(HNM) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 64/2019/NĐ-CP ngày 16-7-2019 sửa đổi Điều 7 của Nghị định 160/2013/NĐ-CP ngày 12-11-2013 về tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ. Việc này mang nhiều ý nghĩa nhằm bảo tồn tốt hơn những loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng, góp phần bảo vệ thiên nhiên, môi trường…
Ưu tiên bảo vệ những loài quý hiếm
Theo quy định mới, Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ được bổ sung 16 loài động vật, như: Rùa đầu to, rẽ mỏ thìa, choắt mỏ vàng, tắc kè đuôi vàng, thằn lằn cá sấu, trĩ sao, công..., qua đó đưa tổng số loài động vật nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ từ 83 lên 99 loài.
Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Vân Anh - Cục Bảo tồn đa dạng sinh học - Tổng cục Môi trường (Bộ Tài Nguyên và Môi trường) cho biết, theo Danh lục đỏ của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN), nếu như năm 1996 chỉ có 25 loài động vật của Việt Nam ở mức nguy cấp (EN) thì đến nay đã lên đến hàng trăm loài. Do vậy, trên cơ sở đề nghị của Bộ Tài nguyên và Môi trường định kỳ 3 năm một lần hoặc khi cần thiết, Chính phủ quyết định điều chỉnh, bổ sung danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ.
"Việc này, không chỉ có giá trị về khoa học, y tế, kinh tế, sinh thái, cảnh quan, môi trường, văn hóa - lịch sử mà còn góp phần hoàn thiện cơ sở pháp lý nhằm tăng cường công tác quản lý loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ theo quy định của Luật Đa dạng sinh học 2008…”, bà Nguyễn Thị Vân Anh nhận định.
Như vậy, các cơ quản quản lý nhà nước về môi trường đã cho thấy nhận thức, quyết tâm xây dựng hành lang pháp lý nhằm bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học... Tuy nhiên, thời gian qua, tội phạm săn bắt và buôn bán bất hợp pháp động vật hoang dã, trong đó có cả các loài quý hiếm vẫn gia tăng nhanh chóng. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến sự suy giảm nhanh chóng quần thể các loài động vật hoang dã, đẩy nhiều loài nguy cấp của Việt Nam đến bờ vực của sự tuyệt chủng.
Giám đốc Trung tâm Giáo dục thiên nhiên thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam Vũ Thị Quyên cho biết, trong 7 tháng năm 2019, Trung tâm đã phối hợp với các cơ quan chức năng cứu hộ 146 cá thể động vật hoang dã, gồm nhiều loài quý hiếm như: Voọc, mèo rừng, rùa biển, khỉ, tê tê, rái cá… Tuy nhiên, con số này cũng phần nào thể hiện nạn săn bắt, buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã vẫn tiếp tục gia tăng, trở thành vấn đề “nóng”, gây bức xúc trong xã hội.
Phó Giám đốc Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội Nguyễn Đức Minh cũng chia sẻ: "Từ đầu năm 2019 đến nay, Trung tâm đã tiếp nhận hơn 500 cá thể động vật hoang dã được các cơ quan chức năng cứu hộ đưa về để chăm sóc. Điều đó cho thấy chúng ta vẫn chưa có giải pháp quyết liệt nhằm bảo tồn các loài nguy cấp, quý, hiếm một cách hiệu quả và toàn diện".
Xử lý nghiêm những đối tượng vi phạm
Phó Giám đốc Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội Nguyễn Đức Minh cho rằng: "Để bảo vệ động vật hoang dã, những đối tượng buôn bán trái phép các loài động vật hoang dã quý hiếm đều phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật".
Theo ông Minh, cơ quan chức năng cần phối hợp với các đơn vị bảo tồn rà soát, sửa đổi, bổ sung khung pháp lý, chính sách về bảo vệ động, thực vật hoang dã; đồng thời, có cơ chế khuyến khích cộng đồng sống ở các vùng đệm tham gia bảo vệ và bảo tồn các loài nguy cấp, quý, hiếm. Mặt khác, phải đấu tranh mạnh mẽ với hành vi xâm hại các loài động vật hoang dã, quý hiếm...
Theo bà Bùi Thị Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục thiên nhiên, năm 2017, Bộ luật Hình sự được sửa đổi, bổ sung và có hiệu lực bắt đầu từ ngày 1-1-2018 là công cụ hiệu quả để răn đe các loại tội phạm.
Theo đó, các cá nhân, tổ chức có những hành vi vi phạm pháp luật về động vật hoang dã có thể bị phạt tù lên đến 15 năm; hoặc bị phạt tới 5 tỷ đồng nếu là cá nhân và 15 tỷ đồng, đình chỉ hoạt động 6 tháng đến 3 năm hoặc vĩnh viễn nếu đối tượng có con dấu pháp nhân.
Đây thực sự là chế tài nghiêm khắc và cũng là giải pháp cần thiết để giảm thiểu tình trạng săn bắt, buôn bán động vật hoang dã, góp phần bảo vệ đa dạng sinh học của Việt Nam và thực hiện Công ước quốc tế về bảo tồn các loài động thực vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm.
Cũng theo bà Bùi Thị Hà, các cơ quan chức năng cần nỗ lực điều tra, xử lý nghiêm các đối tượng cầm đầu đường dây buôn bán động vật hoang dã trái phép cũng như các hành vi tiếp tay cho các đối tượng vi phạm. Đồng thời, gắn trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc kiểm soát cũng như chấm dứt tình trạng tiêu thụ động vật hoang dã quý hiếm trái phép trên địa bàn; ngăn chặn tội phạm buôn bán động vật quý, hiếm trên mạng internet...
Và về lâu dài, các ngành chức năng cần siết chặt việc cấp giấy phép nuôi thương mại động vật hoang dã; đồng thời tuyên truyền để các cá nhân, tổ chức hiểu được việc bắt, bán động vật quý hiếm chính là hủy hoại môi trường sống.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.