Góc nhìn

Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Hà Trang 04/04/2025 - 06:10

Thực phẩm chức năng là sản phẩm dùng để hỗ trợ chức năng của cơ thể con người, có tác dụng bổ sung dinh dưỡng, tăng sức đề kháng và giảm bớt nguy cơ gây bệnh. Tuy nhiên, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã thổi phồng công dụng, giá trị, thậm chí trộn cả chất cấm vào thực phẩm chức năng để thu lợi bất chính.

Ngày 2-4-2025, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã công bố kết quả thử nghiệm 7 mẫu của một số sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe cho nam giới. Kết quả, các sản phẩm này có chứa Sildenafil, Tadalafil - là những chất bị cấm dùng trong sản xuất và kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe.

Bộ Y tế cho biết, quý I-2024, Cục An toàn thực phẩm đã xử phạt một cơ sở với 6 hành vi vi phạm, tổng số tiền phạt là hơn 11 tỷ đồng; chuyển cơ quan công an một vụ việc liên quan đến sản xuất, buôn bán sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe có chứa chất cấm; một vụ việc liên quan đến sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe là hàng giả.

Vì lợi nhuận, không ít doanh nghiệp, cá nhân cố tình sản xuất thực phẩm chức năng kém chất lượng và hàng giả để lừa dối người tiêu dùng. Nhằm giải quyết tình trạng này, các bộ, ngành, địa phương cần phối hợp chặt chẽ trong việc trao đổi thông tin để nhanh chóng xác minh, xử lý nghiêm việc quảng cáo thực phẩm chức năng sai sự thật.

Lực lượng Công an và Quản lý thị trường cần tiếp tục phối hợp với ngành Y tế tổ chức rà soát, kịp thời phát hiện, ngăn chặn các cơ sở kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ. Công khai những tổ chức, cá nhân vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng theo quy định của pháp luật.

Thực phẩm chức năng kém chất lượng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng, do đó phải có các biện pháp quản lý nghiêm ngặt để bảo vệ người tiêu dùng. Chúng ta cần tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp lý, theo đó quy định chi tiết về định nghĩa, tiêu chuẩn chất lượng, thành phần, hướng dẫn sản xuất và tiếp thị các sản phẩm này.

Các quy định phải phân biệt rõ ràng giữa thực phẩm chức năng và thuốc, tránh tình trạng nhầm lẫn do người bán cố tình "lập lờ đánh lận con đen" dẫn đến việc lạm dụng hoặc sử dụng sai mục đích. Phải có cơ chế bảo đảm chất lượng sản phẩm trước khi bán ra thị trường; yêu cầu các nhà sản xuất thực phẩm chức năng cung cấp đầy đủ thông tin về thành phần, cách sử dụng và các tác dụng phụ trên bao bì sản phẩm. Việc tiếp thị thực phẩm chức năng cần được giám sát chặt chẽ để tránh các thông tin sai lệch về công dụng của sản phẩm.

Cùng với sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, người tiêu dùng cần lựa chọn và chỉ mua thực phẩm chức năng đã được cấp phép lưu hành, tránh mua sản phẩm không rõ nguồn gốc bán trên các trang web, mạng xã hội; thận trọng khi mua thực phẩm chức năng bán trực tuyến hoặc "xách tay", nếu không chắc chắn những sản phẩm này được sản xuất ở đâu và chất lượng như thế nào thì tuyệt đối không nên mua và sử dụng. Đó cũng là cách tự bảo vệ hữu hiệu của người tiêu dùng trước tình trạng xuất hiện nhiều loại thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc hiện nay.

Thủ tướng Chính phủ vừa giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Công an, các bộ, cơ quan liên quan rà soát, nghiên cứu báo cáo Thủ tướng Chính phủ về vấn đề tăng mức chế tài xử phạt đối với vi phạm an toàn thực phẩm.

Với chế tài đủ mạnh cùng với công tác kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm được tiến hành thường xuyên, chắc chắn quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng sẽ được bảo vệ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.