Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bồi đắp văn hóa Hà Nội

Thế Đan| 16/03/2018 06:48

(HNM) - Sự kiện Thường trực HĐND TP Hà Nội khóa XV tiến hành phiên giải trình việc thực hiện Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc TP Hà Nội; Quy tắc ứng xử nơi công cộng và công tác tổ chức, quản lý lễ hội trên địa bàn thành phố sáng 15-3 được cử tri và nhân dân đặc biệt quan tâm.


Bởi những công việc này vừa ảnh hưởng trực tiếp đến việc xây dựng bộ máy hành chính thân thiện, hiệu quả mà thành phố đang hướng tới, và vừa góp phần bồi đắp văn hóa Hà Nội, làm đậm đà hơn hình ảnh một Thủ đô văn minh, lịch sự trong mắt du khách trong và ngoài nước khi đến với Hà Nội.

Phải khẳng định rằng, chỉ sau một năm đi vào cuộc sống, hai quy tắc ứng xử bước đầu tạo chuyển biến tích cực về văn hóa công sở và văn hóa ứng xử nơi công cộng. Chuẩn mực ứng xử nơi công cộng dần hình thành trong nếp nghĩ của cư dân, góp phần nâng cao ý thức giữ gìn và phát triển truyền thống văn hóa, ý thức thượng tôn pháp luật trong cộng đồng. Kỷ cương nội vụ, thái độ tiếp dân, chất lượng công vụ trong các cơ quan được nâng cao một bước. Đặc biệt, các lễ hội tổ chức từ đầu Xuân 2018 đến nay đã loại bỏ được những hình ảnh bạo lực vốn kéo dài trong nhiều năm… Đây là những điểm cộng không thể phủ nhận.

Vấn đề hiện nay là đã làm tốt rồi phải làm tốt hơn, điều gì còn cấn cá, trở ngại thì phải quyết liệt tháo gỡ.
Nội dung phiên giải trình đã làm rõ những tồn tại, nguyên nhân và xác định trách nhiệm của từng cấp, ngành, các cơ quan, tổ chức liên quan và người dân thành phố trong việc thực hiện các nội dung trên, đồng thời đề xuất lộ trình khắc phục những hạn chế. Mục tiêu chung của những giải pháp hướng tới là bồi đắp văn hóa Hà Nội, tạo ra sự chuyển biến và sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là toàn thể nhân dân Thủ đô trong việc phát triển văn hóa - xã hội, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, tương xứng với vị thế của Thủ đô.

Để những trao đổi từ nghị trường thấm sâu vào đời sống, có một số việc quan trọng cần làm đồng thời. Trước hết, công tác tuyên truyền tới người dân tham gia và những người đến tham dự lễ hội có thái độ ứng xử văn hóa, bảo vệ môi trường là việc cần làm thường xuyên, liên tục. Việc áp dụng những chế tài nghiêm khắc cần được đẩy mạnh hơn nhằm giữ cho được hồn cốt của lễ hội và loại bỏ những mặt tiêu cực đã, đang nảy sinh. Đối với việc thực hiện hai quy tắc ứng xử cũng cần kiên trì, bền bỉ tuyên truyền. Trong đó, cần chú ý đến đối tượng người di cư, như: Lao động mùa vụ, sinh viên…, vốn chiếm số lượng đông đảo trong tham gia giao tiếp hằng ngày nơi công cộng.

Tiếp đến, cơ quan chức năng tăng cường hơn nữa công tác thanh tra công vụ; đẩy mạnh xây dựng quy trình phân loại cán bộ gắn liền với thực hiện hai quy tắc ứng xử để siết chặt đội ngũ. Ngoài ra, đẩy nhanh tiến độ rà soát các quy trình thủ tục để rút ngắn thủ tục, cắt bỏ thủ tục không cần thiết, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào cải cách hành chính.

Để làm tốt hơn những phần việc nêu trên, rất cần sự hỗ trợ của nhân dân và cơ quan báo chí trong việc giám sát, cung cấp thông tin để thành phố xử lý các vi phạm nếu có. Đồng thời, cần có cơ chế khen thưởng, động viên kịp thời những người mạnh dạn phản ánh, tố cáo những hành vi chưa đẹp, sai trái. Gắn với đó là đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong việc quản lý cấp dưới cũng cần được triển khai mạnh mẽ hơn nữa.

Bồi đắp văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh với những giá trị nhân văn sâu sắc; để văn hóa và con người Hà Nội thực sự trở thành giá trị tinh thần to lớn, nguồn lực quan trọng của Thủ đô cũng như của cả nước là việc làm vô cùng quan trọng và cần thiết. 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bồi đắp văn hóa Hà Nội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.