(HNMO) - Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa họp Hội đồng thẩm định để thông qua dự thảo Quy hoạch Bảo vệ môi trường quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 274/QĐ-TTg năm 2020 về phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì hoàn thiện dự thảo Quy hoạch nhằm cụ thể hóa Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và thích ứng với kịch bản biến đổi khí hậu, đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường và đạt mục tiêu phát triển bền vững.
Theo Tổng cục Môi trường, quy hoạch tập trung đánh giá hiện trạng và diễn biến 4 đối tượng quy hoạch gồm: Phân vùng môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, khu xử lý chất thải rắn, chất thải nguy hại, mạng lưới quan trắc môi trường.
Trong đó, dự thảo quy hoạch đề ra mục tiêu chủ động ngăn ngừa, kiểm soát tốt tình trạng ô nhiễm và suy thoái môi trường; phục hồi và cải thiện chất lượng môi trường; bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học nhằm bảo đảm phát triển bền vững đất nước; góp phần nâng cao năng lực chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050.
Dự thảo quy hoạch cũng nêu quan điểm, mục tiêu cụ thể, nhiệm vụ và giải pháp bảo vệ môi trường; định hướng bảo vệ môi trường quốc gia dựa trên 4 đối tượng quy hoạch; danh mục dự án ưu tiên; giải pháp và nguồn lực thực hiện quy hoạch.
Tại cuộc họp, các ý kiến của ủy viên phản biện và thành viên Hội đồng thẩm định cơ bản đánh giá cao dự thảo quy hoạch đã được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, tuân thủ quy trình lập quy hoạch và có hồ sơ pháp lý đáng tin cậy.
Nội dung quy hoạch dựa trên kết quả quá trình phân tích kỹ lưỡng, đánh giá chi tiết hiện trạng môi trường từ nhiều nguồn cơ sở dữ liệu; bảo đảm tính phù hợp, khoa học và có độ tin cậy cao; thể hiện xu hướng phát triển bền vững của Việt Nam phù hợp với xu thế chung toàn cầu. Theo Hội đồng, quy hoạch là công cụ hữu hiệu để tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong giai đoạn tới.
Bên cạnh đó, các thành viên phản biện và đại diện các bộ, các chuyên gia đầu ngành cũng góp ý nhiều vấn đề, nhấn mạnh yêu cầu đồng bộ quy hoạch với Luật Quy hoạch và các quy hoạch khác liên quan; rà soát số liệu bảo đảm tính thống nhất; luận giải rõ hơn việc dự báo xu thế và lựa chọn các định hướng để tăng sức thuyết phục; làm rõ nguyên nhân của tồn tại, hạn chế và phân kỳ thực hiện các giải pháp...
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân yêu cầu nhóm tư vấn tiếp thu phản biện, góp ý của thành viên hội đồng, hoàn thiện dự thảo quy hoạch. Trong đó, bổ sung những vấn đề liên quan đến môi trường biển, môi trường đất; lồng ghép, kết hợp quan trắc môi trường với quan trắc thủy văn nhằm giảm chi phí đầu tư; đồng nhất số liệu, chuẩn hóa ngôn ngữ...
Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh, đây là quy hoạch môi trường đầu tiên của quốc gia, cần thể hiện một cách nhất quán và phù hợp với các quy hoạch đa dạng sinh học, quy hoạch biển, quy hoạch đất đai, quy hoạch khí tượng thủy văn. Thứ trưởng yêu cầu đơn vị tư vấn và Tổng cục Môi trường tiếp tục làm việc với Tổng cục Khí tượng thủy văn, Tổng cục Biển và hải đảo Việt Nam, Tổng cục Quản lý đất đai để làm rõ những vấn đề này.
Sau khi thảo luận, Hội đồng đã bỏ phiếu về hồ sơ quy hoạch. Kết quả, 100% ý kiến thông qua với điều kiện cần chỉnh sửa bổ sung, thẩm định.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.