Quy hoạch

Kiến tạo không gian hồ Gươm: Tinh thần mới mang đến những giá trị mớiBước chuyển trong tư duy quy hoạch và quản lý đô thị

Bảo Linh 06/04/2025 - 20:28

Chủ trương quy hoạch, cải tạo và chỉnh trang một số khu vực quanh hồ Hoàn Kiếm của UBND thành phố Hà Nội đang được công bố để lấy ý kiến từ các chuyên gia, nhà khoa học và cộng đồng dân cư.

ho-guom(1).jpg
Không gian hồ Gươm nhìn từ trên cao. Ảnh: Lê Việt Khánh

Đa số ý kiến bày tỏ sự ủng hộ, cho rằng việc cải tạo không chỉ giúp tôn vinh giá trị di sản mà còn tạo động lực phát triển du lịch, góp phần hình thành một không gian đô thị hiện đại. Tuy nhiên, quá trình này cũng đặt ra không ít thách thức, đòi hỏi sự cân nhắc kỹ lưỡng để dung hòa giữa bảo tồn và phát triển.

KTS Bùi Xuân Tùng, Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội:
Tiền đề quan trọng khẳng định vị thế Thủ đô

o-tung.jpg

Trong giới kiến trúc, từ lâu đã có nhiều ý kiến cho rằng khu vực hồ Gươm cần một quảng trường xứng tầm.

Chính vì vậy, ý tưởng mở rộng quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục kết hợp với cải tạo không gian phía Đông hồ Hoàn Kiếm do UBND thành phố Hà Nội đề xuất là vô cùng cần thiết, không chỉ mang đến một diện mạo mới cho khu vực mà còn nâng cao giá trị văn hóa, lịch sử vốn có.

Chủ trương này cũng giúp kết nối hài hòa giữa Khu di tích quốc gia đặc biệt hồ Hoàn Kiếm ở phía Nam với khu phố cổ - di tích lịch sử cấp quốc gia ở phía Bắc, góp phần hiện thực hóa định hướng của các quy hoạch lớn đã được phê duyệt.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh du lịch ngày càng phát triển, lượng khách trong và ngoài nước đến với Hà Nội không ngừng gia tăng, một điểm yếu dễ nhận thấy của khu vực quanh hồ Hoàn Kiếm là thiếu hụt bãi đỗ xe công cộng. Trong khi đó, quy hoạch đô thị đã xác định rõ tầm quan trọng của việc khai thác không gian ngầm để giải quyết những nhu cầu mà mặt đất không còn khả năng đáp ứng, đặc biệt là vấn đề giao thông tĩnh.

Điều đáng mừng là Thành phố đã định hướng nghiên cứu quy hoạch không gian ngầm với khoảng ba tầng hầm tại khu vực phía đông hồ Hoàn Kiếm, mở ra giải pháp đồng bộ nhằm tối ưu hóa quỹ đất, đáp ứng nhu cầu đi lại và đỗ xe, góp phần hiện đại hóa bộ mặt đô thị.

Tôi cho rằng đây là cơ hội hiếm có khi nhu cầu thực tiễn và định hướng quy hoạch gặp nhau và là tiền đề quan trọng để Hà Nội tiếp tục khẳng định vị thế của một đô thị hiện đại, văn minh nhưng vẫn giữ gìn được giá trị lịch sử, văn hóa đặc trưng.

KTS Trần Huy Ánh, Ủy viên Thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội:
Cần có sự rà soát, đánh giá cẩn trọng

o-anh.jpg

Về phương án cải tạo, nâng cấp vườn hoa Lý Thái Tổ, trong đó có đề xuất tạo dựng “Cột mốc số 0” bằng công nghệ ánh sáng, cá nhân tôi hoàn toàn ủng hộ.

Tuy nhiên, để tạo sự đồng thuận cao hơn, quận Hoàn Kiếm nên sớm công bố và trao đổi thông tin chi tiết rộng rãi với công luận, đảm bảo các hoạt động tại khu vực hồ Gươm nhận được sự góp ý và ủng hộ từ cộng đồng.

Không gian cảnh quan và kiến trúc quanh hồ Hoàn Kiếm là một không gian linh thiêng, chứa đựng những giá trị lịch sử, văn hóa sâu sắc của Thủ đô. Chính vì vậy, trước khi tiến hành cải tạo, nâng cấp, cần có sự rà soát, đánh giá cẩn trọng và toàn diện đối với các công trình hiện có, nhằm bảo tồn những di sản quý giá, đồng thời loại bỏ hoặc điều chỉnh những công trình không phù hợp, làm ảnh hưởng đến cảnh quan hồ.

Bên cạnh đó, việc nhìn lại cách “ứng xử” với khu vực này trong 30 năm qua cũng là điều cần thiết để nhận diện những tác động tiêu cực cần thay đổi cũng như những giá trị tích cực cần tiếp tục phát huy. Ngoài ra, cần lập kế hoạch khảo cổ tại các khu vực có liên quan đến những truyền thuyết, giả thuyết lịch sử, bởi hồ Hoàn Kiếm còn gắn liền với chiều sâu lịch sử ngàn năm của Thăng Long - Hà Nội.

Mặt khác, khu vực quanh hồ Hoàn Kiếm không chỉ là trung tâm văn hóa - lịch sử mà còn đóng vai trò quan trọng trong quy hoạch hạ tầng giao thông đô thị.

Một trong những công trình ngầm chiến lược tại đây là tuyến đường sắt đô thị số 2, chạy từ Bắc xuống Nam, đi qua quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, dọc theo đường Đinh Tiên Hoàng và kéo dài đến Hàng Bài.

Đặc biệt, ga C9 - một trong những điểm nhấn quan trọng của tuyến metro này - dự kiến sẽ được đặt ngay tại đây. Việc tích hợp ga C9 vào hệ thống công trình ngầm của Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục và các không gian công cộng mở rộng phía Đông hồ Gươm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tạo nên một nút giao thông công cộng hiện đại, hiệu quả.

KTS Vương Đạo Hoàng, Tổng Giám đốc Công ty Kiến Việt:
Hướng tới một không gian đô thị bền vững, có khả năng kết nối cộng đồng

o-hoang.jpg

Nhìn vào kinh nghiệm trong việc chỉnh trang không gian công cộng của các đô thị nước ngoài, có thể thấy nhiều thành phố lớn đã thành công trong việc cải tạo để phục vụ cộng đồng tốt hơn.

Tại quảng trường Times Square (New York, Mỹ), khi khu vực này bị chiếm dụng bởi giao thông và hoạt động thương mại lộn xộn, chính quyền thành phố đã quyết định hoàn trả không gian cho người đi bộ, biến nơi đây thành một quảng trường công cộng sôi động, vừa kết nối cộng đồng vừa thúc đẩy kinh tế.

Tương tự, tại quảng trường Trafalgar Square (London, Anh), một phần đường giao thông đã được đóng lại để mở rộng quảng trường, tạo ra không gian dành cho các sự kiện văn hóa và sinh hoạt cộng đồng.

Quảng trường Alexanderplatz (Berlin, Đức), từng bị che khuất bởi các trung tâm thương mại lớn, cũng đã được chỉnh sửa nhằm đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững, giúp không gian công cộng trở nên thông thoáng, phục vụ tốt hơn cho cư dân và du khách.

Những ví dụ trên cho thấy rằng đô thị không phải là một thực thể bất biến. Khi một công trình không còn phù hợp với nhu cầu phát triển, việc điều chỉnh hay thay đổi là cần thiết để nhường chỗ cho không gian phục vụ cộng đồng tốt hơn.

Hà Nội không chỉ cần một quảng trường lớn hơn, mà quan trọng hơn là một không gian công cộng thực sự có giá trị văn hóa và khả năng kết nối cộng đồng. Quyết định “hoàn trả hiện trạng” công trình “Hàm cá mập” một cách có cân nhắc, để thay thế bằng một không gian đô thị bền vững hơn, chính là dấu hiệu cho thấy Hà Nội đang có sự chuyển mình trong tư duy quy hoạch và quản lý đô thị.

Việc hoàn trả không gian công cộng tại hồ Gươm có thể được xem là bước khởi đầu trong quá trình định hình lại trung tâm Hà Nội. Thành phố cần những quảng trường thực sự nơi các sự kiện văn hóa, nghệ thuật và hoạt động cộng đồng diễn ra thường xuyên, nơi khuyến khích con người tương tác, trải nghiệm và kết nối, thay vì chỉ phục vụ mục đích giao thông.

Đặc biệt, điều quan trọng không chỉ là hoàn trả không gian mà còn phải tái cấu trúc lại cách khu vực này vận hành, đảm bảo trở thành một không gian linh hoạt, đa chức năng, phục vụ nhiều tầng lớp cư dân và khách du lịch.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kiến tạo không gian hồ Gươm: Tinh thần mới mang đến những giá trị mới Bước chuyển trong tư duy quy hoạch và quản lý đô thị

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.