(HNMO) - Lần đầu tiên kể từ năm 2011, Airbus vượt qua đối thủ Boeing trở thành nhà sản xuất máy bay lớn nhất thế giới sau khi hoàn tất bàn giao 863 máy bay trong năm 2019.
Mức tăng 8% so với cùng kỳ năm 2018 nói trên thậm chí vượt qua ngưỡng dự đoán của giới phân tích (chỉ khoảng 860 chiếc). Kết quả này thậm chí ấn tượng hơn khi xét tới thực tế rằng, hãng sản xuất máy bay hàng đầu châu Âu này đã buộc phải giảm 2-3% mục tiêu bàn giao máy bay trong năm do gặp nhiều vấn đề trong khâu sản xuất hồi tháng 10 năm ngoái.
Về phần mình, Boeing chỉ bàn giao được 345 máy bay trong 11 tháng năm 2019, so với con số 700 chiếc cùng kỳ năm 2018. Việc Boeing 737 Max “vắng bóng” do sự cố tai nạn thảm khốc đã phần nào giúp Airbus bán được tới 640 máy bay A320 Neo.
Giới phân tích nhận định, việc hoán đổi ngôi vương giữa hai "gã khổng lồ" này trong ngành công nghiệp hàng không sẽ còn tiếp diễn, trong bối cảnh Boeing vẫn chật vật tìm cách thoát cuộc khủng hoảng máy bay 737 Max, dự kiến có thể kéo sang năm 2020. Cựu Giám đốc điều hành của hãng, ông Dennis Muilenberg, cũng đã mất chức sau khi Boeing 737 Max được xác định không còn cơ hội trở lại bầu trời trong năm 2019.
Mặt khác, mối quan hệ giữa Boeing với nhiều cơ quan quản lý bay trên thế giới cũng bị ảnh hưởng tiêu cực sau sự cố 737 Max. Boeing hiện đang chỉ trích Cục Hàng không liên bang Mỹ (FAA) đã che đậy những tài liệu cốt lõi liên quan tới các sự cố của 737 Max. Đáp lại, cơ quan này đã quyết định thay đổi hệ thống đánh giá và cấp chứng nhận an toàn cho máy bay đối với Boeing, yêu cầu kiểm tra từng chiếc thay vì kiểm tra mẫu đại diện như trước đây. Nếu tình trạng này tiếp tục, việc Boeing 737 Max bị cấm bay có thể còn kéo dài sang năm 2021.
Sự cố với 737 Max cũng ảnh hưởng tới nhiều dòng sản phẩm khác của Boeing, trong đó có 797 - mẫu được kỳ vọng có thể trám lỗ hổng trong việc kinh doanh hiện nay của hãng sản xuất máy bay Mỹ.
Tuy nhiên, việc Boeing hiện chưa hoàn thiện 797 cũng là nguyên nhân khiến các khách hàng của hãng tìm đến Airbus, đặc biệt khi hãng này đã nhận đặt hàng cho dòng sản phẩm A321XLR và sẵn sàng khai thác kể từ năm 2023. Mẫu máy bay này có tầm bay lên tới 8.704 km và hiệu quả sử dụng nhiên liệu vượt trội, đủ để mở các đường bay mới như từ Ấn Độ đến châu Âu hoặc từ Trung Quốc đến Australia, xuyên Đại Tây Dương giữa lục địa châu Âu và châu Mỹ.
Tại Mỹ, hãng hàng không American Airlines và United Airlines đã đặt 100 chiếc A321XLR. Tại Ấn Độ, một trong những khách hàng trung thành của Boeing là SpiceJet cũng đang xem xét khả năng chuyển từ 737 Max sang A321XLR.
Về phần mình, dù là hãng hàng không đầu tiên đặt hàng Boeing 777X nhưng hãng hàng không Emirateshiện cũng tỏ ra khá e dè về độ an toàn của dòng sản phẩm này.
Hiện nay, châu Á - Thái Bình Dương là khu vực có tốc độ phát triển tốt nhất của ngành hàng không thế giới. Miếng bánh béo bở này gần như chắc chắn sẽ rơi vào tay Airbus trong những năm tới.
Trong bối cảnh như vậy, năm 2020 sẽ là giai đoạn Boeing bận rộn tập trung khôi phục uy tín và các mối quan hệ của mình, không chỉ với các cơ quan chức năng, mà cả các hãng hàng không, các phi công, hành khách. Nhiều đối tác kinh doanh của hãng bị hủy đơn hàng 737 Max đã gặp phải thiệt hại khổng lồ về tài chính. Đây là những thách thức mà tân Giám đốc điều hành Boeing David Calhoun sẽ phải giải quyết khi chính thức nhậm chức vào ngày 13-1 tới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.