(HNM) - Trước đây, doanh nghiệp, người dân, mỗi khi có việc cần phải đến cơ quan hành chính đều rất ngại vì thủ tục rườm rà, qua nhiều khâu xét duyệt, thậm chí có những việc tưởng đơn giản nhưng lại mất nhiều thời gian...
Cho đến nay, việc xây dựng chính quyền điện tử không chỉ được triển khai ở khu vực nội thành mà còn lan tỏa đến vùng nông thôn. Nhiều nơi đã xây dựng được mô hình khu dân cư điện tử. Nói vậy để thấy rằng, chính quyền điện tử đã được nhiều người đón nhận và đang phổ biến trong cộng đồng. Kết quả rõ nhất là ngày càng có nhiều người thấy hài lòng và tích cực sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Nổi bật là thủ tục hành chính trong lĩnh vực tư pháp, khi tỷ lệ người nộp hồ sơ trực tuyến đạt tới gần 70%; tỷ lệ đăng ký kinh doanh qua mạng đạt hơn 70%; doanh nghiệp kê khai thuế điện tử hơn 98%... Như vậy, cái đích mà chính quyền điện tử thành phố hướng đến là "vì sự hài lòng" của đối tượng phục vụ đã đạt được những thành công bước đầu, đồng thời hứa hẹn một tương lai tốt đẹp.
Trong quá trình xây dựng chính quyền điện tử và tiến tới thành phố thông minh, Hà Nội cũng gặp không ít khó khăn cần phải giải quyết trong thời gian tới.
Vấn đề đầu tiên là đào tạo nguồn nhân lực lĩnh vực công nghệ thông tin. Thực tế cho thấy, nhiều cán bộ ở một số địa bàn, nhất là ở khu vực ngoại thành, chưa thật nhuần nhuyễn trong sử dụng phần mềm. Do vậy, xây dựng nguồn nhân lực không chỉ để đáp ứng các quy trình xử lý hồ sơ, phân công cụ thể trách nhiệm, tham gia vào quá trình xây dựng mô hình “một cửa” điện tử hiện đại..., mà trong tương lai còn đủ năng lực lựa chọn các giải pháp khả thi phục vụ cho chính quyền điện tử theo định hướng phát triển thành phố thông minh.
Nhắc đến xây dựng chính quyền điện tử không thể thiếu “công dân điện tử”. Lâu nay, do thói quen hoặc trình độ hạn chế, nhiều công dân khi tiếp cận với công nghệ thường tỏ ra lúng túng, không tự tin. Nhiều người khi đến giao dịch tại hệ thống “một cửa” điện tử đều phải nhờ nhân viên hướng dẫn cách đăng ký, lấy số thứ tự. Trong số hồ sơ nộp trực tuyến, tỷ lệ người dân tự thực hiện quy trình chỉ từ 50% đến 70%, còn lại phải nhờ cán bộ hỗ trợ. Thực tế này đòi hỏi phải có cách tập huấn, bồi dưỡng sao cho ngày càng nhiều công dân ở nhà sử dụng dịch vụ hành chính công qua mạng.
Việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật, cụ thể là máy móc, phần mềm, hệ thống mạng cũng cần được chú trọng để không làm gián đoạn hoạt động điều hành, phục vụ công dân, doanh nghiệp của cơ quan công quyền.
Người dân vui mừng, doanh nghiệp hài lòng đã khẳng định việc xây dựng chính quyền điện tử của thành phố là hướng đi đúng đắn và hiệu quả. Đây cũng là xu hướng tất yếu để xây dựng một thành phố thông minh trong tương lai.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.