chỉnh, bạn nên khởi động lại máy một lần cuối. Khi hệ thống sẵn sàng trở lại, bạn nên kiểm tra xem việc nâng cấp hệ điều hành có thành công hay không bằng cách mở: Settings > Update & Security > Windows Update, rồi chọn OS Build Info ở bên phải cửa sổ. Nếu số hiệu (Version) hiển thị 1903 (như hình dưới) tức là mọi việc đã hoàn tất tốt đẹp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.