Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bồi đắp giá trị văn hóa

Quỳnh Anh| 05/09/2021 06:10

(HNM) - Vài năm gần đây, giới mỹ thuật nước ta, trong đó có nhiều họa sĩ trẻ có xu hướng sử dụng chất liệu, họa tiết truyền thống làm nền tảng sáng tạo tác phẩm nghệ thuật hội họa. Dấu hiệu tích cực là nhiều dự án, tác phẩm khai thác giá trị truyền thống đã thu hút sự quan tâm của xã hội, tạo được ấn tượng sâu đậm với người xem, góp phần không nhỏ thúc đẩy sự phát triển của nền mỹ thuật Việt Nam.

Thực tế cho thấy, nhiều họa sĩ bằng tài năng của mình đã khai thác, khám phá các giá trị của chất liệu truyền thống như lụa, giấy dó, sơn mài, sơn dầu, khắc gỗ…; đồng thời sử dụng họa tiết dân gian trên chất liệu đương đại làm nền tảng sáng tạo những tác phẩm mới mẻ, đầy sức sống mang bản sắc Việt Nam. Với nhiều hướng sáng tạo, các họa sĩ đã đưa những giá trị, văn hóa xưa hiện lên một cách tự nhiên, uyển chuyển, giàu tính thẩm mỹ; nhiều tác phẩm đạt giải thưởng cao đã được trưng bày tại các bảo tàng mỹ thuật và có trong bộ sưu tập của không ít người yêu tranh trên thế giới…

Giới mỹ thuật nước nhà sử dụng chất liệu, họa tiết truyền thống không chỉ tạo ra những tác phẩm nghệ thuật chất lượng mà còn góp phần gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, di sản của dân tộc trong đời sống đương đại. Do đó, việc làm thiết thực này cần được quan tâm và thúc đẩy. Muốn vậy, các cơ quan quản lý cần tiếp tục chú trọng tới việc xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích các hoạt động sáng tạo tác phẩm mỹ thuật, nhất là những tác phẩm sử dụng chất liệu, họa tiết truyền thống, có tính thẩm mỹ cao, nội dung nhân văn, phản ánh tích cực đời sống xã hội… nhằm thu hút đông đảo nghệ sĩ, họa sĩ tham gia. Cùng với đó đẩy mạnh công tác đào tạo để có nguồn nhân lực dồi dào cũng như nâng cao trình độ sáng tác, thể hiện tác phẩm cho các họa sĩ; đồng thời thường xuyên tiến hành kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm bản quyền tác giả và các quyền liên quan, tạo nên thị trường mỹ thuật lành mạnh.

Một nhiệm vụ không kém phần quan trọng mà cơ quan quản lý cần làm là chủ động tạo dựng thương hiệu cho mỹ thuật Việt Nam, từ đó đặt nền tảng cho hành trình đưa tranh Việt ra thế giới; đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, giới thiệu, giúp công chúng hiểu được giá trị của các tác phẩm nghệ thuật, từ đó thêm trân trọng các tác phẩm sử dụng chất liệu, họa tiết truyền thống. Bên cạnh đó là tổ chức tốt các triển lãm chuyên đề quy mô toàn quốc để công chúng trong và ngoài nước có dịp được thưởng ngoạn, góp phần phát triển thị trường mỹ thuật; thường xuyên tạo ra các “sân chơi” mỹ thuật để các họa sĩ có cơ hội được giao lưu, học hỏi, nâng trình độ và chất lượng sáng tác…

Sử dụng chất liệu, họa tiết truyền thống để sáng tạo là điều rất đáng khích lệ, song cần phải có sự am hiểu sâu sắc mới có thể tạo nên những tác phẩm giá trị. Do đó, mỗi họa sĩ cần nỗ lực học hỏi, nâng cao kiến thức, trau dồi chuyên môn và không ngừng khám phá, sáng tạo cho “ra đời” những tác phẩm đáp ứng được đòi hỏi ngày càng cao của công chúng yêu nghệ thuật… Bên cạnh đó là chủ động tìm đầu ra cho tác phẩm của mình thông qua việc giới thiệu, ký gửi tác phẩm tại những cơ quan, tổ chức, bảo tàng hoặc cộng đồng nghệ thuật uy tín; tận dụng mạng xã hội để giới thiệu tác phẩm đến với công chúng…

Giữ gìn và khơi mạch truyền thống trong mỹ thuật đương đại sẽ góp phần nâng tầm và bồi đắp giá trị văn hóa - nền tảng tinh thần của xã hội, tạo sức mạnh nội sinh quan trọng thúc đẩy đất nước phát triển bền vững. 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bồi đắp giá trị văn hóa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.