Theo dõi Báo Hànộimới trên

Biết rồi, vẫn phải nói

Hoàng Thu Vân| 23/11/2010 07:42

(HNM) - Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng là người đăng đàn đầu tiên trong ngày đầu tiên chất vấn và trả lời chất vấn. Đây cũng là Bộ nhận được sự quan tâm nhiều nhất của các đại biểu Quốc hội trong kỳ họp này với trên 30 câu hỏi. Và chắc chắn với một số đại biểu, vấn đề quan tâm vẫn là những câu hỏi từng đặt ra tại nhiều kỳ họp gần đây, trong đó rõ nét nhất là xoay quanh các dự án điện. Dù là những chuyện… biết rồi, nhưng... không thể không nói.


Năng lượng đóng vai trò đặc biệt trong phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, mục tiêu đề ra đến năm 2015 năng lực các nhà máy điện của Việt Nam phải đạt khoảng 50.000MW công suất. Nhưng, đến hết năm 2010, dự kiến mới đạt 20.900MW công suất, tới giữa năm sau thì con số đó là 22.500MW và đến năm 2015 dự kiến chỉ đạt 80% công suất đề ra. Như vậy, việc các đại biểu Quốc hội lo lắng là hoàn toàn có cơ sở.

Tuy nhiên, cần lưu ý, đó mới là cách tính... trên giấy, nghĩa là mọi việc diễn ra đều trôi chảy, chứ nếu gặp khúc mắc thì...

Giải trình thêm về quy hoạch phát triển ngành điện, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Võ Hồng Phúc cho rằng, nhìn chung là phù hợp, nếu thực hiện đúng như tổng sơ đồ điện VI thì không thiếu điện như hiện nay. Nhưng tiếc rằng từ quy hoạch tới thực tiễn là khoảng cách, mấy năm qua, khoảng cách đó không những không được thu hẹp mà có chiều hướng tăng thêm. Điện bây giờ mùa khô thiếu đã đành, mùa mưa cũng thiếu, thậm chí có ý kiến cho rằng nhiều nơi lụt lội vì các nhà máy thủy điện xả lũ, nhưng đau lòng là tại không ít địa phương trong cả nước cùng thời điểm đó, điện vẫn phải cắt luân phiên, thậm chí cắt không cần... thông báo trước làm cho DN và người dân đều phải kêu trời. Song khổ nỗi, đâu có sự lựa chọn nào khác...

Nguyên nhân, vẫn là những chuyện rất "xưa" trong mấy năm qua, đó là thiếu vốn, dự án triển khai chậm, thiếu mặt bằng sạch... Nhưng đâu phải chỉ có những chuyện ấy. Như Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Võ Hồng Phúc thừa nhận, nguyên nhân còn do năng lực nhà thầu, trong đó có vấn đề chúng ta chọn nhà thầu chưa hợp lý thể hiện năng lực và trách nhiệm của chủ đầu tư. Rồi tỷ lệ tổn thất điện năng chưa được cải thiện. Thậm chí có cả việc buông lỏng quản lý. Bằng chứng là số các dự án thủy điện vừa và nhỏ tại miền Trung phát triển một cách tràn lan mà tới giờ Bộ Công thương phải rà soát lại quy hoạch. Trước mắt, kiên quyết dừng việc xây dựng 38 dự án thủy điện nhỏ tại 9 tỉnh miền Trung. Trước đây, nếu chúng ta quản lý một cách chặt chẽ thì đến giờ đâu phải đi "dọn" hậu quả. Xét ra, việc khắc phục cũng sẽ ảnh hưởng tới vốn liếng của không ít DN cũng như sự ổn định cuộc sống của người dân (một số nơi đã có kế hoạch di dân, đền bù tái định cư...). Việc làm đó là cần thiết nếu nhìn về lợi ích lâu dài, song tựu trung thiệt hại về vật chất vẫn thuộc về xã hội.

Tới đây có thể thấy, năng lực và trách nhiệm của ngành chức năng bộc lộ sự yếu kém không chỉ riêng trong việc chọn nhà thầu mà còn thể hiện khá rõ ở từng khía cạnh cụ thể.

Vậy nên, mấy năm trời, toàn những chuyện... biết rồi, nhưng giờ này vẫn phải nói. Và có lẽ đã đến lúc cần phải có một biện pháp mạnh. Cụ thể như phát biểu của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, cuối năm 2010, Chính phủ sẽ triển khai tái cơ cấu ngành điện để năm 2011 tạo ra thị trường cạnh tranh về phát điện. Các DN và người dân sẵn sàng chia sẻ với những khó khăn mà ngành điện đang đối mặt (thậm chí cả việc tăng giá điện), nhưng không thể chấp nhận mãi cung cách làm ăn yếu kém, thiếu năng lực.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Biết rồi, vẫn phải nói

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.