Chính sách chia cắt các gia đình nhập cư trái phép, theo đó tách trẻ em khỏi bố mẹ tại biên giới với Mexico, của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục vấp phải sự phản đối trong nước và sự chỉ trích của cộng đồng quốc tế.
Nhóm ủng hộ người nhập cư mang tên United We Dream, trong đó có nhiều chính trị gia và nhà hoạt động xã hội, đã lên tiếng kêu gọi giải thể Cơ quan Di trú và Hải quan Mỹ (ICE) vốn bị chỉ trích là đã đối xử không công bằng với người nhập cư.
Nhóm này cho biết sẽ tiếp tục hối thúc Quốc hội Mỹ ngừng cấp ngân sách cho các hoạt động của ICE. Nhiều nghị sỹ Mỹ cũng đã bày tỏ quan điểm tương tự.
Biểu tình tại Mỹ kêu gọi giải thể cơ quan di trú. (Nguồn: wweek.com) |
Hình ảnh những đứa trẻ nhập cư đứng sau hàng rào ngăn cách với cha mẹ chúng đã làm dấy lên làn sóng biểu tình phản đối chính sách "không khoan nhượng" của Nhà Trắng trên khắp nước Mỹ.
Các cuộc biểu tình mang tên "Occupy ICE" (Chiếm lấy ICE) đã diễn ra tại nhiều bang. Dự kiến, trong ngày 30-6 sẽ diễn ra các cuộc biểu tình quy mô lớn hơn.
ICE được thành lập cách đây 15 năm, với mục đích ban đầu là hỗ trợ bảo vệ an ninh quốc gia Mỹ và tăng cường an ninh công cộng sau loạt vụ tấn công khủng bố ngày 11-9-2001. Tuy nhiên, có một số ý kiến cho rằng cơ quan này đã được Tổng thống Trump sử dụng như một công cụ để thực thi chính sách nhập cư "phân biệt và bài ngoại" của mình.
Bên ngoài nước Mỹ, ngày 29-6, Tổ chức Các quốc gia Châu Mỹ (OAS) đã thông qua một nghị quyết lên án chính sách chia rẽ các gia đình di cư của Mỹ tại biên giới với Mexico, đồng thời yêu cầu Mỹ thực hiện việc đoàn tụ các gia đình trên “sớm nhất có thể".
Tổng Thư ký OAS Luis Almagro nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thông qua nghị quyết này, và cho rằng “vấn đề về nhập cư tại Mỹ cần được bàn thảo từ góc độ toàn diện và tập trung vào quyền con người".
Chính sách "không khoan nhượng" của chính quyền Washington, cho phép truy tố tất cả những người trưởng thành bị bắt tại biên giới Mỹ-Mexico vì vượt biên bất hợp pháp, đã trở thành tâm điểm chỉ trích khi khiến 2.300 trẻ em bị tách khỏi gia đình tại biên giới này.
Ngày 20-6 vừa qua, Tổng thống Donald Trump đã ký sắc lệnh ngừng chia tách các gia đình, nhưng cho tới nay vẫn còn khoảng 2.000 trẻ em chưa thể đoàn tụ với gia đình của mình.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.