Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân giải đáp những băn khoăn về hoạt động của Quỹ cũng như vai trò của những người làm khoa học trong chương trình Dân hỏi – Bộ trưởng trả lời.
Tuy nhiên, cũng còn những băn khoăn về hoạt động của Quỹ cũng như vai trò của những người làm khoa học. Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân sẽ giải đáp những băn khoăn này trong chương trình Dân hỏi – Bộ trưởng trả lời.
Bộ trưởng Bộ KH-CN Nguyễn Quân (Ảnh: Chinhphu.vn) |
Mở rộng diện công trình được Nhà nước hỗ trợ
PV: Trước hết, xin được gửi tới Bộ trưởng những băn khoăn của một người làm khoa học. Một vị giáo sư đã viết như thế này: Tôi đánh giá rất cao về cơ chế rõ ràng, minh bạch, định lượng của Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia. Các điều kiện như phải có bao nhiêu bài báo, có bao nhiêu công trình nghiên cứu mới được giải ngân và giải ngân tới đâu... sẽ loại bỏ được một loạt đề án của các “tiến sĩ giấy”, “giáo sư giấy”.
Tuy nhiên, theo tôi, còn rất nhiều các vấn đề lớn của đất nước, những vấn đề thiết thực, liên quan mật thiết tới nhu cầu dân sinh thì lại không có người làm. Vì theo quy định, công trình khoa học phải được các Tạp chí quốc tế đăng tải, trong khi đó lại là những đề án lẻ tẻ của từng nhóm nghiên cứu chứ chưa phải là cụm công trình khoa học mang tính hệ thống quốc gia. Xin Bộ trưởng cho biết ý kiến về băn khoăn của vị giáo sư này?
Bộ trưởng Nguyễn Quân: Xin cảm ơn các nhà khoa học quan tâm và chia sẻ với chúng tôi những băn khoăn như vậy. Điều này cũng thể hiện công tác truyền thông của chúng tôi tới xã hội và các nhà khoa học còn nhiều bất cập. Chúng tôi xin bổ sung thông tin để các nhà khoa học yên tâm.
Quỹ Đổi mới khoa học quốc gia chỉ là 1 trong 2 quỹ lớn mà Chính phủ cho phép thành lập, nhằm hỗ trợ hoạt động khoa học và công nghệ. Quỹ này nhằm giúp doanh nghiệp đổi mới công nghệ, đặc biệt là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khoa học, công nghệ tạo ra sản phẩm có tính cạnh tranh khi chúng ta hội nhập kinh tế quốc tế.
Cách đây 10 năm, Chính phủ cũng cho phép thành lập Quỹ Phát triển khoa học quốc gia ở cả cấp Trung ương và địa phương. Các doanh nghiệp cũng được Chính phủ cho phép thành lập quỹ phát triển khoa học, công nghệ doanh nghiệp để huy động đầu tư của doanh nghiệp và xã hội cho khoa học, công nghệ.
Quỹ Phát triển khoa học, công nghệ quốc gia mới là nơi đầu tư cho nghiên cứu cơ bản như giáo sư nói. Đòi hỏi kết quả đầu ra phải có công bố quốc tế, phải có kết quả cụ thể thì mới được giải ngân. Còn Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia chủ yếu hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ với vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng.
Giáo sư cũng yên tâm vì bên cạnh 2 Quỹ này, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng được Chính phủ giao thành lập 16 chương trình trọng điểm cấp Nhà nước về khoa học, công nghệ và gần 10 chương trình quốc gia về khoa học, công nghệ. Trong đó, có chương trình lớn như Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia, Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia...
Như vậy, những công trình lớn, liên quan đến quốc kế dân sinh, kể cả công trình không được công bố quốc tế, không được đăng báo, tạp chí quốc tế vẫn được Nhà nước hỗ trợ để tạo sản phẩm khoa học, công nghệ phục vụ sản xuất và đời sống. Ví dụ giàn khoan dầu khí, chế tạo động cơ cho ô tô xe máy, chương trình hỗ trợ cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn.
Hạn chế đề án khoa học “cất ngăn kéo”
PV: Theo Bộ trưởng, với cơ chế, điều lệ và tổ chức hoạt động của Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia thì liệu có hạn chế được tình trạng Đề án khoa học “cất ngăn kéo” như đang xảy ra hiện nay hay không?
Bộ trưởng Nguyễn Quân: Nói về đề tài “cất ngăn kéo” không chỉ có cơ chế chính sách của chúng ta. Bản thân trong khoa học cũng có những loại đề tài phải “cất trong ngăn kéo”. Ví dụ như nghiên cứu cơ bản, nó phải đi trước thời đại. Vì thế phải để ngăn kéo đợi đến khi nào trình độ phát triển của xã hội đạt được mức độ nào đó mới có thể ứng dụng được đó. Tuy nhiên, đề tài nghiên cứu khoa học thì là điều không thể chấp nhận được.
Trước đây tỷ lệ này khá lớn vì giữa nghiên cứu và sản xuất chưa có cầu nối để nghiên cứu xong có thể ứng dụng được. Bởi vì với sự ra đời của các quỹ thì có 2 mặt tích cực là tạo cơ chế thuận lợi cho giới khoa học nghiên cứu. Khi họ thấy ý tưởng nghiên cứu được phê duyệt thì họ bắt tay vào nghiên cứu ngay. Quá trình cấp kinh phí từ ngân sách Nhà nước đơn giản hóa về thủ tục thanh quyết toán hóa đơn chứng từ, các nhà khoa học được tạo điều kiện tối đa.
Thứ hai, đối với các quỹ này, khi tài trợ cho nghiên cứu theo cơ chế đặt hàng, những đề tài nào có khả năng ứng dụng, có khả năng thương mại hóa, được Nhà nước đặt hàng, quỹ tài trợ. Chắc chắn sau khi nghiên cứu xong, sẽ có người tiếp nhận và đưa vào sản xuất. Tôi tin tưởng như vậy, những nghiên cứu khoa học xếp vào ngăn kéo sẽ giảm nhiều.
PV: Một số nhà khoa học lo ngại rằng, với cách đầu tư như Quỹ này thì chúng ta chỉ khuyến khích được sự phát triển của những nhà khoa học riêng lẻ, mà không tạo được sức mạnh tập thể các nhà khoa học. Bộ trưởng có đồng tình với nhận định này hay không?
Bộ trưởng Nguyễn Quân: Điều đó chỉ đúng với Quỹ Phát triển khoa học, công nghệ quốc gia ở giai đoạn ban đầu. Tức là quỹ này tài trợ cho nghiên cứu cơ bản. Nghiên cứu cơ bản thường là nhóm khoa học thậm chí cá nhân nhà khoa học có thể làm được. Vì vậy, đó là tập hợp những nghiên cứu khoa học đơn lẻ.
Tuy nhiên, với Luật Khoa học và công nghệ vừa được Quốc hội thông qua tháng 6 vừa qua, Quỹ Phát triển công nghệ quốc gia không chỉ tài trợ cho nghiên cứu cơ bản, sắp tới là địa chỉ để tất cả nghiên cứu khác có thể nhận được hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước thông qua quỹ.
Các nhà khoa học yên tâm là với các chương trình quốc gia về khoa học công nghệ, như Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia, các tập thể khoa học sẽ được hình thành vì những sản phẩm quốc gia không thể hình thành được nếu không có số đông các nhà khoa học. Ví dụ, khi nghiên cứu vaccine thì phải tập hợp đội ngũ các nhà nghiên cứu từ nghiên cứu cơ bản tới doanh nghiệp khoa học, công nghệ.
Hoặc nghiên cứu về vi mạch thì đòi hỏi tập thể nhà khoa học lớn thì mới có thể đưa ra thị trường sản phẩm. Cho nên các nhà khoa học yên tâm, bên cạnh kênh quỹ hỗ trợ khoa học cơ bản vẫn có kênh là Nhà nước hỗ trợ để tạo ra sản phẩm lớn cho xã hội.
Nhà khoa học nông dân được Nhà nước bảo trợ
PV: Cũng liên quan tới đề án này, một số nhà khoa học thuộc lĩnh vực nông nghiệp đặt vấn đề, với những sáng chế, sản phẩm do những người nông dân tự làm ra và ứng dụng vào cuộc sống thì sao, những nhà khoa học nông dân đó “đứng” ở đâu trong đề án này. Xin mời Bộ trưởng trả lời câu hỏi này.
Bộ trưởng Nguyễn Quân: Trong nghiên cứu khoa học của Nhà nước không phân biệt tiền ngân sách cấp cho ai. Vấn đề là người nào có sản phẩm khoa học thì người đó sẽ được Nhà nước hỗ trợ. Với những nhà khoa học nông dân, nếu họ có ý tưởng sáng tạo họ đều được Nhà nước hỗ trợ thông qua Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia.
Bên cạnh đó năm 2012, Chính phủ ban hành Nghị định về sáng kiến, trong đó quy định những sáng kiến chưa đạt đến tầm phát minh hay sáng chế nhưng vẫn được Nhà nước hỗ trợ thông qua tài trợ kinh phí thông qua nhận chuyển giao công nghệ, thương mại hóa sản phẩm kinh doanh... Cho nên những nhà khoa học nông dân có thể tìm đến các quỹ của ngành khoa học công nghệ, cơ quan quản lý khoa học để đóng góp trí tuệ của mình.
Chúng tôi nhân buổi Dân hỏi Bộ trưởng trả lời đề nghị các sở khoa học công nghệ 63 tỉnh, thành phố quan tâm đến những người dân có sáng kiến cải tiến kỹ thuật áp dụng sản xuất, hỗ trợ kinh phí, giúp họ đăng ký tài sản trí tuệ, giúp thương mại hóa sáng kiến vào sản xuất kinh doanh đem lại lợi ích kinh tế cho bản thân và cho xã hội.
PV: Xin hỏi Bộ trưởng về một vấn đề khác liên quan tới đời sống dân sinh: Thưa Bộ trưởng, tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm, đồ chơi độc hại ảnh hưởng tới sức khỏe trẻ em, làm cho người dân rất hoang mang, lo lắng. Về đề này có trách nhiệm của nhiều Bộ, Tuy nhiên một số người dân cho rằng có trách nhiệm của Bộ Khoa học và Công nghệ (cụ thể là Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng). Cơ quan này chưa đưa ra được các hệ thống tiêu chí cụ thể trong một số loại hàng hóa và cũng chưa thực hiện các cuộc thanh, kiểm tra để kịp thời xử lý các tình trạng vi phạm ? Bộ trưởng suy nghĩ thế nào về những ý kiến này?
Bộ trưởng Nguyễn Quân: Những ý kiến đó rất xác đáng. Tuy nhiên, tôi cũng phải đính chính là trách nhiệm của Bộ Khoa học và Công nghệ đã được quy định rõ trong văn bản quy định của Chính phủ. Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa quy định Bộ Khoa học và Công nghệ là cơ quan thống nhất quản lý Nhà nước về quản lý hoàng hóa. Trong đó đã phân công rất rõ với các Bộ, ngành, trong đó có nhóm hàng hóa nhóm 2 - tức là hàng hóa có thể gây ảnh hưởng sức khỏe nhân dân, trật tự an toàn xã hội.
Bộ cũng được Nhà nước giao quản lý những mặt hàng như xăng dầu, khí đốt, các loại mũ bảo hiểm dành cho người đi mô tô, xe máy, đồ chơi trẻ em và một số loại hàng hóa nữa. Trong thời gian vừa qua, chúng tôi đã cố gắng hết sức. Cũng xin đính chính thêm là tất cả sản phẩm hàng hóa thuộc nhóm 2 thuộc bộ quản lý đều được quản lý chặt bằng các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Trong đó, chúng tôi hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương phối hợp xây dựng các tiêu chuẩn quốc gia đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, cũng như đảm bảo an toàn cho sức khỏe người dân.
Như vậy, với vai trò là đầu mối, chúng tôi phối hợp với các Bộ, ngành. Tuy nhiên, chúng tôi tự đánh giá, sự phối hợp của các Bộ, ngành chưa tốt. Ví dụ, mũ bảo hiểm dành cho người đi mô tô, xe máy, mặc dù đã có quy chuẩn quốc gia nhưng trong thời gian qua vẫn có sự phàn nàn của người dân về chất lượng mũ bảo hiểm.
Chúng tôi đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công thương, Công an, Giao thông vận tải ban hành các văn bản hướng dẫn, nhưng cũng phụ thuộc một phần vào ý thức chấp hành Luật Giao thông của người dân. Vì thế chúng tôi mong các cơ quan, tổ chức, cá nhân và người dân phối hợp tốt với chúng tôi để thực hiện tốt những quy định của Chính phủ.
PV: Xin cảm ơn Bộ trưởng./.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.