Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bộ máy “gọn”, con người “tinh”

Chí Kiên| 01/12/2018 06:30

(HNM) - Ý nghĩa, tác dụng của Đề án số 06-ĐA/TU ngày 24-9-2013 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về “Kiện toàn, sắp xếp tổ chức Đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị trên địa bàn dân cư, tổ dân phố, thôn, xóm ở xã, phường, thị trấn thuộc TP Hà Nội” đã được chứng minh sau 5 năm thực hiện.


Với quyết tâm cao, cách làm sáng tạo, đổi mới, TP Hà Nội đã tổ chức đồng bộ hàng nghìn tổ chức cơ sở Đảng, hệ thống chính trị, khắc phục tình trạng 2, 3 thậm chí 9 chi bộ lãnh đạo một thôn, tổ dân phố. Qua đó tạo dựng sự đoàn kết, thống nhất, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ở địa phương. Đặc biệt, Đề án số 06-ĐA/TU đã chứng tỏ sức ảnh hưởng lớn, trên cơ sở coi trọng từng "mắt xích" trong công tác tổ chức, cán bộ ở địa bàn dân cư.

Đề án số 06-ĐA/TU cũng là dấu ấn trong thực hiện Chương trình 01-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội khóa XV và khóa XVI. Trong đó phải kể đến việc nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên; chi bộ thôn, tổ dân phố đã thể hiện rõ vai trò hạt nhân chính trị ở địa bàn dân cư...

Đáng chú ý, trong bối cảnh cả nước đang tập trung thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TƯ ngày 17-4-2015 của Bộ Chính trị về "Tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức", càng thấy rõ ý nghĩa cần thiết, lâu dài của Đề án số 06-ĐA/TU.

Tuy vậy, để có bộ máy “gọn”, con người “tinh”, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, rất cần tiếp tục tháo gỡ những vướng mắc từ thực tiễn. Theo đó, các cấp ủy, tổ chức Đảng cần triển khai nghiêm túc Kế hoạch số 109-KH/TU về “Tiếp tục hoàn thiện mô hình tổ chức hệ thống chính trị trên địa bàn dân cư theo Đề án số 06-ĐA/TU ngày 24-9-2013 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội” và Đề án số 09-ĐA/TU ngày 23-11-2018 về “Thực hiện một số mô hình thí điểm theo Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII)” của Ban Thường vụ Thành ủy. Đây là vấn đề mới, phức tạp, liên quan trực tiếp đến việc làm và tâm tư của từng cán bộ, đảng viên, vì vậy các cấp ủy Đảng cần quán triệt chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, "thận trọng, từng bước; không cầu toàn, không nóng vội; tạo sự đoàn kết, ổn định...".

Sự chủ động của cấp ủy cấp huyện và cấp xã cũng là một yếu tố then chốt, nhất là ở những nơi thực hiện Đề án số 09-ĐA/TU. Cụ thể là phải làm tốt việc nghiên cứu, đánh giá, rà soát kỹ lưỡng thực trạng ở địa phương, từng cơ quan, đơn vị, công việc cũng như tâm tư, tình cảm từng cán bộ, công chức, viên chức. Quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, làm tốt công tác tư tưởng, tuyên truyền để tạo sự đồng thuận.

Trong quá trình kiện toàn, sắp xếp công tác tổ chức, cán bộ, cần thực hiện nghiêm các nguyên tắc của Đảng như tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình, đoàn kết thống nhất trên cơ sở kỷ luật nghiêm minh. Cùng với đó, cấp ủy, tổ chức Đảng linh hoạt, xét đến sự phù hợp về con người, điều kiện tự nhiên, nhiệm vụ chính trị ở cơ sở; rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm...

Mỗi cán bộ, đảng viên được giao nhiệm vụ mới cần nêu cao tính tiên phong, gương mẫu, không ngừng nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn, đáp ứng yêu cầu công việc trong tình hình mới.

Người dân đang kỳ vọng vào tinh thần đổi mới, sẵn sàng xóa bỏ những lạc hậu, cồng kềnh, hướng đến sự hiệu quả của cơ quan Đảng, Nhà nước; đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, với lộ trình, trọng tâm, trọng điểm, làm từng bước vững chắc cả trước mắt và lâu dài. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ máy “gọn”, con người “tinh”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.