(HNMO) - Trong ngày làm việc thứ hai của phiên họp thứ 32 (ngày 12-3), dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các vấn đề còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Giáo dục (sửa đổi).
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình cho biết, nội dung báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) tập trung vào 9 nhóm vấn đề: Triết lý giáo dục; Hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng mở, liên thông; các loại cơ sở giáo dục; chương trình, sách giáo khoa và thi tốt nghiệp THPT; các quy định liên quan đến nhà giáo; về các quy định liên quan đến người học; về đầu tư, tài chính trong giáo dục; về quản trị của cơ sở giáo dục; quản lý nhà nước về giáo dục.
Theo Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, một số nội dung còn nhiều ý kiến quan tâm là: Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; chính sách cử tuyển; đầu tư, tài chính trong giáo dục; quản lý nhà nước về giáo dục…
Cho ý kiến về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, soạn dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) Chính phủ đã bám sát tinh thần Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28-11-2014 của Quốc hội về “Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông” ở nội dung “Thực hiện xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa; có một số sách giáo khoa cho mỗi môn học”. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh, có những môn học như lịch sử, địa lý… không thể có nhiều sách giáo khoa. Chủ tịch Quốc hội cho rằng, nên đưa ra hội thảo, nếu có nhiều sách giáo khoa thì vai trò của Bộ Giáo dục và Đào tạo thế nào?
Ngoài mối quan tâm về sách giáo khoa, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề cập các vấn đề được xã hội quan tâm như: Bạo hành ở cơ sở giáo dục, giáo viên xâm hại học sinh; chuẩn mực xử sự của ngành Giáo dục; việc dạy thêm …
Giải trình thêm về nội dung sách giáo khoa, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định: “Dù ai biên soạn sách giáo khoa thì vẫn có Hội đồng quốc gia thẩm định và Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phải quyết định phê duyệt việc cho sử dụng bộ sách giáo khoa đó hay không. Cho nên, về bản chất thì tất cả sách giáo khoa sau này đều là chính thống và tầm quốc gia. Trách nhiệm là của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo”.
Khẳng định xu hướng của thế giới là không ấn định chỉ có một bộ sách giáo khoa, tuy nhiên Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng cho rằng, sách giáo khoa là vấn đề được cả xã hội quan tâm, chi phí cho sách giáo khoa đối với xã hội là khoản chi không lớn nhưng với từng gia đình, nhất là những gia đình nông dân, người nghèo thì cũng là khoản chi đáng kể. Vì vậy, cần có cách để sử dụng sách giáo khoa tiết kiệm.
Phát biểu kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra tiếp thu, tổng hợp đầy đủ các nội dung và các ý kiến thảo luận tại phiên họp để tiếp tục nghiên cứu, rà soát kỹ lưỡng và xin ý kiến tại hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách (dự kiến ngày 4-4 tới), tạo sự đồng thuận và phù hợp với các luật.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh, về sách giáo khoa, cần tiếp tục đưa ra thảo luận tại hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách. Tinh thần là sẽ có chương trình thống nhất về sách giáo khoa, còn các sách tham khảo sẽ do các nhóm biên soạn, nhóm tác giả biên soạn phục vụ cho quá trình giảng dạy. Trong luật cũng phải ghi rõ vai trò và trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội lưu ý, việc biên soạn sách cần quy tụ được những người có trình độ sư phạm, năng lực chuyên môn, qua thực tiễn giảng dạy, chỉ đạo, điều hành...
*Trước đó, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Kiến trúc.
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất với các nội dung tiếp thu, giải trình của dự thảo Luật Kiến trúc. Cụ thể, nhất trí về dự thảo luật điều chỉnh về hai nhóm chính sách, gồm: Quản lý kiến trúc và Hành nghề kiến trúc. Nhất trí với việc luật có quy định về chính sách của Nhà nước trong hoạt động kiến trúc, đồng thời đề nghị cần rà soát thêm các quy định cho sát với thực tiễn và khả năng của ngân sách, đẩy mạnh xã hội hóa, phát huy sáng tạo.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đồng tình với việc bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam trong kiến trúc để hạn chế kiến trúc ngoại lai gây phản cảm. Tuy nhiên, cũng cần làm rõ hơn nội hàm về phong cách, đặc điểm quy định mang tính chính trị, định hướng để cổ vũ, thống nhất phát huy bản sắc dân tộc…
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị, trên cơ sở ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan thẩm tra phối hợp với các cơ quan hữu quan hoàn thiện báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật để gửi xin ý kiến các đoàn đại biểu Quốc hội trước khi trình lên Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XIV.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.