(HNM) -
Tác giả cuốn sách là nữ nhà văn Julie Otsuka, một người Mỹ gốc Nhật Bản. Bà sinh ra và lớn lên ở California, tốt nghiệp Đại học Yale, từng đoạt nhiều giải thưởng văn học ở Mỹ. Dịch giả cũng là một gương mặt quen thuộc của văn học Việt - nhà văn Nguyễn Bích Lan.
Câu nói văng vẳng của người mẹ Nhật Bản tiễn cô con gái lên tàu vượt biển lấy chồng Mỹ "Rồi con sẽ thấy: Đàn bà thì yếu đuối, nhưng những người mẹ thì mạnh mẽ" thực sự đã mở ra câu chuyện với toàn bộ những đan cài tinh tế và phức tạp trong đời sống những người phụ nữ này. Ngôi kể chuyện là "chúng tôi" nên nhân vật chính không ngừng hóa thân vào mọi số phận những người con gái Nhật Bản. Người bỏ lại đằng sau cha mẹ già, người bỏ lại đứa con thơ, người vẫn còn thương nhớ mùi khoai tây nướng thơm ngon vào những sáng mùa thu, những trò chơi ấu thơ trong ngôi đền bỏ hoang…
Giọng kể thản nhiên không làm giảm đi sự dữ dội, mà chỉ nén lại sự dữ dội để nó bung phá trong lòng bạn đọc. "Chúng tôi đâu ngờ rằng những bức ảnh được gửi sang Nhật Bản cho chúng tôi là ảnh họ chụp từ hai mươi năm trước. Chúng tôi đâu có biết rằng những bức thư mà chúng tôi nhận được không phải do chính tay chồng của chúng tôi viết mà là do những kẻ viết thuê…".
Những bất đồng về ngôn ngữ, đặc biệt là cú "sốc" văn hóa từng bước "công phá" những người đàn bà này, khi bản chất của hôn nhân thực sự là cuộc mua bán để những người nông dân Mỹ kiếm vợ - người lao động trên cánh đồng của họ. Có những người phụ nữ chỉ sau ngày làm việc đầu tiên đã lê lên giường nằm và không bao giờ tỉnh dậy nữa. Vài người phụ nữ khác trong suốt 50 năm cuộc đời của họ ở Mỹ, tất cả vốn tiếng Anh có được chỉ gói trong vài từ dùng để điều khiển ngựa. Julie Otsuka khiến người đọc lắm khi phải rùng mình vì sự nhẹ nhàng, thản nhiên: "Đôi khi chồng mở mắt nhìn chúng tôi đấy, nhưng lại như không hề biết đến sự tồn tại của chúng tôi"…
Ngoài trăn trở hạnh phúc riêng tư, những lo toan mưu sinh, thậm chí là cả nỗi ám ảnh bảo toàn tính mạng cho gia đình, họ cũng có những niềm vui mà cuộc sống ban tặng, mà lớn nhất là niềm vui làm mẹ. Song đồng hành cùng đó là nghìn vạn nỗi khổ, nỗi lo. Biết tỏ cùng ai khi đứa con lớn lên với một ngôn ngữ mới, văn hóa khác… "Chúng đã quên tên của thần Nước, thần Mizu Gami, vị thần bảo vệ các con sông, dòng suối của chúng tôi và yêu cầu chúng tôi phải giữ sạch các giếng nước. Chúng đã quên từ tiếng Nhật chỉ tuyết trắng, quên tên gọi của dế chuông…". Trong thời đại của "gia đình liên hợp quốc" hôm nay, câu chuyện này chắc chắn vẫn đã, đang và sẽ tiếp diễn với những cung bậc mới…
Đậm đà màu sắc, phong vị truyền thống của Nhật Bản, cuốn sách này còn mang theo thông điệp về những nỗi ám ảnh của sự "hòa nhập mà không hòa tan". Một thách thức lớn với bất kỳ dân tộc nào trong cái gọi là hội nhập, toàn cầu hóa. Phải nói, dẫn dụ người đọc trải nghiệm nhiều khoảnh khắc dữ dội nhưng may mắn cuốn sách vẫn đầy chất lãng mạn. Như nhận định của tờ San Francisco Choronicle thì đây là "Một tác phẩm giàu chất thơ…".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.