Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bước chuyển trong xây dựng trường học thân thiện, hiện đại

Thống Nhất| 09/11/2020 20:19

(HNMO) - Từ ngày 1-11-2020, Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT ngày 15-6-2020 ban hành Điều lệ trường trung học cơ sở, trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học chính thức có hiệu lực. Ghi nhận tại một số đơn vị, trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội sau hơn một tuần triển khai cho thấy, những đổi mới khá toàn diện, đặc biệt là những quy định liên quan đến giáo viên, học sinh đã tạo bước chuyển mới trong việc xây dựng trường học thân thiện, hiện đại.

Học sinh được hỗ trợ và động viên nhiều hơn trong học tập, từ đó thoải mái và tự tin hơn để phấn đấu.

Thêm nhiều tiện ích cho cô và trò

Chuyển biến rõ nét nhất trong việc thực hiện Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT ban hành Điều lệ trường trung học cơ sở, trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học (gọi chung là Điều lệ trường học) ở các trường học trên địa bàn Hà Nội là sự quan tâm phát triển văn hóa đọc trong trường học. Đây là nội dung chưa được đề cập trong Điều lệ trường học trước đây và mới được bổ sung trong Điều lệ trường học vừa có hiệu lực từ ngày 1-11-2020.

Tại một số đơn vị như quận Thanh Xuân, quận Cầu Giấy, huyện Đan Phượng..., ngoài việc đầu tư cho thư viện, hầu hết các trường đều bố trí, tạo điều kiện để học sinh được tiếp cận với sách nhiều hơn. Cách thức được nhiều trường áp dụng là tổ chức cho học sinh đọc sách tại lớp, hoặc xây dựng mô hình "thư viện mở" là góc đọc sách ở sân trường, vườn trường...

Nội dung đáng chú ý trong Điều lệ trường học mới là những điều chỉnh liên quan đến giáo viên và học sinh, trong đó có những quy định mang tính "cởi mở" hơn về sử dụng điện thoại di động.

Thầy giáo Trần Xuân Hiệp, giáo viên dạy toán Trường Trung học phổ thông Tiến Thịnh (huyện Mê Linh) cho hay: "Nếu như trước đây, giáo viên bị cấm sử dụng điện thoại khi đang dạy học trên lớp thì hiện nay, giáo viên có thể sử dụng điện thoại khi đang dạy. Sự điều chỉnh này giúp chúng tôi thuận lợi hơn trong giảng dạy, nhất là trong việc tìm kiếm tư liệu hỗ trợ cho bài giảng đang thực hiện mà không cần chờ khi kết thúc giờ dạy".

Với học sinh, Điều lệ trường học mới cho phép các em có thể sử dụng điện thoại di động trong giờ học mà không bị cấm như trước. Em Trần Quỳnh Chi, học sinh Trường Trung học phổ thông Trương Định (quận Hoàng Mai) cho biết: "Việc này giúp chúng em tiếp cận thêm thông tin để bổ sung cho những kiến thức của thầy, cô giáo và sách giáo khoa mang lại. Tuy nhiên, thực tế áp dụng trong một tuần qua thì việc học sinh có được sử dụng hay không phải được giáo viên cho phép, chứ không phải tùy tiện, không có sự kiểm soát, vì vậy, các bố mẹ đừng quá lo lắng. Chúng em mong muốn nhà trường quan tâm, hướng dẫn chúng em tra cứu, chọn lọc thông tin hữu ích, phục vụ tốt hơn cho việc học tập, tránh bị rơi vào một rừng thông tin mà không biết sàng lọc".

Tăng hỗ trợ, giảm sĩ số

Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Cầu Giấy Phạm Ngọc Anh nhận định, Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT có nhiều điểm mới so với Thông tư số 12/2011/TT-BGDĐT.

Đáng chú ý, bên cạnh quy định về quy mô mỗi lớp học ở cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông có không quá 45 học sinh, Thông tư còn quy định rõ trách nhiệm của chủ tịch UBND cấp tỉnh trong việc bảo đảm mức sĩ số này và hướng tới giảm sĩ số học sinh/lớp. Đây là định hướng quan trọng trong việc đầu tư xây dựng trường, lớp học đạt chuẩn, hiện đại, nhất là tại thành phố Hà Nội - nơi luôn đối mặt với áp lực về sự gia tăng số lượng học sinh hằng năm.

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, phụ huynh học sinh Trường Trung học cơ sở Lý Thường Kiệt (quận Đống Đa) cho rằng, trước tình trạng số học sinh ngày càng tăng, nhất là ở các trường khu vực nội thành, việc giảm số học sinh, khống chế mức sĩ số tối đa trong mỗi lớp học là cần thiết để bảo đảm chất lượng dạy và học.

"Chúng tôi rất mong quy định này sẽ được cụ thể hóa bằng các giải pháp thiết thực để không còn tình trạng các lớp học có quy mô quá đông, học sinh phải ngồi sát bục giảng. Việc này còn giúp cho mỗi học sinh được quan tâm nhiều hơn, các em có thêm cơ hội được hỗ trợ để học tập tốt hơn", ông Nguyễn Ngọc Tuấn bày tỏ.

Còn em Nguyễn Thị Mai, Trường Trung học phổ thông Nguyễn Văn Cừ (huyện Gia Lâm) chia sẻ: "Em vui nhất là việc kiểm tra, đánh giá học sinh hiện nay không phụ thuộc hoàn toàn vào điểm số, mà có cả đánh giá bằng nhận xét. Chúng em được hỗ trợ và động viên nhiều hơn, áp lực học tập cũng phần nào giảm đi, từ đó giúp chúng em thoải mái và tự tin hơn để phấn đấu".

Theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phúc Thọ Kiều Trọng Sỹ, để các quy định mới, đặc biệt là những quy định liên quan đến quyền lợi của học sinh được bảo đảm, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phúc Thọ yêu cầu các nhà trường tăng cường tuyên truyền để mỗi cán bộ, giáo viên, học sinh nắm rõ các quy định mới, qua đó thực hiện đúng, hiệu quả.

Ngành Giáo dục huyện Phúc Thọ coi đây là một trong những giải pháp quan trọng nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mỗi cán bộ, giáo viên, học sinh trong việc tuân thủ quy định chung nhằm xây dựng trường học thân thiện, an toàn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bước chuyển trong xây dựng trường học thân thiện, hiện đại

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.