Theo AFP, mười năm sau khi vụ tấn công khủng bố 11/9 khởi phát một chiến dịch rầm rộ chống lại al-Qaeda, tổ chức này tuy đã bị suy yếu và thủ lĩnh bị tiêu diệt song các phân nhánh của nó ở Yemen và Bắc Phi vẫn là mối đe dọa lớn.
Vụ tấn công khủng bố 11/9/2001. (Nguồn: Internet) |
Một số quan chức và chuyên gia đã vội vàng kết luận rằng việc tiêu diệt được Osama bin Laden - thủ lĩnh tối cao của mạng lưới khủng bố này - hồi tháng 5 vừa qua là tín hiệu kết thúc đầu tiên đối với al-Qaeda, song nhiều người khác cho rằng còn quá sớm để mừng chiến thắng.
Cái chết của bin Laden chấm dứt một trong những chiến dịch săn lùng lớn nhất trong lịch sử và đánh thẳng vào đầu não của tổ chức này sau khi bị các cuộc không kích mạnh mẽ của các máy bay không người lái của Mỹ dồn ép tới chân tường. Hiện viên phó tướng lâu năm của bin Laden là Ayman al-Zawahiri đã lên nắm quyền lãnh đạo.
Trong một loạt tin nhắn trên Internet, tên thủ lĩnh người Ai Cập này quả quyết rằng al-Qaeda không hề bị nao núng và y đưa ra những lời kêu gọi một cuộc thánh chiến mới, song các chuyên gia cho rằng y không có được tài năng và uy tín như người tiền nhiệm gốc Arập Xêút của mình.
Chuyên gia người Pháp về al-Qaeda, Jean-Pierre Filiu, cho rằng việc kế nhiệm lãnh đạo mạng lưới khủng bố này không phải là điều dễ dàng.
Ông nói: "Phân nhánh Yemen, tổ chức al-Qaeda ở Bán đảo Arập, đã chính thức khẳng định lòng trung thành của mình, song nhánh ở Iraq và tổ chức al-Qaeda ở Maghreb Hồi giáo chỉ hoan nghênh việc bổ nhiệm này thông qua người phát ngôn của mình. Đó là bằng chứng cho thấy vẫn còn những căng thẳng nghiêm trọng trong nội bộ phong trào này, khiến nhóm ở Ai Cập và có thể cả ở Yemen chống lại nhóm ở Iraq và Bắc Phi."
Trong khi sự kiểm soát của al-Qaeda ở các khu vực có vẻ đang suy giảm thì một vài phân nhánh khu vực, trước đây từng tuyên bố trung thành với bin Laden, hiện vẫn đang sẵn sàng hành động. Ở Yemen, tổ chức al-Qaeda ở Bán đảo Arập đang khiêu khích và lợi dụng tình trạng hỗn loạn ở trong nước để mở rộng và tạo lập các thánh địa của mình.
Chuyên gia Hồi giáo Dominique Thomas thuộc Trường Nghiên cứu Khoa học Xã hội nói: "Yemen là một lãnh thổ rộng lớn nơi các bộ tộc gắn kết rộng rãi với những kẻ thánh chiến. Đây là một vùng đất màu mỡ cho chúng, chúng có thể đào tạo và chuẩn bị cho các chiến dịch tấn công nước ngoài từ nơi đây. Các thủ lĩnh của chúng ở nơi an toàn và chỉ bị đe dọa bởi các cuộc không kích bằng máy bay không người lái của Mỹ."
Trên dải đất Sahel rộng lớn ở châu Phi, tổ chức al-Qaeda ở Maghreb Hồi giáo đang hoạt động khá tự do bởi các nước trong khu vực có hỏa lực yếu và sự phối hợp kém. Các tay súng của tổ chức này bắt giữ các con tin người nước ngoài rồi thả dần để đổi lấy các khoản tiền chuộc lớn, và tổ chức các vụ tấn công vào lực lượng địa phương, tuy nhiên tổ chức này vẫn chưa đủ khả năng hoạt động rộng ra ngoài khu vực ẩn náu trên sa mạc của mình.
Ngoài mối nguy hại từ các nhóm có vũ trang, còn có một mối đe dọa khác đang lớn dần lên từ những kẻ quá khích vô hình đang hướng tới thánh chiến qua mạng Internet.
Michael Lieter, cựu giám đốc Trung tâm chống khủng bố Quốc gia của Mỹ, nói: "Đây là một dạng đe dọa khác. Nó không lớn như vụ 11/9, nhưng không cần phải có một vụ 11/9 khác để gây một ảnh hưởng khủng khiếp đối với một đất nước hay tạo ra một ảnh hưởng địa chính trị."
Ông cho rằng cú sốc mà kẻ cực đoan cánh tả Na Uy Anders Behring Breivik gây ra ở Na Uy và toàn khu vực qua vụ tàn sát ngày 22/7 đã cho thấy điều đó.
Ông nói: "Hãy xem thảm kịch ở Na Uy, hãy xem ảnh hưởng của nó tới hầu khắp châu Âu. Một sự việc nhỏ có thể gây ảnh hưởng lớn".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.