Sở Khoa học và Công nghệ đề nghị các địa phương nghiên cứu đề xuất đặt hàng các nhiệm vụ khoa học và công nghệ giải quyết những vấn đề của cơ sở.
Ngày 5-7, Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức buổi làm việc, thảo luận với UBND các huyện: Ứng Hòa, Phú Xuyên, Thanh Oai và Mỹ Đức về định hướng, hướng dẫn đề xuất kế hoạch khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo năm 2025 và kiểm tra thực hiện Chương trình số 07-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025”.
Liên quan Chương trình số 07-CTr/TU 6 tháng đầu năm, các địa phương đều xác định phát triển khoa học và công nghệ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nên đã chỉ đạo tổ chức thực hiện đến các cấp, các ngành để triển khai có hiệu quả.
Theo Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Nguyễn Tiến Thiết, là một huyện thuần nông nên Ứng Hòa xác định ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp là quan trọng nhất. Tuy nhiên, việc ứng dụng khoa học công nghệ của huyện còn gặp khó khăn như: Nguồn nhân lực thực hiện chuyển đổi số trên địa bàn còn mỏng, yếu; việc nắm bắt thông tin, kiến thức của người dân về các dịch vụ công trực tuyến còn hạn chế; cơ chế tài chính cho hoạt động khoa học công nghệ, hoạt động chuyển giao công nghệ, phát triển thị trường khoa học công nghệ, ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ, xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo... còn thiếu và yếu.
Vì thế, huyện Ứng Hòa mong muốn được bổ sung chỉ tiêu biên chế cho cán bộ, công chức chuyên trách về khoa học và công nghệ; được tham gia các lớp tập huấn nâng cao nghiệp vụ, tham quan học hỏi các mô hình hiệu quả ở các địa phương khác... Đặc biệt, Ứng Hòa rất cần sự hỗ trợ, tạo điều kiện của thành phố về bố trí kinh phí, nhân lực, vật lực để phát triển kinh tế số.
Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quốc Hà đề nghị, trong thời gian tới, các địa phương cần đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về Chương trình số 07-CTr/TU; thực hiện nghiêm việc báo cáo định kỳ và nâng cao chất lượng báo cáo; quan tâm chỉ đạo để giải quyết những tồn tại trong các lĩnh vực: Cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số, bảo vệ môi trường, phát triển làng nghề...; nghiên cứu đề xuất đặt hàng các nhiệm vụ khoa học và công nghệ giải quyết những vấn đề của địa phương; đẩy mạnh ứng dụng và chuyển giao công nghệ vào sản xuất cũng như thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, phong trào phát huy sáng kiến Thủ đô...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.